Giải quyết khan hiếm vật liệu phục vụ thi công dự án

03/06/2024 05:00 daidoanket.vn

Thời gian qua, tình trạng thiếu vật liệu xây dựng khiến hàng loạt dự án giao thông trọng điểm phải tạm dừng, vì thế nhiều dự án chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Điển hình ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, dự án cầu Tây An 1 và Tây An 2 bắc qua sông Cầu Chìm, được đầu tư 250 tỷ đồng, đã hoàn thiện các hạng mục nhưng chưa thể đưa vào sử dụng vì thiếu đường dẫn. Cụ thể Cầu Tây An 1 dài 307m và Tây An 2 dài 79m, nằm trong dự án đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị của thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, kết nối Trung tâm hành chính huyện, quốc lộ 1 và quốc lộ 14H. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua sau khi các hạng mục chính 2 cây cầu cơ bản hoàn thiện nhưng vẫn chưa thể đưa vào sử dụng, do thiếu đất đắp các bên mố cầu và đường dẫn lên cầu.

Ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, dự án cầu Tây An 1 và 2 phải tạm dừng thi công một số hạng mục do trên địa bàn và các huyện lân cận đang khan hiếm nguồn đất đắp. Để giải quyết vấn đề này UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan đôn đốc nhà thầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thủ tục để được cấp mỏ khai thác làm vật liệu thông thường, đồng thời đẩy nhanh triển khai thi công các hạng mục còn lại trên toàn tuyến nhằm kịp tiến độ như đã đề ra.

“Đối với các mỏ khoáng sản đã được quy hoạch thì khẩn trương lập thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo nguồn nguyên vật liệu trong thời gian tới theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam” - ông Đức nói.

Tiếp đến, Dự án cầu và đường dẫn ĐH7 bắc qua sông Vĩnh Điện nối phường Điện Thắng Bắc với Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam được khởi công tháng 3/2021, dự kiến hoàn thành đầu năm 2023. Công trình này do Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư và xây dựng thị xã Điện Bàn làm chủ đầu tư, tổng vốn gần 230 tỷ đồng. Thế nhưng hiện nay, đường dẫn phía Điện Thắng Bắc được thảm nhựa, phía Điện Ngọc chưa hoàn thành. Cầu xong nhưng chưa có đường dẫn, người dân phải qua lại bằng cầu sắt đã xuống cấp cách cầu mới 400m về phía Đông Nam để lưu thông.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, thời điểm từ giữa năm 2022 đến đầu năm 2023 nguồn cung cấp đất đồi hạn chế, vật liệu cát tăng cao do đó ảnh hưởng rất lớn đến các đơn vị thi công cũng như chủ đầu tư dự án.

“Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng vẫn đang tiếp tục triển khai, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý II năm 2024. Do đó, để đảm bảo các bước tiếp theo trong việc đầu tư xây dựng dự án này thị xã Điện Bàn đã đề nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh thời gian thực hiện dự án: Năm 2019-2023, sang năm 2019-2024” - ông Hà nói.

Trước tình thế trên, để giải quyết việc thiếu hụt vật liệu, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện liên quan chỉ đạo các chủ mỏ của 40 giấy phép khai thác khoáng sản (đất, đá, cát, sỏi lòng sông) còn thời hạn phải khai thác đảm bảo công suất theo giấy phép được cấp. Nghiêm cấm việc khai thác cầm chừng, gây khan hiếm vật liệu để tăng giá bán và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

“Các sở liên quan phối hợp với các địa phương đôn đốc, hướng dẫn, sớm tham mưu giải quyết các thủ tục về thăm dò, cấp giấy phép, sớm đưa các mỏ vật liệu đã tổ chức đấu giá vào khai thác, đáp ứng kịp thời nhu cầu xây dựng trên địa bàn. Các huyện Quế Sơn, thị xã Điện Bàn… khẩn trương tổ chức đấu giá 22 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được UBND tỉnh phê duyệt. Lựa chọn, hướng dẫn đơn vị trúng đấu giá thực hiện các thủ tục tiếp theo để sớm được cấp phép, đưa mỏ vào khai thác” - ông Bửu cho biết thêm.

Trước đó, Báo Đại Đoàn Kết có bài: “Quảng Nam: Hàng loạt dự án trăm tỷ chậm tiến độ, trách nhiệm thuộc về ai? phản ánh, tại Quảng Nam thời gian qua có nhiều cây cầu, tuyến đường của những dự án hàng trăm tỷ đồng từ đồng bằng đến miền núi đang dở dang, chậm tiến độ hàng năm trời, thậm chí có công trình còn bị nhà thầu “bỏ chạy” mà nguyên nhân các đơn vị nêu ra là do thiếu vật tự như đất đắp nền, cát sỏi và chậm giải phóng mặt bằng.

Link gốc