Giá sách giáo khoa, nhìn từ nhiều phía

17/06/2021 09:44 daidoanket.vn

Trước thực tế này, dường như các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm về giá vẫn lúng túng, còn các nhà xuất bản (NXB) làm sách vẫn khăng khăng giá mình đưa ra là đúng với thực tế khi làm ra được một cuốn sách.

Điều này đặt ra yêu cầu phải nhìn từ nhiều phía, phía các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tới giá sách và phía các nhà xuất bản, từ đó mới có thể tìm và tháo gỡ khó khăn về giá sách giáo khoa hiện nay.

Bởi đây vốn là quyền lợi của các doanh nghiệp, cũng như đụng vào túi tiền của hàng chục triệu gia đình các học sinh phổ thông.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phía Bộ Tài chính

Làm theo Luật giá, nghĩa là các nhà xuất bản trình Bộ Tài chính một danh sách tự kê khai các mục chi cho mọi hoạt động để hoàn thành 1 cuốn sách giáo khoa.

Từ chi cho nhân lực để nghiên cứu, xây dựng bản thảo và trả nhuận bút tác giả, chi cho in ấn phát hành, chi cho quảng bá sách, chi giáo viên dạy thực nghiệm hay bồi dưỡng dạy theo sách giáo khoa mới và còn phải tính đến trả lãi suất vay ngân hàng và mọi hoạt động chi khác, vốn bị cắt khi báo cấp làm sách không còn . . .

Rõ ràng, bộ phận xem xét phê duyệt để ra giá sách cuối cùng cho 1 cuốn sách giáo khoa là rất khó khăn, đòi hỏi phải có những trải nghiệm, kể cả chuyên môn làm sách giáo khoa.

Chỉ tính riêng năm học 2020-2021 có khoảng 1,7 triệu học sinh lớp 1, thì số tiền phụ huynh bỏ ra mua sách cho con đã là 340 tỷ đồng, vượt xa số tiền chỉ là 90 tỷ đồng để mua sách giáo khoa theo giá cũ đối với học sinh lớp 1.

Nếu giá sách được duyệt không sát thực tế thì dẫn đến hoặc tổng số tiền bán sách thu được của nhà xuất bản sẽ rất cao hoặc sẽ bị thua lỗ với một số tiền không nhỏ.

Thực tế, khi quyết định giá sách giáo khoa cho học sinh lớp 2 và lớp 6, Bộ Tài chính đã phải điều chỉnh và sửa bảng kê giá tới 3 lần và giá sách giáo khoa đã được giảm nhiều nhất tới 9 % so với giá đề xuất ban đầu của nhà xuất bản.

Nên chăng Nhà nước nên quy định mức trần giá sách giáo khoa, tức là quy định giá sách giáo khoa tối đa, có như vậy sẽ thuận lợi cho Bộ Tài chính khi phê duyệt giá sách.

Phía Bộ Giáo dục Đào tạo

Bộ Giáo dục Đào tạo không có quyền áp đặt và phê duyệt giá bán sách giáo khoa của nhà xuất bản, nhưng rõ ràng Bộ vẫn có quyền làm giảm giá thành của một bộ sách giáo khoa bằng chính những quy định về quản lý chuyên môn của mình, hoặc có thể làm giảm số tiền đáng kể mà xã hội phải chi cho mua sách giáo khoa hàng năm .

Theo đó, Bộ Giáo dục Đào tạo nên dành thêm thời gian cho nghiên cứu, để tìm ra có thể giảm số đầu trang mỗi cuốn sách, chỉ giữ lại số trang tối đa.

Giảm số màu in trong sách;  Giảm số đầu sách giáo khoa trong một bộ sách, không nhất thiết môn học hay hoạt động giáo dục nào cũng phải có sách giáo khoa cho học sinh, mà chỉ cần sách hướng dẫn cho giáo viên là đủ.

Chẳng hạn hoạt động trải nghiệm hay môn học giáo dục thể chất nên bỏ sách giáo khoa học sinh.

Điều chỉnh quá trình dạy thực nghiệm có thực chất và có hiệu quả. Nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên thay sách chứ không thể chỉ là giới thiệu và quảng bá sách giáo khoa như hiện nay.

Chúng ta có thể xin ý kiến của Quốc hội, Chính phủ để giải quyết những bất cập của hoạt động xã hội hóa sách giáo khoa, bởi vì những năm tới có tới hơn 16 triệu gia đình học sinh chịu tác động của giá bán sách giáo khoa.

Để siết chặt chi phí cho phát hành sách giáo khoa tới mức tối thiểu, các công ty sách, các nhà trường ở các địa phương phải có trách nhiệm đưa sách về cho học sinh với tinh thần phục vụ sự nghiệp giáo dục đổi mới và với chi phí thấp tối thiểu; Xây dựng tủ sách giáo khoa dùng chung cho học sinh; Phát động các phong trao thi đua trong học sinh giữ gìn sách giáo khoa bền đẹp, để  dùng nhiều lần hoặc tặng hoặc bán giá rẻ cho các bạn học sinh lớp dưới; Xây dựng các Quỹ sách giáo khoa ở các địa phương và toàn quốc.

Phía nhà xuất bản làm sách

Trước hết và quan trọng nhất vẫn là cần cái tâm, sự trung thực trong kê khai chi phí làm sách của nhà xuất bản.

Giảm giá sách giáo khoa tới mức tối thiểu phải được coi là mục tiêu và giá trị sống, làm việc của các nhà xuất bản.

Tìm mọi cách tiết kiệm để giảm chi phí đầuvào, giảm dịch vụ phát hành sách, dành ưu tiên chi cho nhân lực tham gia trực tiếp làm sách giáo khoa.

Thuyết phục các tác giả để thỏa thuận: trả nhuận bút 1 lần. nhà xuất bản có thể nghiên cứu để có thể đấu thầu cạnh tranh một số khâu làm sách như in, như dịch vụ phát hành sách, từ đó sẽ làm giảm giá thành sách giáo khoa một cách đáng kể.

Do vòng đời của bộ sách giáo khoa có tới hàng chục năm và số học sinh mua sách giáo khoa hàng năm cũng có tới hàng chục triệu học sinh.

Nên chăng, giá sách giáo khoa cần được giảm dần theo từng lần tái bản.

Điều nay có cơ sở thực tế : khi tái bản sách giáo khoa nhiều khoản chi không phải dùng đến, như chi tuyên truyền quảng bá, thực nghiệm, chiết khấu phát hành hay tiền nhuận bút cho tác giả và ngay cả không phải trả lãi suất vay tiền ngân hàng để làm sách...

Nhà xuất bản hỗ trợ các Quỹ sách giáo khoa, tăng cường tặng sách giáo khoa cho các đối tượng khó khăn và học sinh vùng dân tộc, vùng sâu và vùng xa…như truyền thống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã từng làm.

Áp qui định mức chi thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Từ ngày 15/6, Thông tư 29/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí thẩm định sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, việc thẩm định sách giáo khoa Giáo dục phổ thông được qui định các mức chi cụ thể.

Trong đó có chi tổ chức họp thẩm định sách giáo khoa gồm có chi thuê hội trường, phòng họp, trang thiết bị phục vụ cho các cuộc họp thẩm định (nếu có)…

Theo qui định, chi tiền công họp thẩm định: Tối đa 200.000 đồng/người/buổi đối với Chủ tịch Hội đồng thẩm định và tối đa 150.000 đồng/người/buổi đối với Phó Chủ tịch, ủy viên, thư ký Hội đồng thẩm định; Chi tiền công đọc thẩm định tài liệu trước phiên họp cho thành viên Hội đồng thẩm định: Tối đa 50.000 đồng/tiết/người; Chi tiền công xin ý kiến chuyên gia tối đa 50.000 đồng/tiết/cá nhân (cơ quan, đơn vị, tổ chức).

M.Q