Gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu: Những hy vọng thích ứng để đưa về trạng thái bình thường mới

28/05/2022 10:30 toquoc.vn

Theo trang Asia Times, cảng thương mại Thượng Hải, nơi xử lý 1/5 khối lượng vận chuyển của Trung Quốc  đã hoạt động trở lại nhưng hiện vẫn giảm công suất so với trước đại dịch. Bên cạnh đó, nhiều chuyến hàng đã bị hủy, hoãn hoặc chuyển tuyến đến các cảng lớn khác của Trung Quốc như Ningbo-Zhousan.

 

Khi thành phố mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 1/6, cảng Thượng Hải có thể rơi vào tình trạng quá tải nếu các nhà sản xuất gấp rút hoàn thành những công việc tồn đọng bởi tác động của dịch bệnh trên khắp thế giới. Đây là ví dụ về chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm 2022 bị gián đoạn từ đầu năm nay. Vào tháng Giêng năm nay, các nhà quan sát đã đưa ra dự báo về tình trạng gián đoạn đang diễn ra khi nền kinh tế thế giới phục hồi sau đại dịch. 

Ngoài Thượng Hải, những cảng lớn khác của Trung Quốc như Thâm Quyến cũng bị ảnh hưởng từ đợt phong tỏa Thượng Hải. Và sau đó là vấn đề leo thang ở Ukraine. Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ lên cao hơn mức tăng dự đoán tron năm 2022 đồng thời gây ra khó khăn về hậu cần.

Theo chỉ số áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu do Cục Dự trữ Liên bang New York cung cấp, tính đến các vấn đề như giá cước, thời gian giao hàng và hàng tồn động, chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu áp lực chưa từng có và gần đây đang trở nên tồi tệ hơn.

Khan hiếm thực phẩm toàn cầu

Theo trang Asia Times, Ukraine có thể không phải là đối tác kinh tế quan trọng nhưng lại được xem là "điểm  nghẽn" lớn đối  với chuỗi cung ứng thực phẩm. Nguyên nhân chính là do cơ sở hạ tầng cảng kém và sự tập trung lớn nguồn cung như ngô và lùa mì trên khắp thế giới phải di chuyển qua. Do đó, vấn đề Ukraine đang tác động nghiêm trọng đến nguồn cung quốc tế.

Bên cạnh đó, lệnh trừng phạt vào Nga cũng khiến giá điện và khí đốt tăng, ảnh hưởng đến hàng hóa từ giao hàng đến sản xuất thực phẩm. Nga là nước đóng vai trò quan trọng trong thị trường phân bón,  ngay cả khoai tây trồng trong nước cũng đang trở nên đắt đỏ hơn.

Trong khi những quốc gia đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thì các nước giàu có hơn và những người nghèo cũng chịu áp lực không kém. Ngoài lương thực, giá năng lượng và nhiên liệu đã khiến hoạt động sản xuất và vận chuyển trở nên đắt đỏ hơn trên diện rộng. Một số công ty lớn như Apple, Tesla, Adidas, Amazon và General Electric cũng chịu chung áp lực này. Sau khi Trung Quốc nới lỏng hạn chế, một số hãng như Volkswagen và Tesla đã khởi động lại sản xuất nhưng đối mặt với tình trạng chậm trễ về hậu cần.

Trên khắp thế giới, nhiều cảng lớn đã trải qua tình trạng tắc nghẽn vào năm 2021, trong đó ở các cảng ở bờ biển phía tây Mỹ như Los Angeles và Long Beach, hàng chục tàu xếp hàng dài chờ cập cảng. Tình trạng này đã giảm đáng kể vào đầu năm 2022. 

Trong khi đó, nhu cầu về tàu cao cũng ảnh hưởng đến giá cước vận chuyển. Con số này đã tăng ít nhất 5 lần vào năm 2021 bởi các nhà cung cấp vật lộn để ứng phó với nhu cầu bị dồn nén do Covid.  Bất kỳ sự gia tăng nào cũng gây thêm áp lực lên giá tiêu dùng.

Hy vọng 

Trong những tháng tới năm nay, theo Asia Times, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể vẫn chịu áp lực lớn. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát gần đây của Anh cho biết, khoảng 3/4 công ty nghĩ rằng năm 2023 sẽ không còn quá khó khăn.

Đặc biệt, với các doanh nghiệp nhỏ hơn, bất kỳ sự không thích ứng với thay đổi môi trường cũng đe dọa đến sự tồn tại của các doanh nghiệp. Vào thời điểm hiện tại, nỗ lực hồi phục kinh tế dài hạn có thể đang trở nên khó khăn hơn.

Ít nhất về  trung hạn, giới quan sát cho rằng vẫn có lý do để lạc quan trong thận trọng. Trong nhiều thập kỷ qua, hầu hết các chuỗi cung ứng đều tập trung vào cắt giảm chi phí. Quá trình sản xuất gia công cho các nhà cung cấp thông thường ở những nước có chi phí lao động thấp. Các công ty có thể giữ hàng tồn kho ở mức tối thiểu và sử dụng các hợp đồng ngắn hạn để linh hoạt nhất có thể.

Điểm yếu trong hệ thống lúc này là ảnh hưởng bởi Covid. Giờ đây, nhiều công ty đang chú trọng hơn đến khả năng phục hồi cũng như xác định rõ ràng về tất cả nhà cung cấp trong chuỗi.

Tất nhiên, chi phí vẫn là yếu tố quan trọng cần cân nhắc nhưng chất lượng và tính khả dụng của sản phẩm hiện được xem là quan trọng hơn. Các công ty cũng đa dạng hóa các cơ sở cung cấp để không phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Những công ty của Mỹ như Walmart, Boeing và Ford  đang chuyển hướng sang các địa điểm gần thị trường nước này. Bên cạnh đó, một số công ty của Vương quốc Anh hay châu Âu cũng đang làm theo cách này.

Những thay đổi như vậy sẽ khiến cho chuỗi cung ứng trở nên mạnh mẽ hơn trong tương lai, kể cả khi giá cao hơn. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng những rủi ro trong tương lai vẫn có thể xảy ra. EU và Mỹ có kế hoạch phát triển một hệ thống cảnh báo sớm để xác định tình trạng gián đoạn toàn cầu trong tương lai đối với chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Việc gián đoạn nguồn cung từ chất bán dẫn đã ảnh hưởng đến mọi mặt, từ sản xuất ô tô đến máy chơi  trò chơi điện tử. Báo cáo gần đây cũng kêu gọi chính phủ Anh thành lập lực lượng đặc nhiệm nhằm phát huy khả năng phục hồi và làm việc với các ngành công nghiệp để tăng khả năng hiển thị trong chuỗi cung ứng.

Theo Asia Times, cách tiếp cận này sẽ rất đáng để thực hiện. Chuỗi cung ứng đang trải qua các giai đoạn hỗn loạn nhất trong nhiều năm qua nhưng đây cũng là bài học và tạo ra khả năng thích ứng với môi trường để tránh được những điều tồi tệ trong tương lai./.