Giá cà phê xuất khẩu dự báo sẽ tiếp tục đà tăng, ngành cà phê trong nước có được hưởng lợi?

26/07/2021 15:00 toquoc.vn

Sáng ngày 25/7, tại Lâm Đồng giá cà phê được thu mua với mức 36.800 đồng/kg, riêng tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Pleiku, Kon Tum cà phê thu mua ở mức 37.500-37.600 đồng/kg.

Tại cảng TPHCM, Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% lên ở 1.954 USD/tấn (FOB), chênh lệch +55 USD/tấn.

Trước đó, vào ngày 23/7, trên sàn London giá cà phê Robusta tăng cao nhất trong 3,5 năm. Trên sàn New York, giá cà phê Arabica đạt tăng 17%, mức cao nhất trong vòng 6,5 năm.

GIÁ CÀ PHÊ CAO NHẤT TRONG 3 NĂM

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/7, xuất khẩu cà phê cả nước đạt 900.235 tấn, trị giá 1,654 tỷ USD, giảm 8,63% về lượng và giảm 0,84% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Trung Quốc.

Tháng 6/2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 1.942 USD/tấn.

Đây là mức cao nhất kể từ tháng 5/2018, tăng 3,9% so với tháng 5/2021 và tăng 13,9% so với tháng 6/2020.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 1.835 USD/tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê sang hầu hết các thị trường chính tăng, ngoại trừ Trung Quốc.

Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, thị trường cà phê trong nước về cơ bản sẽ được hưởng lợi nhờ vào sự sụt giảm nguồn cung trên toàn cầu.

Tuy nhiên, cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước không còn rõ ràng như trước đây, khi rất nhiều nhà nhập khẩu và các công ty kinh doanh cà phê rang, xay đã có kinh nghiệm ứng phó với việc sụt giảm nguồn cung bằng cách gia tăng dự trữ.

Xét về nhu cầu, biến chủng Delta đang khiến đại dịch Covid-19 trở nên phức tạp hơn tại các nước đang phát triển, và cũng là đối tượng sử dụng nhiều cà phê nhất trên thế giới.

“Ngành cà phê trong nước chưa chắc đã được hưởng lợi nhiều, dù giá thế giới có thể sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong thời gian tới, khi phần lớn giá cả tăng thêm là để bù đắp các chi phí về vận tải. Qua đó cho thấy dù giá thế giới tăng nhưng xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn”, nhận định của chuyên gia.

ĐÀ TĂNG GIÁ DỰ ĐOÁN CHƯA DỪNG LẠI

Tổng hợp tuần này, giá cà phê thế giới ghi nhận một tuần tăng trưởng mạnh mẽ.

Cụ thể, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2021 tăng thêm 132 USD/tấn, giao tháng 11 tăng 151 USD/tấn; giá cà phê Arabica giao tháng 9/2021 tăng 27,65 cent/lb, giao tháng 12/2021 tăng 33,85 cent/lb.

Theo Reuter, nguyên nhân của sự tăng giá cà phê trên 2 sàn giao dịch New York và London đến từ hai nhà cung cấp cà phê lớn nhất thế giới là Brazil và Việt Nam, đang làm cho thị trường cà phê thế giới nóng lên, và đà tăng giá mạnh mẽ được dự đoán vẫn chưa dừng lại.

Theo đó, tại Brazil là thông tin thiệt hại do sương giá, khả năng mức thiệt hại lên đến 1- 2 triệu bao.

Đợt sương giá bất ngờ ở Brazil đã gây ra thiệt hại lớn đến mức sản lượng mất đi lớn gấp đôi so với lượng cà phê Arabica đang trữ tại các nhà kho do ICE Futures U.S, sàn giao dịch cà phê tương lai chủ chốt của thế giới.

Điều này nhanh chóng đẩy giá cà phê thế giới lên mức cao kỷ lục.

Một thương nhân tại Châu Âu cho biết ước tính thiệt hại trong vụ tới là 3 tới 5 triệu bao  tương đương 10% tổng sản lượng cả vụ - có thể tăng chứ không thấp hơn.

Còn ở Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 hoành hành tại các vùng trồng và xuất khẩu cà phê chính làm ảnh hưởng đến nguồn cung.

Trong khi đó, báo cáo tồn kho tại sàn London liên tục cho thấy sự sụt giảm khiến đầu cơ tăng mua làm giá Robusta tiếp tục tăng.

Chuyên gia nông nghiệp cho biết, cà phê Arabica là loại cây rất nhạy cảm với thời tiết lạnh, chỉ cần băng giá kéo dài hơn 2 giờ, sản lượng thu hoạch sau này sẽ bị thiệt hại rất nặng nề.

Thông tin về đợt sương giá ở Brazil mới đây cho thấy có khả năng mức thiệt hại lên đến 1- 2 triệu bao, khiến thị trường New York lo ngại thiếu nguồn cung cà phê từ Brazil, giới đầu cơ tranh mua giữa mối lo sản lượng cà phê sụt giảm trong năm 2022.

Theo một nhà phân tích, lâu nay nguồn cung cà phê Arabica tại thị trường New York chủ yếu đến từ Brazil do giá cước tàu rẻ.

Nếu nguồn cung bị thiếu hụt, có thể sẽ phải bù lại từ các quốc gia Đông Nam Á, khi mà giá cước tàu biển khu vực này đang cao ngất ngưởng sẽ khiến giá thành đội lên rất cao.

Tuy nhiên, mức tăng trên sẽ được điều chỉnh khi thị trường có thông tin Brazil có mưa trở lại.

Tại thị trường London, giá cà phê Robusta tăng một phần được hưởng lợi từ giá Arabica, một phần do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên các lãi suất chủ chốt, cùng các chính sách kích thích kinh tế trong bối cảnh biến thể Delta đang khiến số ca mắc mới tại châu Âu tăng mạnh.

Lúc này giới đầu cơ nhìn thấy dòng tiền chưa kể tình trạng nguồn cung gián đoạn do các nước sản xuất cà phê ở khu vực Đông Nam Á.