Giá niken tăng vọt, cơ hội nào cho nhà đầu tư Việt Nam tại Lào?

19/03/2022 06:53 toquoc.vn

Là kim loại quan trọng dùng trong sản xuất thép, hợp kim,... Niken ảnh hưởng trực tiếp tới ngành công nghiệp toàn cầu. Đặc biệt hiện nay, nhu cầu Niken ngày càng tăng cao do kim loại này được sử dụng làm pin của xe điện.

Mới đây, thông tin giá Niken bất ngờ tăng thẳng đứng đã khiến cho giao dịch Niken bị đóng băng vô thời hạn, các trader điêu đứng và hàng loạt doanh nghiệp có thể vỡ nợ.

Tuy nhiên, đây lại là một cơ hội tốt cho các nhà đầu tư khai khoáng tại Việt Nam và trên thế giới.

Thị trường biến động chưa từng có và cơ hội cho các nhà đầu tư

Đại dịch Covid-19 và gần đây nhất là chiến sự căng thẳng Nga - Ukraine đã ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ngành công nghiệp khai thác khoáng sản.

Lý do là Nga nắm giữ nguồn cung khoáng sản lớn trên thế giới và việc gián đoạn nguồn cũng đã tạo ra nhiều vấn đề kinh tế, trong đó có việc tăng giá bất thường của Niken.

Cụ thể những ngày gần đây, báo chí đồng loạt đưa tin vào lúc 5 giờ 42 sáng ngày 8/3 tại London, thị trường Niken bắt đầu gián đoạn nghiêm trọng do giá Niken đột ngột tăng vọt ở mức cao kỷ lục 30.000 USD/tấn chỉ sau vài phút. Sau 6 giờ sáng, con số này vượt ngưỡng 100.000 USD/tấn.

Ông Bùi Quảng Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị CAVICO Việt Nam - một trong những doanh nghiệp hàng đầu về khai thác khoáng sản, hiện đang đầu tư mỏ Niken lớn thuộc Top 10 tại Lào cho biết: Đại dịch Covid-19 cùng với chiến sự căng thẳng Nga - Ukraine đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực.

Về mặt tích cực, hầu như các sản phẩm từ công nghiệp khai khoáng như quặng sắt, đồng, chì, kẽm, Niken, dầu mỏ… đều tăng giá mạnh.

Nhờ đó, các chủ đầu tư chắc chắn có cơ hội gia tăng lợi nhuận.

Tuy nhiên, các yếu tố đầu vào như xăng dầu, thuốc nổ, hóa chất, nhân công… cũng sẽ đồng loạt tăng giá.

Đây có thể là một bất lợi cho các doanh nghiệp. Nhưng xét về mặt cấu thành chi phí, các yếu tố này chỉ chiếm khoảng 35%. Do đó, cơ cấu giá thành vẫn có lợi cho ngành công nghiệp khai khoáng.

Khai thác Niken tại Việt Nam - cơ hội và thách thức

Tại Việt Nam, nguồn cung Niken được đánh giá là không lớn. Theo ông Bùi Quảng Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần CAVICO Việt Nam, tổng lượng dự báo của 3 vùng Thanh Hóa, Cao Bằng, Sơn La có thể khai thác và chế biến được trong vòng 20 năm tới chỉ khoảng 130.000 tấn Niken quy kim loại, tức là vào khoảng 6.000 tấn Niken quy kim loại/năm.

So với sản lượng tiêu thụ hằng năm của thế giới là 3 triệu tấn Niken quy kim loại/năm (theo thống kê năm 2021) thì con số này là rất nhỏ.

Tuy nhiên, nếu Niken hình thành giá ở mức cao trên 20.000 USD/tấn thì ngành công nghiệp chế biến Niken của chúng ta cũng mang lại lợi nhuận cao cho các doanh nghiệp.

Thực tế với công nghệ hiện nay, giá thành chế biến ra sản phẩm Niken kim loại chỉ vào khoảng 9.000 USD/tấn.

Trước tình hình trên, bài toán đặt ra cho các nhà đầu tư Việt Nam là gia tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của ngành công nghiệp thế giới.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm kiếm những nơi có tiềm năng khai thác lớn hơn trong tương lai, và việc dịch chuyển hướng đầu tư sang các nước trong khu vực là điều tất yếu.

Được biết, các mỏ khoáng sản tại Lào đã được một số doanh nghiệp đầu tư từ nhiều năm nay, trong đó công ty Cổ phần CAVICO Việt Nam hiện đang khai thác mỏ Niken duy nhất hiện nay tại Lào.

Chủ tịch CAVICO cho biết thêm: "Chúng tôi đã chuyển hướng đầu tư vào các mỏ khoáng sản tại Lào từ hơn 10 năm nay. Dự án mỏ của CAVICO dự kiến sẽ khai thác, chế biến 30 tấn vàng và 400.000 tấn Niken quy kim loại từ năm 2022 đến năm 2042 và sẽ tiếp tục trong những năm tới tùy tình hình diễn biến của thị trường.

Ông Bùi Quảng Hà nhận hợp đồng khai thác và chế biến khoáng sản tại Lào trong chuyến thăm hữu nghị của hai nguyên thủ quốc gia Lào và Việt Nam

Một tín hiệu đáng mừng là các dự án khai thác Niken của Cavico tại Lào được chính phủ Việt Nam và Lào đặc biệt quan tâm.

Đây cũng là dự án góp phần phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.

Đặc biệt, giấy phép khai thác khoáng sản tại Lào và giấy phép đầu tư ra nước ngoài ở Việt Nam của công ty Cổ phần Cavico đều được vinh dự ký và trao trực tiếp tại các chuyến viếng thăm của nguyên thủ hai nước.

Điều này chính là vinh dự lớn cho Cavico Việt Nam nói riêng và ngành khai thác khoáng sản tại Việt Nam nói chung nhưng cũng là thách thức để các doanh nghiệp quyết tâm đưa dự án hoạt động hiệu quả và mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai quốc gia.

Đánh giá về cơ hội cũng như thách thức cho các nhà đầu tư khai thác khoáng sản tại Việt Nam, chủ tịch Cavico Việt Nam cho rằng: "Xu hướng tất yếu của mọi loại khoáng sản quý là tăng đều do nhu cầu thị trường ngày càng cao trong khi trữ lượng khai thác ngày một giảm dần.

Chính vì vậy, luôn luôn có cơ hội cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, cơ hội cũng đi liền với thách thức: phải có đủ nguồn lực tài chính, luôn luôn cải tiến, áp dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác và chế biến mới có thể cạnh tranh và mang lại hiệu quả đầu tư cho doanh nghiệp".

Có thể thấy, sự biến động của thị trường cùng với các chính sách hỗ trợ từ chính phủ đang mang lại cơ hội lớn cho các nhà đầu tư khoáng sản tại Việt Nam.

Tuy nhiên, có nắm bắt cơ hội và mang lại lợi ích kinh tế hay không còn tùy thuộc vào năng lực của doanh nghiệp. Hi vọng trong tương lai sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt dám nghĩ dám làm, góp phần đẩy mạnh kinh tế nước nhà thông qua các dự án khai thác mỏ như CAVICO Việt Nam.