Gánh nặng đè lên vai người dân khi giá phân bón tăng, giá lúa giảm

16/08/2021 08:19 toquoc.vn

Ngoài ra, vấn đề hiện nay ở các địa phương trong vùng là thương lái khó vào địa bàn để thu mua hay bỏ cọc và đề nghị mua với giá thấp.

Một số nơi diện tích lúa đã đến thời điểm thu hoạch mà người dân vẫn “ngóng” thương lái.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ lúa Hè Thu năm 2021, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long xuống giống hơn 1,5 triệu ha, đến thời điểm này toàn vùng đã thu hoạch được hơn 850.000 ha, với năng suất trung bình đạt 5,7 tấn/ha, sản lượng vụ lúa Hè Thu ước khoảng 8,7 triệu tấn.

Tại Đồng Tháp, vụ lúa Hè Thu 2021, địa xuống giống hơn 187.500 với năng suất bình quân đạt hơn 6,2 tấn/ha.

Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tình hình tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, thương lái thu mua lúa của người dân chậm, nhiều thương lái đã bỏ cọc, khiến cho người dân bất an.

Gánh nặng đè lên vai người dân khi giá phân bón tăng, giá lúa giảm - Ảnh 1.

Dịch bệnh ảnh hưởng đến việc tiêu thụ lúa gạo của người dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, dự kiến trong tháng 8 địa phương sẽ thu hoạch hơn 27.200 ha lúa, ước sản lượng gần 170.000 tấn.

Trong tháng 9, sẽ thu hoạch khoảng 68.300 ha, ước sản lượng hơn hơn 392.000 tấn.

Hiện khoảng 70% sản lượng lúa của Đồng Tháp được xay xát ở các tỉnh như: An Giang, Tiền Giang và Long An.

Hiện nay là nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp giảm do vẫn còn lúa gạo tồn kho với số lượng lớn.

Một số nông dân cho biết, đầu vụ Hè Thu tùy từng giống lúa mà thương lái đặt cọc có thể lên tới 6.200 đồng/kg.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh khó khăn trong khâu vận chuyển nên đã kéo giá lúa xuống thấp, có thời điểm giá lúa giảm gần 1.000 đồng/kg.

Dự báo, lúa khó có thể tăng trong thời gian tới khi các doanh nghiệp đang chật vật với phương án “3 tại chỗ” và nhiều doanh nghiệp lượng gạo tồn kho còn khá nhiều, việc thu mua lúa sẽ không nhiều.

“Tình hình này thì giá lúa không nên nổi, thương lái vào địa bàn mua cũng khó, test nhanh thời hạn chỉ được 3 - 5 ngày, qua các chốt kiểm tra cũng khó khan” - nông dân Huỳnh Văn Long, ngụ huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp nói.

Theo ghi nhận, khi bước vào vụ Hè Thu giá lúa đã thấp hơn so với cùng kỳ, có nhiều giống lúa thấp hơn từ 300 - 500 đồng/kg.

Thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá lúa tiếp tục giảm từ 200 - 400 đồng/kg. Hiện nay tùy từng giống lúa mà thương lái thu mua từ 4.600 - 6.000 đồng/kg tùy từng giống lúa.

Điều này đã khiến người dân đứng ngồi không yên, vì sau khi trừ hết chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công thì không còn lời lãi bao nhiêu.

Một trong những nguyên nhân là lưu thông gặp khó, khâu chế biến, xay xát, tồn trữ, vận chuyển hay các doanh nghiệp còn tồn kho số lượng lớn khiến giá lúa giảm sâu thời gian qua.

Đứt gãy chuỗi cung ứng!

Tại xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp giá lúa giảm sâu vì bị đứt gãy chuỗi cung ứng, thương lái bỏ cọc hoặc mua thấp hơn với giá trước đó.

Tại một điểm tập kết vận chuyển lúa ở xã Phú Thuận A, cách đó khoảng 300 m là khu vực phong tỏa khi địa phương phát hiện trường hợp nhiễm bệnh, chưa khi nào sức ép của dịch Covid-19 lại đè nặng lên chuỗi cung ứng lúa gạo như hiện nay.

Theo Anh Hồ Thanh Tùng, Tổ công đoàn vác lúa, xã Phú Thuận A huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, tổ công đoàn vác lúa có gần 30 thành viên, nhưng chỉ đi làm có phân nửa và đoàn vác lúa đều là người trong xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự.

Những người ở xã khác không đi được vì phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền địa phương.

Còn người đi được thì vừa làm vừa run vì chưa ai được tiêm vaccine, trong khi dịch Covid-19 lại ở quá gần.

“Sợ bệnh tôi vẫn sợ, tôi đeo khẩu trang kỹ với dặn là anh em nào giãn cách, để giữ bản thân và giữ cho lo cho gia đình.

Vô đây vác lúa tiền mặt bữa cũng được 200.000 – 300.000 đồng/ngày” - ông Đặng Văn Út, xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp nói.

Khó khăn bủa vây, người dân đành bán lúa thông qua “cò”

Các cánh đồng ở Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự nhiều năm nay thường bán lúa trực tiếp cho thương lái ở tỉnh An Giang.

Hiện nay thực hiện giãn cách xã hội, thương lái không qua được. Vì vậy, người dân đành phải bán lúa thông qua cò, nhưng hiện giờ cò lúa cũng không thể đi được nên chỉ làm mối loanh quanh và bán với số lượng cầm chừng.

Anh Trần Thanh Tình, cò lúa ở xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết, điều khó khăn hiện nay là khâu vận chuyển, tài xế chở lúa phải có xét nghiệm âm tính và không được tiếp xúc với nhân công lao động địa phương, việc giao nhận tiền mặt cũng được chi trả qua các thùng để đảm bảo về phòng, chống dịch.

Mỗi công đoạn diễn ra chậm với chi phí cao và có thể đứt gãy bất cứ lúc nào, điều đó khiến cho lúa phải chấp nhận ứ đọng ngoài đồng, còn giá thì giảm sâu.

“Tôi đi cân An Giang có, Đồng Tháp có, Kiên Giang có, khi nào người ta cần mình đi cân à, nhưng giờ đi cân vòng vòng trong xã Phú Thuận A, tại vì dịch đâu qua được, đi test luôn cũng chưa qua được.

Tôi cân tầm 500 - 1.000 tấn lúa đổ lại. Tôi chỉ đại diện cho lái cân thôi” - anh Trần Thanh Tình chia sẻ.

Giá vật tư tăng chóng mặt gây khó cho người dân vụ mùa mới

Tại cuộc họp mới đây giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các tỉnh, thành trọng điểm về lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trần Thanh Nam cho rằng, việc tiêu thụ lúa gạo vụ Hè Thu năm 2021 ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khi ách tắc ở một số khâu.

Một số doanh nghiệp hoạt động 3 tại chỗ giảm công suất, việc hỗ trợ tiêm vaccine cho lực lượng sản xuất trực tiếp, nhất là tạo ra các sản phẩm nông nghiệp, lương thực, thực phẩm đảm bảo an ninh lương thực.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng dự báo, sản lượng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến cuối năm vẫn dồi dào, một số nước đang tiếp tục mua gạo để dự trữ và nhu cầu sẽ rất lớn trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là giá vật tư nông nghiệp tăng cao khiến giá đầu vào sản xuất đội lên gây khó khăn cho người dân khi bước vào mùa vụ, một số loại phân bón trong nước đã tăng tới 70% gây khó cho người nông dân.

“Sản lượng lúa từ nay đến cuối năm vẫn chiều hướng tốt, bây giờ vật tư đầu vào phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng rất cao đó là vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai, các tỉnh quan tâm hỗ trợ tiêm vaccine cho lực lượng sản xuất trực tiếp, nhất là tạo ra các sản phẩm nông nghiệp lương thực, thực phẩm để đảm bảo an ninh lương thực lâu dài.

Vấn đề thứ ba tôi cũng mong rằng các đồng chí lãnh đạo các tỉnh nên tổ chức họp trực tuyến với các doanh nghiệp chế biến và sản xuất nông sản để nghe họ tâm tư, để có tháo gỡ ở từng địa phương, để đảm bảo sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Trước tình cảnh vật tư đầu vào tăng cao, giá lúa giảm người dân đang bắt đầu có những băn khoăn về việc có nên tiếp tục sản xuất trong tình hình hiện nay hay không.

Nếu như các Bộ, ngành, địa phương không đưa ra những giải pháp tiêu thụ lúa gạo phù hợp trong bối cảnh hiện nay, rất có thể sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, vấn đề an ninh lương thực, sinh kế và đời sống của hàng triệu hộ nông dân khi nông sản chưa thể tìm đầu ra ổn định.

Hơn lúc nào, người dân và doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long đang mong chờ sớm có chính sách để tháo gỡ khó khăn, không để đứt gãy chuỗi cung ứng lúa gạo, đảm bảo sản xuất và đời sống của người dân khi dịch bệnh vẫn còn phức tạp./.