GDP Việt Nam cả năm 2021 có thể chạm ngưỡng 3%

21/12/2021 07:59 congluan.vn

GDP cả năm 2021 có thể đạt 3%

Theo Báo cáo Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022, ngân hàng UOB cho biết: Sau khi Chính phủ khôi phục lại trạng thái “bình thường mới” vào tháng 10, kinh tế Việt Nam trong quý IV/2021 đã có sự tăng trưởng trở lại so với quý III.

Trong đó, nhiều chỉ số kinh tế đã ghi nhận tín hiệu tăng trưởng đầy khả quan. Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất với chỉ số quản lý mua hàng (PMI) đã quay trở lại mức trên 50 vào tháng 10 sau 4 tháng ở mức dưới 50. Chỉ số này đã phục hồi mạnh lên 52,1 vào tháng 10 và sau đó lên 52,2 vào tháng 11, từ mức 40,2 vào tháng 9.

Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Trong tháng 11, xuất khẩu tăng 18,5% trong khi nhập khẩu tăng 20,8% với thặng dư thương mại 100 triệu USD. Tính từ đầu năm đến tháng 11, giá trị xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục là 300 tỷ USD, cao hơn giá trị xuất khẩu 280 tỷ USD của năm 2020.

Tuy nhiên, nhập khẩu tăng mạnh đã khiến thặng dư thương mại của Việt Nam giảm mạnh xuống 1,8 tỷ USD, chỉ bằng một phần nhỏ trong mức thặng dư 20 tỷ USD vào năm 2020.

Quan trọng không kém là chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, sau 3 tháng giảm do hạn chế cách ly ở nhiều khu vực trong nước. Tính từ đầu năm, sản xuất công nghiệp đã tăng gần 5% trong tháng 11, cao hơn mức 3,3% của cùng kỳ năm ngoái

Đáng chú ý là bất chấp làn sóng lây nhiễm và đóng cửa do dịch Covid-19 trong năm, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam. 

Theo đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam năm 2021 vượt xa con số 20 tỷ USD của cùng kỳ năm 2020.

Ngân hàng UOB nhận định: Điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vẫn ở mức cao đối với Việt Nam, vốn là trung tâm sản xuất chính trong chuỗi cung ứng thay đổi khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Trước những tín hiệu khả quan, UOB kỳ vọng tăng trưởng GDP quý IV/2021 sẽ phục hồi lên mức 7%. Điều này sẽ đưa tăng trưởng GDP cả năm lên 3%.

“Nếu không có bất kỳ sự gián đoạn lớn nào như từ biến thể Omicron, Việt Nam có khả năng tiến tới mức mở rộng kinh tế “bình thường” hơn là 7,4% vào năm 2022 ở kịch bản lạc quan và khoảng 6-6,5% ở kịch bản cơ sở trên nền số liệu thấp của năm 2020 và 2021 và thế mạnh của các lĩnh vực ngoại thương hiện có”, UOB dự báo.

Khó khăn khi đối mặt với biển chủng mới

Theo UOB, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam được duy trì ổn định trong tháng 11, ở mức 2,1%, chủ yếu do chi phí nhiên liệu tăng, trong khi các thành phần giá khác hoạt động tương đối tốt. So với đầu năm, lạm phát trung bình ở mức 1,8%, tương đương khoảng một nửa so với 3,6% trong cùng kỳ năm ngoái.

“Như vậy, lạm phát vào năm 2021 đang trên đà tăng vừa phải 1,9% so với 3,2% năm 2020 và sau đó tăng lên 3,2% vào năm 2022”, UOB nhận định.

Ngoài ra, với bối cảnh lạm phát tương đối lành tính và triển vọng không chắc chắn do biến thể Omicron mới xuất hiện của dịch Covid-19 ngay khi đất nước lấy lại vị thế sau làn sóng lây nhiễm vừa qua.

Trong báo cáo của mình, UOB cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có khả năng sẽ giữ ổn định chính sách của mình để hỗ trợ các nỗ lực phục hồi. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,0% và lãi suất tái chiết khấu ở mức 2,5% sẽ vẫn giữ ở mức thấp kỷ lục ở thời điểm hiện tại.