Giá xuất xưởng của Trung Quốc trong tháng 7 tăng mạnh, lên đến 9,0%

12/08/2021 16:35 Phương Anh/ Nikkie Asia

Tỷ lệ lạm phát tại cổng nhà máy của Trung Quốc trong tháng 7 đã tăng nhanh hơn so với tháng trước và vượt quá kỳ vọng của thị trường, gia tăng căng thẳng cho nền kinh tế đang mất đà phục hồi do các doanh nghiệp vẫn phải vật lộn với chi phí nguyên liệu thô cao.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trên đà tăng trưởng hơn 8% trong năm nay, nhưng các nhà phân tích cho biết nhu cầu bị dồn nén do đại dịch đã lên đến đỉnh điểm và dự báo tăng trưởng sẽ chỉ ở mức trung bình trong năm tới.

Theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết, chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng 9,0% so với một năm trước đó, vượt mức dự báo 8,8%.

Phần lớn nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi sau những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, nhưng sự phát triển đang mất dần đi khi các doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với những căng thẳng ngày càng gia tăng do giá hàng hóa tăng cao và sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sự lây lan chóng mặt của biến thể Delta kèm theo các đợt bùng phát ca bệnh mới và tình trạng mưa lũ gần đây ở một số tỉnh của Trung Quốc cũng đã làm gián đoạn các hoạt động kinh tế tại nước này.

Zhiwei Zhang, Chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Pinpoint Asset Management cho biết: “Đại dịch đang trở nên tồi tệ hơn và gây ra nhiều sự gián đoạn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.”

Dong Lijuan, một chuyên gia thống kê số liệu tại Cục Thống kê Quốc gia cho biết, giá dầu thô tăng cao và nhu cầu về than nhiệt tăng do Trung Quốc đang phải đối phó với tình trạng thời tiết nắng nóng kéo dài.

Giá trong ngành khai thác than và kim loại đen lần lượt tăng 45,7% và 54,6% trong tháng 7 so với cùng kỳ.

Zhiwei Zhang cho biết chính sách “không khoan nhượng” của Trung Quốc đối với các trường hợp Covid có thể sẽ gây thêm căng thẳng cho chuỗi cung ứng và áp lực lạm phát có thể kéo dài trong nửa cuối năm nay.

Những bất ổn gây ra bởi đợt dịch bùng phát mới tại Trung Quốc và các biện pháp cấp bách của chính phủ đã khiến các chuyên gia phân tích từ Goldman Sachs và Barclays gần đây phải điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng quý III của họ.

Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ chậm lại trong tháng 7 do các doanh nghiệp đang phải chịu thêm áp lực từ chi phí nguyên liệu thô cao.

Trung Quốc đang nỗ lực kiềm chế giá hàng hóa tăng cao làm giảm biên lợi nhuận của các nhà sản xuất, bao gồm việc tăng cường kiểm tra các sàn giao dịch và giải phóng dự trữ nhà nước.

Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên lúc kết thúc phiên giao dịch (ngày 30/7) giảm mạnh, với mức giảm hàng tháng khoảng 10%, mức cao nhất kể từ tháng 2 năm 2020.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7 đã tăng 1,0% so với một năm trước đó, thấp hơn mục tiêu của chính phủ là khoảng 3% trong năm nay.

Theo một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters cho biết, chỉ số này dự kiến ​​sẽ tăng 0,8%.

Tính theo tháng, chỉ số CPI đã tăng 0,3% so với mức tăng 0,2% theo cuộc thăm dò ý kiến của Reuters và so với mức giảm 0,4% của tháng 6.

Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi, bao gồm giá thực phẩm và năng lượng biến động dừng ở mức 1,3% so với mức tăng 0,9% trong tháng 6.