Giá xăng giảm, hàng hóa chậm 'quay đầu'

27/07/2022 15:00 daidoanket.vn
Người tiêu dùng đang kỳ vọng thực phẩm nhanh chóng giảm giá.
Người tiêu dùng đang kỳ vọng thực phẩm nhanh chóng giảm giá.

Giá thực phẩm vẫn “neo” ở mức cao

Ghi nhận của phóng viên tại các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM như chợ Tân Định (quận 1), chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), chợ Tăng Nhơn Phú (Thủ Đức)... các mặt hàng thực phẩm chưa giảm giá và tiếp tục giữ ở mức cao.

Bà Vũ Ánh Nguyệt, tiểu thương chợ Tăng Nhơn Phú cho hay, giá thịt heo tăng từ 10.000 – 15.000 đồng/kg, tùy loại. Cụ thể, thịt heo ba rọi trước đây bán 120.000 – 130.000 đồng/kg, giờ lên 140.000 – 150.000 đồng/kg; sườn non có giá 190.000 đồng/kg, thay vì chỉ ở mức 170.000 – 175.000 đồng/kg. “Giá heo hơi đang ở mức 65.000 – 73.000 đồng/kg nên thịt heo bán tại các điểm bán lẻ cũng tăng theo. Hơn nữa, giá xăng có giảm nhưng giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng ngất ngưởng, vì vậy giá thịt heo không thể “quay đầu”.

Theo bà Nguyệt, mặc dù giá heo hơi tăng cao song tiểu thương không dám tăng giá nhiều vì sức mua rất thấp. Tăng giá nhiều chỉ sợ bán không ai mua. Không riêng mặt hàng thịt heo tăng giá, giá các loại hải sản tăng từ 3.000- 5 .000 đồng/kg, giá các loại trứng tăng từ 3.000 - 6.000 đồng/quả… Giá rau xanh cũng tăng tốc theo, tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Cụ thể, đậu cô ve 40.000 đồng/kg, tăng gần 10.000 đồng/kg; xà lách Đà Lạt 60.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; bầu, bí, mướp có giá dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, tăng hơn 5.000 đồng/kg.

Bên cạnh mặt hàng thực phẩm tăng giá, hàng thiết yếu cũng không “thua chị kém em”. Theo đó, chai dầu ăn Cooking loại 1 lít cách đây không lâu giá chỉ 63.600 đồng, nay tăng vọt lên 71.500 đồng, chai nước mắm 1 lít trước đây có giá 60.000 đồng/chai nay tăng lên 75.000 đồng/chai.

“Tôi còn nhớ, trước đây mua chai nước mắm loại 900ml chỉ khoảng bốn mấy ngàn đồng, giờ thì đắt kinh khủng. Đến sản phẩm trứng gia cầm ngon, bổ, rẻ mà cũng tăng giá vù vù. Cứ tưởng, xăng dầu hạ nhiệt thì giá cả hàng hóa sẽ hạ nhiệt và ổn định trở lại”- bà Phan Liên Hương (đường Lê Văn Việt, Thủ Đức) lắc đầu nói.

Chia sẻ về giá cả hàng hóa hiện nay, đại diện các nhà bán lẻ đều thừa nhận, chưa có nhà cung cấp nào đưa ra mặt bằng giá mới cho sản phẩm. Nguyên nhân chủ yếu là do, giá xăng dầu giảm chưa đủ mạnh, chưa kể một số loại chi phí đầu vào khác chưa cộng hưởng tạo lực kéo giảm giá hàng hóa. Các nhà bán lẻ đang chờ doanh nghiệp sản xuất báo giá mới nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Lý giải cho việc chậm xuống giá hàng hóa, đại diện một số đơn vị khẳng định, muốn tăng giá sản phẩm, doanh nghiệp phải đề xuất với sở, ngành. Đồng thời gởi đề xuất giá mới cho các hệ thống bán lẻ. Từ lúc gửi đề xuất đến khi được chấp thuận giá mới thời gian khá dài. Trong khi đó, giá xăng dầu lên xuống bất thường doanh nghiệp sản xuất không trở tay kịp, cần có độ trễ để tính toán, cân đối lại sao cho hợp lý hơn.

Cần độ trễ để giảm giá hàng hóa?

“Cần thêm một thời gian nữa để nhà sản xuất điều chỉnh giá hàng hóa, chứ không thể giảm ngay theo giá xăng dầu”, ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt nhấn mạnh. Làm rõ lý do, vị này lý giải với hàng loạt nguyên nhân đi kèm khiến hàng hóa vẫn giữ giá ở mức cao. Theo ông Thiện, trong cơ cấu giá thành sản phẩm của công ty xăng dầu chiếm tỷ lệ nhỏ, còn lại là các yếu tố khác như nguyên vật liệu. Thế nhưng, đến thời điểm này nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất chưa có dấu hiệu dừng lại. Đơn cử, từ đầu năm giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục. So với cùng kỳ năm ngoái, giá thức ăn chăn nuôi tăng 50% nhưng giá trứng gia cầm không tăng tương xứng. Điều này khiến người chăn nuôi rất cân nhắc tái đàn. Trước đó, do tác động của dịch bệnh đa số hộ nông dân thu hẹp quy mô chăn nuôi nên nguồn cung trứng gia cầm cũng đang hạn chế.

Đề cập đến vấn đề giảm giá thực phẩm, ông Nguyễn Bình Phương - Phó Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần quản lý và kinh doanh chợ đầu mối thực phẩm Thủ Đức cho rằng, xăng dầu vừa giảm giá nhưng giá cả hàng hóa chưa thể hạ ngay được. “Trước khi giá xăng dầu “quay đầu” tiểu thương, nhà xe đều cố gắng cầm cự trong thời gian khá dài. Ngoài ra, hiện nay giá cả hàng rau củ quả biến động còn do yếu tố mùa vụ, thời tiết chứ không chỉ bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu. Chẳng hạn, thời điểm này một số mặt hàng như ớt, cà chua, xà lách…do mùa mưa rau bị hư hại, nguồn cung thiếu hụt dẫn đến giá cả tăng cao và chỉ xảy ra trong ngắn hạn”- ông Bình nói.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các mặt hàng, dịch vụ đã được thiết lập mặt bằng giá mới, khó quay trở lại mức cũ. Nên chủ động dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát để xây dựng kịch bản, giải pháp điều hành giá cả, ổn định kinh tế vĩ mô.

TS Cấn Văn Lực cho rằng, sức mua hiện nay chỉ đạt khoảng 60 – 70% so với trước đây. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng. Dự báo, lạm phát năm 2022 tăng 3,8 – 4,2%, nghĩa là tăng gấp đôi năm 2021. Còn theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, thời gian qua giá xăng dầu tăng cao đã tác động trực tiếp đến giá thành một số mặt hàng. Tuy nhiên, tác động lớn nhất là hiệu ứng tâm lý khiến các mặt hàng khác cũng tăng theo mà khó giảm. Nhằm kìm hãm đà tăng giá hàng hóa, dịch vụ cần tăng cường nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường sao cho tránh tình trạng khan hiếm cục bộ.