Giảm thuế xăng dầu linh hoạt, kịp thời, đảm bảo tốc độ phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế

12/07/2022 09:00 congluan.vn

Hôm nay (11/7), Nghị quyết mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022, theo đề xuất của Chính phủ như sau: Xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; Mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; Dầu hỏa  giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Thời hạn áp dụng Nghị quyết từ 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Từ 1/1/2023 sẽ áp dụng thuế bảo vệ môi trường theo tinh thần Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14, nếu không có trường hợp gì đặc biệt.

Cũng theo công bố của liên bộ Công Thương - Tài chính thì từ hôm nay (11/7), điều chỉnh giá xăng dầu đồng bộ với việc áp dụng điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Theo đó, kể từ 0h ngày 11/7, xăng và dầu diesel đồng loạt giảm giá hơn 3.000 đồng/lít.

Các chuyên gia cho rằng, quyết sách này là linh hoạt và phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đồng thời kiến nghị cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn để kìm đà tăng giá xăng, dầu, nhằm giảm áp lực lạm phát, đảm bảo tốc độ phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế.

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Phạm Tất Thắng cho rằng, giá xăng dầu tăng mạnh thời gian vừa qua đã khiến hàng hóa đội giá, người dân giảm chi tiêu, tiết kiệm hơn, doanh nghiệp hạn chế mở rộng sản xuất.

Theo vị chuyên gia kinh tế, nếu không giảm mạnh giá xăng dầu sẽ làm ảnh hưởng đến việc kiềm chế lạm phát; có thể thuế thu từ xăng dầu tăng, nhưng ngân sách nhà nước sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới do nền kinh tế bị thu hẹp, hoặc không được mở rộng như kỳ vọng… Giá xăng dầu có tác động mạnh mẽ tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, vì vậy, trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao như hiện nay, vấn đề bình ổn giá là hết sức quan trọng. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là biện pháp thiết thực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng.

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng phân tích, thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường, nên chi phí thuế bảo vệ môi trường sẽ được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế bảo vệ môi trường. Việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn kịp thời trong bối cảnh giá xăng dầu đang ở mức cao được xem là giải pháp hiệu quả để giảm chi phí thuế trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu, từ đó có tác động tức thì trong việc giảm giá bán lẻ xăng dầu. Sự thay đổi về giá của mặt hàng này sẽ kéo theo sự biến động nhất định về giá của các mặt hàng khác, tác động lên chỉ số giá tiêu dùng.

Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (chuyên gia kinh tế) cũng chỉ ra rằng, dự báo trong 6 tháng cuối năm 2022 nếu giá dầu trên thế giới và nguồn cung nguyên vật liệu như hiện nay, lãi suất của các nền kinh tế lớn tăng không quá cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 7,0% - 7,5% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,5% - 3,8%.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% như chỉ tiêu của Quốc hội và tìm cách ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tiếp tục hạ thấp tỷ lệ lạm phát cần thực hiện tốt một số biện pháp. Một trong số các biện pháp mà vị chuyên gia kinh tế đưa ra là kiểm tra chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các mặt hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá… Trong đó, có mặt hàng xăng dầu.

Ngoài ra, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, bên cạnh việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn thì cần bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng do quy định áp thuế này trên xăng đã lạc hậu, không còn tính thời sự, bối cảnh. Trước đây, một trong những lý do áp thuế tiêu thụ đặc biệt trên xăng là bởi mặt hàng này chỉ dùng cho các thiết bị như ô tô, xe gắn máy thuộc sở hữu của những người có thu nhập cao trong xã hội. Tuy nhiên, đến nay, việc duy trì thuế này trên xăng không còn hợp lý, do vậy, nên bỏ loại thuế này thay vì chỉ giảm thuế…