Giá dầu leo thang đe dọa kinh tế toàn cầu

14/03/2022 07:50 daidoanket.vn

 

Trong khi giá dầu leo thang, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn không có ý định tăng sản lượng.
Trong khi giá dầu leo thang, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn không có ý định tăng sản lượng.

Giá dầu thế giới đã tăng bất ngờ từ cuối năm 2021 đến nay, với tốc độ ngày càng ghê gớm.

Đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 mới xuất hiện, trung bình giá dầu thô các loại ở mức quanh quẩn 40 USD/thùng; có nghĩa là đã có lãi nếu tính trung bình 30 USD/thùng là ổn. Thì đến tháng 10/2021, giá bắt đầu leo thang với mức trung bình lên tới 75 USD/thùng.

Mức giá này cũng chỉ giữ được không quá 2 tháng, tới cuối năm 2021 đầy sóng gió, giá 1 thô dầu thô đã lên 90 USD.

Ở thời điểm kết thúc năm 2021, bước vào năm 2022, nhiều chuyên gia cho rằng giá dầu thô thế giới vẫn còn tăng.

Nhưng không ai có thể ngờ giá dầu lại vọt lên theo chiều thẳng đứng. Ngày 24/2, khi binh lính Nga tiến vào Ukraine thì giá dầu vọt lên hơn 115 USD/thùng.

Rồi những ngày sau đó, giá dầu vẫn tiếp tục leo thang.

Nếu như ngày 8/3 khi ông Biden tuyên bố trừng phạt Nga bằng cách không mua dầu thô của nước này thì giá 1 thùng dầu lên mức 128 USD thì chỉ 2 ngày sau đó, ngày 10/3 giá 1 thùng dầu đã “bò” lên mốc 132 USD/thùng.

Cho đến lúc này, không ai có thể đoán được giá dầu thô trên thế giới sẽ dừng ở mức nào trước khi đi xuống.

Nhiều người cho rằng mức giá 150 USD/thùng chỉ là “nay mai”. Một số người nhận xét, nó còn lên tới 200 USD, hoặc là 250 USD/thùng - con số không ai dám nghĩ tới vì đó sẽ là một thảm họa cho toàn thế giới.

Trở lại với quyết định không mua dầu từ nước Nga của Tổng thống Mỹ, trước khi đưa ra quyết định đó, ông Biden cho biết: “Chúng tôi đưa ra quyết định này với sự tham vấn chặt chẽ của các đồng minh và đối tác trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Âu.

Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với châu Âu và các đối tác để phát triển chiến lược dài hạn nhằm giảm sự phụ thuộc của họ vào Nga”.

Tuy nhiên, mọi chuyện không hẳn đã “thông đồng bén giọt” như ông Biden nói vì hiện các nước châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung dầu cũng như khí đốt đến từ nước Nga.

Với nước Mỹ, năm 2021 nước này nhập khẩu khoảng 672.000 thùng dầu và các sản phẩm tinh chế từ Nga mỗi ngày, chiếm khoảng 8% tổng lượng dầu nhập khẩu.

Ông Andrew Lipow- Chủ tịch của Lipow Oil Associates, nói rằng với số lượng ấy nước Mỹ sẽ cân đối được, nhưng với các quốc gia châu Âu thì không, nhất là với nước Đức- nền kinh tế đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU). Vẫn theo ông Lipow, ngay cả nước Mỹ, thì trong ngày 10/3, giá xăng dầu bán lẻ tại nhiều tiểu bang cũng đã nhích lên vào khoảng 7%.

“Những hàng dài ô tô xếp hàng trước các cây xăng cho thấy sự lo ngại đã tăng lên trong xã hội Mỹ” - ông Lipow nói và cho rằng để bù vào chỗ thiếu hụt Nhà Trắng đã tính đến phương án mua dầu từ Venezuela, quốc gia mà Mỹ vẫn đang cấm vận.

Trong khi đó, Ngân hàng Goldman Sachs đưa ra nhận định: “Với vai trò quan trọng của Nga trong việc cung cấp năng lượng toàn cầu, nền kinh tế toàn cầu có thể sớm đối mặt với một trong những cú sốc cung cấp năng lượng lớn nhất từ trước đến nay”.

Còn nhóm chuyên gia Tập đoàn đầu tư UBS cho biết việc giá dầu tăng có khả năng sẽ tiếp tục gây ra biến động thị trường.

Trong khi đó, giá vàng vẫn duy trì mức cao kỷ lục sau khi các nhà đầu tư giữ quan điểm vàng là kênh trú ẩn truyền thống an toàn. Còn thị trường chứng khoán đã bắt đầu “nhảy múa”.

Một động thái khác rất đáng lo ngại lại đã đến từ lãnh đạo Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) khi họ từ chối cuộc gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Nhà Trắng cho biết, ông Biden đã không thể liên lạc với các nhà lãnh đạo Ả Rập Saudi và UAE sau khi lời đề nghị giàn xếp điện đàm của Nhà Trắng bị từ chối.

Tờ Wall Street Journal cho biết, Nhà Trắng đã nỗ lực giàn xếp các cuộc điện đàm riêng biệt giữa Tổng thống Biden và Thái tử Ả Rập Saudi Mohammad bin Salman, Thái tử Abu Dhabi Sheikh Mohammed bin Zayed al Nahyan nhằm vận động hỗ trợ kiềm chế giá dầu.

“Đã có một số kỳ vọng về một cuộc điện đàm nhưng nó đã không xảy ra” - một quan chức Nhà Trắng cho biết.

Trên thực tế, trong khi giá dầu lên cao và kéo dài, thì không chỉ Ả Rập Saudi và UAE không tăng cường khai thác mà cả các nước APEC cũng như APEC+ cũng “án binh bất động”.

Điều đó dẫn tới nguồn cung thiếu hụt, đẩy giá dầu thô lên cao, bất chấp Mỹ cũng như một số quốc gia khác (trong đó có Nhật Bản) đã giải phóng một phần dầu từ kho dự trữ chiến lược để ngăn giá xăng tăng.

Về phía Nga, trước quyết định không mua dầu từ phía Mỹ, giới quan sát ở Matxcơva cho rằng đó cũng chỉ là “nỗ lực viển vông” vì rằng Nga có thể chuyển hướng xuất khẩu năng lượng để ứng phó.

“Nga có nơi để chuyển hướng những sản phẩm năng lượng chất lượng cao và có sức cạnh tranh của mình. Đã đến lúc Mỹ nhận ra nỗ lực viển vông nhằm áp đặt ý chí của họ và dùng các lệnh trừng phạt để buộc Nga từ bỏ lợi ích quốc gia”- Đại sứ quán Nga tại Washington hôm 8/3 ra tuyên bố ngay sau khi Tổng thống Mỹ công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các loại năng lượng khác từ Nga để phản ứng trước chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Tuy nhiên, Đại sứ quán Nga không nêu rõ Matxcơva sẽ chuyển hướng xuất khẩu năng lượng tới những nước nào.

Cũng trong ngày 8/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh hạn chế hoặc cấm nhập khẩu và xuất khẩu một số sản phẩm và nguyên liệu thô do chính phủ quy định nhằm đảm bảo an ninh Nga.

Sắc lệnh về “các biện pháp kinh tế đặc biệt” này sẽ có hiệu lực đến ngày 31/12/2022.

Về phía nước Anh và EU, ngày 8/3 cũng nêu các kế hoạch để giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Anh nói rằng họ sẽ “giảm dần nhập khẩu dầu và chế phẩm từ dầu mỏ của Nga trước cuối năm nay”, còn EU công bố mục tiêu giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm nay và hướng đến “độc lập hoàn toàn với nguồn khí đốt, dầu và than của Nga trước năm 2030”.

Đã từ lâu, châu Âu phụ thuộc vào dầu và khí đốt từ Nga, với khoảng trên 40% nhiên liệu sử dụng.

Vì thế, cho dù là đồng minh chiến lược của Mỹ thì họ cũng không dễ dàng gì ngay lập tức chấm dứt việc mua nhiên liệu từ Nga.

Trong 2 ngày 10 và 11/3, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã có cuộc họp ở Pháp bàn nhiều vấn đề, trong đó có việc mua dầu và khí đốt từ Nga.

“Việc Nga sử dụng các nguồn khí đốt tự nhiên của mình như một vũ khí kinh tế và chính trị cho thấy châu Âu cần phải nhanh chóng hành động để sẵn sàng đối mặt với tình trạng bất ổn lớn về nguồn cung khí đốt của Nga vào mùa đông tới” - Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol nhấn mạnh.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng không dễ để EU nhanh chóng loại bỏ nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga bởi 2 lý do: sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung này và cam kết hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Ngay cả IEA cũng thừa nhận lộ trình trên có thể chỉ giúp EU giảm 1/3 lượng khí đốt tự nhiên mua của Nga trong vòng một năm khi vẫn tuân thủ Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) - một thỏa thuận nhằm cắt giảm ít nhất 55% lượng phát thải ròng khí nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990.

Theo IEA, hiện EU nhập khẩu 155 tỉ mét khối khí đốt tự nhiên từ Nga trong năm 2021, chiếm 45% lượng khí đốt nhập khẩu của khu vực này.

Việc chuyển từ đốt khí tự nhiên sang đốt than là một giải pháp khả thi nhanh chóng về mặt kỹ thuật nhưng sẽ không giúp EU đạt được các mục tiêu khí hậu đề ra.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh, Berlin đang đẩy nhanh kế hoạch tăng cường sử dụng nguồn năng lượng thay thế nhưng không thể ngưng nhập khẩu năng lượng Nga trong một sớm một chiều.

Theo ông Scholz, dầu khí Nga hiện đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống hằng ngày của người dân châu Âu và việc cấm nguồn cung này có thể gây rủi ro cho an ninh năng lượng của châu lục này.

Nga hiện xuất khẩu khoảng 7 triệu thùng dầu thô và sản phẩm dầu mỗi ngày. Ông Mohammad Barkindo, Tổng Thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đánh giá hiện chưa có nguồn cung nào có thể thay thế mức xuất khẩu 7 triệu thùng/ngày.

Theo giới quan sát tài chính phương Tây, cùng với việc OPEC, OPEC+ và Nga không tăng sản lượng sản xuất dầu mỗi ngày và việc nhu cầu năng lượng tăng cao khi mà hầu hết các nền kinh tế thế giới đã bước vào giai đoạn hồi phục bất chấp đại dịch Covid-19; nếu tình hình không được cải thiện “ngay lập tức” thì giá dầu có thể tăng lên 200 USD/thùng khi bước vào tháng 4.

Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có thể đối mặt các cú sốc năng lượng lớn nhất từ trước đến giờ, nhất là khi Nga đóng vai trò quan trọng trong nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng cảnh báo các nước phương Tây có thể đối mặt mức giá dầu thô hơn 300 USD/thùng nếu tuyến đường ống Nord Stream 1 đóng cửa và nguồn cung khí đốt cho châu Âu bị cắt.

“Một điều rõ ràng là hành động từ chối dầu của Nga sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc cho thị trường toàn cầu” - ông Novak cảnh báo.