Giá dầu khó giảm sâu, thậm chí có thể tăng lên 380 USD/thùng nếu không đủ nguồn cung

15/07/2022 07:00 toquoc.vn

Ngày 12/7, giá dầu WTI của Mỹ đã giảm 7,9% xuống mức 95,84 USD/thùng, trong khi dầu Brent cũng giao dịch ở mức 99,49 USD/thùng, giảm 7,1%. Tuần trước, dầu Brent cũng đã rớt ngưỡng 100 USD/thùng trong thời gian ngắn trước khi phục hồi trở lại.

Tuy nhiên, chốt phiên hôm 13/7, giá dầu đã nhích nhẹ khi các số liệu lạm phát nóng được công bố, củng cố cho một đợt tăng lãi suất lớn nữa của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo đó, giá dầu Brent đã nhích thêm 8 cent lên 99,57 USD/thùng, dầu WTI ở mức 96,30 USD/thùng, tăng 46 cent. Tuy vậy, cả hai loại dầu này vẫn giao dịch dưới mốc 100 USD/thùng.

Giá dầu Brent đã giảm mạnh kể từ khi đạt mức 139 USD/thùng vào tháng 3 khi nhà đầu tư lo ngại đợt tăng mạnh lãi suất để ngăn chặn lạm phát sẽ khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại và tác động đến nhu cầu tiêu thụ dầu.

Giá xăng tại thị trường Mỹ cũng đang giảm, dù phải mất một tuần nữa người tiêu dùng mới được hưởng lợi từ sự sụt giảm của giá dầu lần này. Theo Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA), giá xăng trung bình trên toàn nước Mỹ hiện giảm còn 4,631 USD/gallon. Mức giá này đã giảm 14% trong tuần qua và 35% trong tháng qua nhưng vẫn cao hơn khoảng 1,5 USD/gallon so với năm ngoái.

Tàu chở dầu tại cảng Qingdao, Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới.

Theo New York Times, triển vọng kinh tế Trung Quốc, vốn đã chậm lại do các đợt phong tỏa để ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19, cùng với những dấu hiệu suy giảm kinh tế toàn cầu ngày càng tăng dường như là nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm mạnh. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và là nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ.

Ngoài ra, trong khi nhu cầu có thể suy yếu hơn thì nguồn cung vẫn đang chống chọi với những căng thẳng do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Giá dầu thế giới khó giảm mạnh bởi nỗi lo về nguồn cung

Theo trang Insider, nỗi lo Mỹ và châu Âu có thể sớm rơi vào suy thoái đang tăng trong bối cảnh lạm phát leo thang và lãi suất cao. Ông Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), hôm 11/7 cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục giảm dự báo về tăng trưởng kinh tế của khu vực sử dụng đồng euro. Hồi tháng 5, EC dự báo khu vực này chỉ tăng trưởng 2,7% trong năm nay, so với mức 4% đưa ra hồi tháng 2.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva gần đây cho biết tổ chức này vào cuối tháng 7 sẽ tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay dù không tiết lộ con số mới.

Trong báo cáo đưa ra hồi tháng 4, IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,6% năm 2022, thấp hơn so với mức 6,1% hồi năm 2021. Trả lời phỏng vấn Reuters, bà Georgieva thậm chí không loại trừ kịch bản kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023 khi xét đến các nguy cơ đang gia tăng.

Dù vậy, giá dầu khó có thể giảm mạnh bởi nỗi lo dai dẳng về nguồn cung toàn cầu. Đáng chú ý, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga do cuộc xung đột ở Ukraine đã làm gián đoạn dòng chảy dầu thô và nhiên liệu.

Báo cáo của IEA dự đoán tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu năm 2023 sẽ tăng thêm 2% và vượt qua cả thời kỳ trước đại dịch, thế nhưng sản lượng khai thác lại không theo kịp đà tăng nhu cầu này.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đang công du châu Á để thảo luận nỗ lực tăng cường trừng phạt Moscow, trong đó có việc áp trần giá đối với dầu Nga để vừa hạn chế nguồn thu của nước này vừa giúp giảm giá nhiên liệu.

Hãng JP Morgan Chase cảnh báo cuộc xung đột Ukraine và sự thiếu vắng dầu Nga sẽ khiến giá dầu bật tăng lên 380 USD/thùng nếu thế giới không tìm ra được giải pháp. Dù một số nước như Trung Quốc và Ấn Độ đã chấp nhận mua dầu Nga nhưng sản lượng khai thác tại đây vẫn giảm hơn 1 triệu thùng/ngày.

Hiện nay, Mỹ đang kỳ vọng vào duy nhất 2 thành viên có khả năng gia tăng thêm sản lượng là Ả Rập Xê Út và UAE. Chính quyền Washington đã liên tục hối thúc 2 quốc gia này bơm thêm dầu nhưng bị từ chối vì nhiều lý do. Thậm chí Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm Ả Rập Xê Út trong tháng này để đàm phán về vấn đề dầu mỏ.

Dù vậy, một số chuyên gia nhận định không có nhiều hy vọng chuyến thăm của ông Biden sẽ đạt được mục tiêu này. Theo họ, lý do kinh tế khiến các nhà sản xuất lớn ở Trung Đông khó có thể đồng ý tăng thêm sản lượng để giúp giá dầu tiếp tục hạ nhiệt.

Chẳng hạn như kinh tế Ả Rập Saudi hiện phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và đã tăng trưởng 9,6% trong quý I/2022, mức cao nhất trong một thập kỷ. Một lý do khác là Ả Rập Saudi từng tuyên bố đang sản xuất ở mức gần công suất tối đa.

Hồi tháng 5, Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Saudi Faisal bin Farhan cho biết quốc gia này đã "làm mọi điều có thể" cho thị trường dầu. Quan chức này lập luận ngành công nghiệp dầu mỏ của Ả Rập Saudi cần tăng năng lực lọc dầu thay vì chỉ khai thác thêm dầu thô.

Tham khảo: Reuters, NYT