Giá vàng thiết lập kỷ lục giá trước ngày Thần tài

08/02/2022 06:25 congluan.vn

Giá vàng tăng kỷ lục cận kề ngày Thần tài

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các “nhà vàng” đã bắt đầu hoạt động trở lại với hàng loạt chương trình đón chào ngày Thần tài (mùng 10 tháng Giêng, âm lịch).

Trước ngày Thần tài năm nay, giá vàng trong nước và thế giới đã thiết lập kỷ lục mới, với mức giá bán cao chưa từng có. Cụ thể, trong phiên giao dịch 7/2, giá vàng trên thị trường thế giới ghi nhận ở ngưỡng 1.812 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng trong nước ghi nhận ở ngưỡng 62,7 - 63,5 triệu đồng/lượng.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, từ nay cho tới ngày Thần tài, giá vàng có đạt xấp xỉ 64 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, một số “nhà vàng” kỳ vọng vào doanh số trong mùa Thần tài năm nay có sự tăng trưởng mạnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Trần Văn Tiên, CEO của thương hiệu trang sức Em và Tôi cho biết: “Năm nay, có thể khách hàng mua vàng Thần tài sẽ tăng gấp đôi so với năm ngoái, vì tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, lá chắn vắc-xin ngừa COVID-19 cũng bắt đầu phát huy tác dụng”.

Theo ông Tiên, tâm lý của người tiêu dùng đã tự tin không còn sợ COVID-19 như năm trước.

Đặc biệt chính sách của Nhà nước về tình hình phòng chống dịch thuận tiện cho người tiêu dùng di chuyển mua sắm vui xuân nhằm thúc đầy nền kinh tế phát triển cũng bắt đầu có hiệu quả, điều này sẽ kích thích thị trường vàng tăng trưởng trong ngày Thần tài.

Tuy nhiên, ông Tiên cũng lo ngại, với mức giá neo kỷ lục như hiện nay sẽ là một yếu tố gây bất ngờ cho các “nhà vàng”.

“Nếu so với năm ngoái, sức mua vàng trong ngày Thần tài có thể tăng, nhưng so với năm 2019, thời điểm trước khi dịch bệnh xuất hiện, có lẽ sẽ không bằng”, ông Tiên chia sẻ thêm.

Giá vàng trong nước có thể tăng trên 65 triệu đồng/lượng

Hiện nay, dù giá vàng trong nước và thế giới liên tục phá đỉnh, thế nhưng, giới chuyên gia vẫn nhận định vàng vẫn có đà tăng.

Trong đó, giá vàng thế giới có thể vượt qua con số 2.000 USD/ounce, còn giá vàng trong nước vượt ngưỡng 65 triệu đồng/lượng.

Thứ nhất, do các tác động của đại dịch COVID-19 kéo dài, nhiều người có xu hướng tích trữ vàng như một kênh đầu tư an toàn.

Đơn cử như tại thị trường Việt Nam, giá vàng giai đoạn cuối năm 2021 tăng vọt lên ngưỡng 62 triệu đồng/lượng, cũng là do tác động của xu hướng này.

Thứ hai, lạm phát đang lan rộng trên quy mô toàn cầu. Trong đó, các siêu cường kinh tế như Mỹ, Anh hay Canada đang đối mặt với tình trạng lạm phát tồi tệ, điều này cũng là nguyên nhân khiến giá vàng tăng “sốc”.

Cuối cùng, các nguyên nhân đến từ bất ổn chính trị trên thế giới, như nguy cơ xung đột giữa Nga và Ukraine hay việc Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa đang làm gia tăng thêm căng thẳng. Điều này cũng khiến nhà đầu tư tìm đến vàng, để đầu tư.

Ngoài các yếu tố nêu trên, ông Trần Văn Tiên, CEO của trang sức Em và Tôi nhận định: Tại các nước Á Đông, đặc biệt là thị trường tỷ dân như Trung Quốc, giai đoạn sau Tết người dân có xu hướng mua vàng, lấy lộc ngày Thần tài rất đông, tiếp tục gia tăng áp lực tới lực cung của thị trường.

“Giá vàng có đà tăng cao, nhưng tăng cao bao nhiêu thêm nữa thì rất khó nói. Tuy nhiên, riêng giá vàng SJC trong nước có thể cán mốc 65 triệu đồng/lượng là điều rất dễ xảy ra”, ông Tiên nói thêm.

Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định: Giá vàng có thể tăng tới 2.000 USD/ounce nếu tình hình địa chính trị trên thế giới diễn ra cực kỳ căng thẳng, nghĩa là có chiến tranh nổ ra, nhưng trường hợp này là rất khó. 

“Thế nên, giá vàng có tăng thì tăng chậm, không tăng quá cao như nhiều đồn đoán", ông nói.

Ngoài ra, ông Thịnh còn dự báo, 6 tháng đầu năm, giá vàng thế giới có thể chạm ngưỡng 1.900 USD/ounce.

Tuy nhiên, giá vàng trong nước sẽ tăng hoặc giảm theo giá thế giới hay không thì rất khó đoán định.

Vì hiện nay, thị trường vàng trong nước gần như không liên thông với thế giới.