Gần 127.000 tỷ đồng được “bơm” ra nền kinh tế trong tháng 11

07/12/2021 08:56 Vũ Ninh

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 11/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng khoảng 10,1% so với cuối năm 2020. Con số này tại thời điểm 29/10 mới chỉ đạt 8,72%.

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm 1,38 điểm %, tương ứng với lượng tín dụng được bơm thêm ra nền kinh tế là khoảng 126.857 tỷ đồng.

So với tháng 10 trước đó, số tiền ngân hàng bơm ròng ra thị trường qua kênh cho vay này đã tăng gần gấp đôi.

Còn nếu so với giai đoạn tháng 8-9, số cho vay ra thị trường tháng gần nhất đã tăng gấp 3 lần.

Theo các chuyên gia phân tích tại SSI Research, tín dụng tăng trưởng tốt là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang phục hồi tốt sau đại dịch, cùng với đó là sự cải thiện của các số liệu vĩ mô tháng 11.

Bên cạnh đó, nguyên nhân giúp tín dụng tăng mạnh trong tháng vừa qua là gói hỗ trợ lãi suất tại TP.HCM được đẩy mạnh từ tháng 10 với mục đích hỗ trợ nền kinh tế.

“Nền kinh tế dường như đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch và tăng trưởng tín dụng năm này sẽ đạt khoảng 13%, phù hợp với động thái nâng trần tín dụng tại một số ngân hàng thương mại gần đây của Ngân hàng Nhà nước”, SSI cho biết.

Cụ thể, trong tuần cuối tháng 11, cơ quan quản lý tiền tệ đã chấp thuận tăng hạn mức tín dụng năm 2021 cho một số ngân hàng với tỷ lệ 1-6 điểm %.

Trong đó, có 4 nhà băng được giao chỉ tiêu mới trên 20% bao gồm TPBank, Techcombank, MSB và MBBank.

Cụ thể, TPBank là cái tên được nới room tín dụng cao nhất, đạt 23,4% cả năm, tăng 6 điểm % so với chỉ tiêu ban đầu.

Tương tự, hạn mức tín dụng mới tại Techcombank, MSB và MBBank lần lượt là 22,1%; 22% và 21%, đều tăng 5-6 điểm %.

Ngoài ra, một loạt ngân hàng khác đã được nới hạn mức tín dụng đợt này như VIB lên 19,1%; VPBank lên 17,1%; Vietcombank, OCB cùng được tăng lên 15%; ACB lên 13,1%; VietinBank lên 12,5% và BIDV lên 12%...

Đáng chú ý, từ đầu tháng 12, Bộ Tài chính đang có xu hướng giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp chặt chẽ hơn.

Hiện tại đã có 2 doanh nghiệp phát hành và 1 công ty chứng khoán đã bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm nguyên tắc phát hành.

Thị trường trái phiếu bị quản lý chặt chẽ hơn sẽ là động lực để tín dụng ngân hàng tăng trưởng tốt trở lại.