Gánh nặng nợ xấu 'đè vai' nhiều ngân hàng trong quý III/2021

06/11/2021 07:47 daidoanket.vn

 

Nợ xấu 'đè vai' nhiều ngân hàng. Ảnh minh họa
Nợ xấu 'đè vai' nhiều ngân hàng. Ảnh minh họa

Trong quý III/2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và được yêu cầu giảm lãi suất huy động để hỗ trợ hoạt động sản xuất và khôi phục kinh tế, vẫn có không ít ngân hàng báo lãi lớn, lên đến hàng chục lần so với cùng kỳ năm trước như: NCB (gấp 16 lần cùng kỳ), VietABank (gấp 7 lần), PGBank (Gấp 4,5 lần),...

Nếu so với kế hoạch kinh doanh năm 2021 đã được Hội đồng quản trị thông qua, nhiều ngân hàng về đích sớm chỉ sau 9 tháng như: TPBank, MSB, SeABank. Bên cạnh đó, cũng có không ít ngân vượt 75% kế hoạch cả năm trong 9 tháng.

Thế nhưng, ngoài những ngân hàng có sự tăng trưởng vượt bậc, tại một số nhà băng, nhiều con số tăng trưởng theo chiều hướng đáng lo ngại liên quan đến tốc độ gia tăng các nhóm nợ xấu và nguồn tiền mà các ngân hàng phải sử dụng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, kéo theo lợi nhuận sụt giảm hoặc tăng thấp trong 3 tháng vừa rồi.

Trên thực tế, nếu tính đến 30/9/2021, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng trong hệ thống không có quá nhiều biến động so với đầu năm, có những ngân hàng tăng nhưng cũng có ngân hàng giảm.

Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 2% là: VPBank (4%), SHB (2,2%), ABBank (2,9%), VBB (2,65%), PGBank (2,7%) và KienLongBank (2%), tỷ lệ nợ xấu gần 2% gồm: MSB, NamABank, VietABank hay NCB.

Tuy nhiên, trong kỳ, tỷ lệ nợ xấu ở nhóm ngân hàng quy mô lớn đang tăng nhanh, đặc biệt nợ nhóm 4, 5 (nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn).

Trong nhóm ngân hàng quốc doanh, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank đã tăng gần gấp đôi đầu năm lên mức 1,1% (nợ xấu nhóm 4 tăng 14 lần, nhóm 5 tăng 45% và chiếm tới 60% tổng nợ xấu).

Tại Vietinbank, tỷ lệ nợ xấu cũng tăng gần đôi so với đầu năm lên mức 1,66% (nợ nhóm 4 tăng gấp 10 lần, chiếm 64% tổng nợ xấu).

Không chỉ tại một số ngân hàng quốc doanh, nợ xấu nhóm 5 tăng ở hầu hết các ngân hàng thương mại trong 9 tháng đầu năm 2021, gây áp lực lớn lên chi phí dự phòng rủi ro của các ngân hàng vào quý III/2021 và cả quý sau đó.

Trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cũng đã phải tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, dẫn tới lợi nhuận trong quý III/2020 của ngân hàng chỉ đi ngang với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý III/2021, ACB ghi nhận tổng cộng 5.690 tỷ đồng doanh thu hoạt động, cao hơn 1.200 tỷ đồng so với số thu về cùng kỳ năm 2020, phần lớn đến từ hoạt động chính của ngân hàng là cho vay.

Khoản lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 3.436 tỷ đồng, cao hơn 25%.

Tuy vậy, do trích hơn 820 tỷ để lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý III (trong khi số chi cùng kỳ chỉ là gần 162 tỷ đồng) khiến lợi nhuận trước thuế của ACB chỉ đạt mức 2.616 tỷ đồng, tăng chưa đầy 1% so với cùng kỳ, lãi ròng đạt 2.103 tỷ đồng.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MBB) đã công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ của MBB đạt 2.600 tỷ đồng, tăng 31% so cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này chủ yếu đến từ doanh thu phí bảo hiểm khi đạt 1.800 tỷ đồng (tăng 4%).

Đáng chú ý, trong kỳ, MBB tiếp tục đẩy mạnh trích lập dự phòng với chi phí dự phòng tăng vọt 101% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhà băng này vẫn đạt kết quả tích cực với lợi nhuận hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 28%.

Tính đến 30/9/2021, tổng tài sản của MBB tăng 12% so với đầu năm, lên gần 555,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 13% lên 336,4 nghìn tỷ đồng.

Đáng nói, chất lượng tài sản của MBB suy yếu, nhưng chưa đến mức đáng báo động.

Tại ngày 30/9, nợ xấu của ngân hàng hợp nhất là 3.186 tỷ đồng, giảm nhẹ khoảng 2% so với đầu năm.

Trong đó, nợ nhóm 2 và nợ xấu tăng lên 1,1% và 0,95% tổng dư nợ cho vay so mức từ 0,75% và 0,76% vào cuối quý 2/2021.

Theo Báo cáo tài chính riêng lẻ, nợ xấu tại ngân hàng mẹ cuối tháng 9/2021 là 2.400 tỷ đồng, giảm 6,43% so với đầu năm.

Không duy trì lợi nhuận tăng trưởng được như MBB, áp lực nợ xấu đè nặng khiến lợi nhuận quý III/2021 của Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) giảm sâu. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 412 tỷ đồng, giảm 25,4% so với quý III năm ngoái.

Trong kỳ, Eximbank trích 61,4 tỷ đồng để dự phòng rủi ro (tăng 31,1%). Lũy kế 9 tháng đầu năm, dự phòng rủi ro của Eximbank lên tới 503 tỷ đồng ( tăng 88%), do đó Ngân hàng báo lãi trước thuế giảm 12%, chỉ còn hơn 966 tỷ đồng.

Trong năm 2021, ngân hàng dự kiến lãi trước thuế 2.150 tỷ đồng (chưatổ chức Đại Hội đồng cổ đông để thông qua). Như vậy, với kết quả đã đạt được trong 9 tháng đầu, Eximbank mới thực hiện được 45% kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, những con số về chi phí dự phòng rủi ro của các ngân hàng nói trên vẫn còn "khiêm tốn" so với con số 17.000 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam- VietinBank (MCK: CTG).

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021 tổ chức qua phương thức trực tuyến diễn ra hôm 3/11, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết: trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nguy cơ tăng nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro, VietinBank sẽ chủ động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cao hơn mức quy định để tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu.

Dự kiến đến cuối năm 2021, VietinBank phấn đấu tỷ lệ nợ xấu là 1,4% (tỷ lệ nợ xấu VietinBank hiện đang ở mức 1,6%), tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 169%, chi phí dự phòng rủi ro dự kiến 17.000 tỷ đồng.

Mặc dù chi phí dự phòng ở mức "khủng" như vậy nhưng các chỉ số tài chính của Vietinbank về cơ bản vẫn tốt và đáp ứng kế hoạch đặt ra trước đó.

Tính đến ngày 31/10/2021, tổng tài sản tăng 8,1%; tổng nguồn vốn tăng gần 8%, tín dụng tăng 8%; ROA đạt 1,3%; ROE đạt 16,1%...

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn đến cuối năm 2021 (đã bao gồm các khoản nợ đã được tái cơ cấu theo các Thông tư 01, 03, 14 - NHNN) dự kiến ở mức từ 7,1% - 7,7%.

Đây là con số đáng lo ngại vì sẽ ảnh hưởng lớn, trực tiếp tới lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2021 và những năm tiếp tới.

Để có chốt chặn sớm, nhiều ngân hàng, đặc biệt là nhóm ngân hàng có quy mô vừa và lớn đã tích cực trích lập dự phòng rủi ro ngay từ quý II/2021.

Tuy làm giảm lợi nhuận quý trong ngắn hạn nhưng việc làm này giúp giảm "sốc" cho các ngân hàng trong quý IV và cả những năm tiếp theo.