Giá thép hạ nhiệt, cổ phiếu thép vẫn “nóng”

07/07/2021 12:43 congluan.vn

 

Sau nhiều lần tăng giá từ cuối năm ngoái, từ đầu tháng 6 đến nay, giá thép đã giảm 3 lần liên tục, mỗi tấn thép cuộn giảm khoảng hơn 1 triệu đồng, thép thanh cũng hạ 700.000 - 900.000 đồng tùy loại.

Nguyên nhân dẫn đến việc giá thép trong nước đồng loạt giảm được xác định là do giá nguyên liệu (quặng sắt, phôi, than cốc...) đang trong xu hướng giảm.

Các loại nguyên liệu này chiếm khoảng 70-80% giá thành thép sản xuất trong nước.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng mùa mưa và làn sóng COVID-19 mới đã khiến cho hoạt động xây dựng trở nên trì trệ.

Bên cạnh nhu cầu yếu từ ngành xây dựng, các đại lý cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ do giá thép tăng từ 14,5 triệu đồng/tấn trong tháng 3 lên 17,5 triệu đồng/tấn trong tháng 6 (chưa bao gồm VAT).

Theo ước tính của Chứng khoán VNDirect, giá thép trung bình 6 tháng đầu năm 2021 vẫn cao hơn 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng tiêu thụ thép trong 5 tháng đầu 2021 đạt xấp xỉ 12 triệu tấn, tăng 38,2% so với mức thấp trong cùng kỳ 2020.

Trong đó, xuất khẩu tôn mạ đạt gần 1,2 triệu tấn, tăng 132%; xuất khẩu thép xây dựng gần 700.000 tấn, tăng 29%.

VNDirect cho rằng đà tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của các công ty thép hàng đầu (Hòa Phát, Hoa Sen và Nam Kim) sẽ còn tiếp tục, ít nhất là đến hết quý III/2021 nhờ các hợp đồng giao hàng trong 3-4 tháng tới đã được ký kết với khách hàng.

Tăng trưởng kép sản lượng tiêu thụ thép xây dựng có khả năng sẽ đạt 12%/năm trong giai đoạn 2021-22, so với mức 14,9% trong giai đoạn 2012 – 2019.

Các nhân tố hỗ trợ tăng trưởng tiêu thụ thép thời gian tới đến từ tăng tốc phát triển hạ tầng trong nửa sau 2021-2022 nhờ vào việc đẩy mạnh đầu tư công.

Ngoài ra, thị trường bất động sản nhà ở sẽ nóng trở lại trong năm 2021 do lãi suất giảm và nguồn cung mới mở bán cao hơn.

Đáng chú ý, theo đà tăng của giá cổ phiếu gần đây, định giá của các cổ phiếu thép đang ở mức cao nhất kể từ khi niêm yết, P/E của HPG, HSG và NKG đều cao so với trung bình lịch sử.

VNDirect tin rằng giá cổ phiếu các công ty thép vẫn còn tiềm năng tăng trưởng nhờ dự báo ngành đang ở trong chu kỳ tăng trưởng tốt nhất trong một thập kỷ qua và quy mô sản xuất hàng đầu của các công ty thép Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á.

Thực tế, đà tăng “phi mã” của nhóm cổ phiếu thép đã bắt đầu từ cuối tháng 1/2021 sau nhịp điều chỉnh sâu cùng thị trường chung.

Kể từ đó đến nay, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đã tăng 73% lên lập đỉnh mới tại mức 67.800 đồng/cổ phiếu (phiên giao dịch ngày 26/5).

Tuy nhiên, từ cuối tháng 5/2021 đến nay, cổ phiếu HPG đã giảm nhẹ từ 67.800 đồng/cổ phiếu xuống 51.200 đồng/cp (chốt phiên ngày 5/7).

Tương tự như HPG, cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen cũng đã lập đỉnh mới tại 46.100 đồng/cổ phiếu vào ngày 4/6/2021, ghi nhận mức tăng 97% so với thời điểm cuối tháng 1/2021.

Chốt phiên giao dịch ngày 5/7, cổ phiếu HSG dừng lại mức 41.600 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ 10% so với thời điểm đầu tháng 6/2021.

Trong khi đó, cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim là một trong những cái tên “chạy” nhanh nhất nhóm thép trong từ đầu năm đến nay.

Từ 15.500 đồng/cổ phiếu (ngày 29/1) lên 36.800 đồng/cổ phiếu (5/7).

Điểm chung của các cổ phiếu ngành thép là khả năng hút tiền mạnh trong quá trình đi lên minh chứng rõ ràng qua thanh khoản thường xuyên duy trì ở mức cao và liên tục được cải thiện.

Do đó, giá cổ phiếu các công ty thép vẫn còn tiềm năng tăng trưởng.

Thanh Thư