Giá tiêu của Việt Nam đang tăng bất thường?

18/03/2021 11:49 congluan.vn
 
“Vàng đen” của Việt Nam đang tăng bất thường?

“Vàng đen” của Việt Nam đang tăng bất thường?

Giá tiêu liên tục áp sát mốc mới khiến người trồng tiêu vừa mừng vừa lo

Theo thông tin từ trang tintaynguyen.com, giá tiêu ở nhiều vùng trồng trọng điểm sáng 18/3 tiếp tục tăng mạnh áp sát mốc 80.000 đồng/kg khiến người trồng tiêu “phấp phỏng” nên bán hay găm lại chờ tăng giá.

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay (18/3) được thu mua với mức 75.000 đồng/kg, tăng 2.500 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 74.000 đồng/kg, tăng 2.500 đồng/kg. Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 72.500 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 76.500 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 75.500 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg. Như vậy đầu giờ sáng nay giá tiêu tại các vùng trồng trọng điểm tăng 2.000 – 2.5000 đồng/kg so với đầu giờ sáng hôm qua.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi – Ấn Độ giảm 400 rupee/tạ ở mức 36.860 rupee/tạ.

Như vậy, bất chấp dự báo giá tiêu đạt đỉnh trong chu kỳ tăng, giá tiêu trong nước vẫn tiếp tục tăng mạnh, theo ghi nhận tại nhiều đại lý đã mua đến mốc 80.000 đồng/kg.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện nông dân Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu mới, khiến thị trường "vàng đen" khá sôi động. Trước đó, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam dự báo sản lượng hồ tiêu thu hoạch được sẽ đạt khoảng 180.000 tấn, giảm khoảng 20 - 25% so với vụ trước.

Các thương nhân kinh doanh hồ tiêu dự báo, giá tiêu vẫn có triển vọng tăng thêm do các nhà đầu cơ tăng mua trước thông tin sản lượng tiêu năm nay giảm mạnh, ông Toản thông tin.

Trước diễn biến tăng giá liên tục của thị trường “vàng đen” trong thời gian vừa qua, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã họp khẩn cấp với các doanh nghiệp và nhận định đợt tăng liên tục từ đầu tháng 3 đến nay của giá tiêu là bất thường do yếu tố đầu cơ găm hàng.

Vì thể, các địa phương và người nông dân cần cân nhắc việc bán hàng đúng thời điểm hiệu quả, không vì giá tăng cao mà vay ngân hàng hoặc các nguồn vay khác để trữ hàng, tránh rủi ro khi thị trường đi xuống, hạn chế việc giá lên để mở rộng diện tích trồng hồ tiêu như những năm 2015-2016.

Người trồng tiêu nên cân nhắc, bởi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, cán cân cung - cầu rất khó đoán định. Còn các đại lý thu gom cũng cần thận trọng, không nên ồ ạt gom hàng, VPA khuyến cáo.

“Vàng đen" tăng theo quy luật của thị trường

Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, giá tiêu xuất khẩu bình quân trong tháng 2/2021 ước đạt mức 2.933 USD/tấn, tăng 1,7% so tháng 1/2021 và tăng 31,4% so tháng 2-2020. Tính chung hai tháng đầu năm 2021, giá tiêu xuất khẩu bình quân ước đạt mức 2.907 USD/tấn, tăng 26% so cùng kỳ năm 2020.

Tính chung hai tháng đầu năm 2021, giá tiêu xuất khẩu bình quân ước đạt mức 2.907 USD/tấn, tăng 26% so cùng kỳ năm 2020.

Nhận định về thị trường “vàng đen” trong thời gian tới, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho rằng, giá tiêu tăng trở lại như hiện nay cũng là theo quy luật của thị trường.

Sản lượng giảm mà cầu tăng thì ắt giá tiêu sẽ tăng. Nếu thị trường tiếp tục diễn biến tốt, sẽ có nhiều hộ quay lại với cây tiêu. Những hộ đang còn tiêu thì sẽ quan tâm vực dậy vườn tiêu. Tuy nhiên, trồng tiêu bây giờ không như ngày xưa nữa, phải rút kinh nghiệm từ bài học của những năm vừa rồi. Nhiều khu đất trồng tiêu trước đây do lạm dụng phân bón dẫn tới bị thoái hoá, nhiễm độc.

Do đó, nếu quay lại với cây tiêu, điều đầu tiên bà con phải chọn đất phù hợp, không nên tái canh trên vườn tiêu đã nhiễm bệnh. Tốt nhất nên trồng đan xem với các loại cây khác, ông Bính nhấn mạnh.  

Tuy nhiên, số liệu của Tổ chức Hồ tiêu Quốc tế (IPC) lại cho thấy, xuất khẩu tiêu trên toàn thế giới năm 2020 đạt hơn 459.000 tấn, tăng 2% so với năm 2019. Trong đó, lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 282.000 tấn, tương đương gần 60% của cả thế giới. Nhưng lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2020 giảm nhẹ 2% so với năm 2019, tương đương giảm 4.500 tấn.

Một số nguyên nhân có thể do giá tiêu tăng, giá cước tàu tăng và nguyên liệu đã được mua dự trữ trong năm ngoái. Ngành vận tải tàu biển đang đối mặt với khó khăn không thể lường trước được là kẹt cảng và hoãn chuyến nghiêm trọng diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

Bên cạnh đó, sự bùng phát của đại dịch Covid-19, thị trường hồ tiêu toàn cầu cũng phải được tái thiết lập nhưng nhu cầu lại được dự báo không sụt giảm nghiêm trọng. Mặc khác, nguồn cung tăng bị chậm lại dẫn đến giá tăng gần 20% trong nửa cuối năm 2020,  IPC nhìn nhận.

Khánh Linh