Tín dụng tiêu dùng hấp dẫn nhiều tập đoàn tài chính hàng đầu

06/12/2020 06:59 toquoc.vn

Nổi lên từ năm 2015, tín dụng tiêu dùng không chỉ là công cụ hỗ trợ ngân hàng tăng nguồn thu từ các đối tượng nhỏ lẻ, mà còn là kênh huy động hữu ích với cá nhân, tiểu thương, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ…

Cấp vốn vay với hạn mức lẻ, chưa kể cho các đối tượng có hệ số tín nhiệm thấp, những đơn vị hoạt động trong mảng này thực tế phải đối mặt với rủi ro nợ xấu lớn, theo đó lãi suất cho vay thường ở mức khá cao, có giai đoạn lên đến 30-40%/năm. Cùng với những "ồn ào" khác, nhiều ngân hàng thương mại đang dần rút khỏi phân khúc này, sau một giai đoạn đầu tư mạnh để thu lãi, tạo tăng trưởng.

Chững lại với mức đóng góp dư nợ quốc gia chỉ 20,5%, ngắn hạn gặp thêm thách thức bởi Covid-19

Dù vậy, theo giới chuyên gia, tín dụng tiêu dùng vẫn đang, và sẽ tiếp tục trên đà tăng trưởng, đi cùng với sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng mới của người dân. Đặc biệt là xu hướng cao cấp hoá, người tiêu dùng sẵn sàng mức chi tiêu cao hơn cho sản phẩm nhiều tính năng, tiện lợi hơn.

Các thống kê cho thấy, thị trường tín dụng tiêu dùng giai đoạn 2014-2015 tăng trưởng thần tốc với tỷ lệ hơn 168%, đạt quy mô 577.407 tỷ đồng. Bước sang năm 2016, thị trường chuyển mình với tốc độ bền vững hơn, tỷ lệ CAGR 4 năm (2015-2019) đạt 30,4%/năm trong vòng 4 năm (2015-2019). Số lượng khoản vay cũng chỉ tăng 18,9% so với năm 2019.

Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, thị trường đối mặt với thách thức kép. Trong đó, bên cạnh tác động lớn từ đại dịch Covid-19 ảnh hưởng chung đến nền kinh kinh tế (tăng tỷ lệ thất nghiệp, làm giảm khả năng trả nợ của các đối tượng vay tiêu dùng, dẫn đến sự khó khăn trong huy động nguồn vốn…), thông tư 18/2019/TT-NHNN ban hành đã làm hạn chế việc giải ngân trực tiếp cho khách hàng vốn chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của nhiều công ty tài chính cũng như là sản phẩm chủ lực của các công ty mới gia nhập thị trường.

Ghi nhận tại báo cáo thị trường của FiinGroup, năm 2019 tín dụng tiêu dùng đóng góp 20,5% vào dư nợ tín dụng quốc gia, con số khá khiêm tốn so với các nước khác trong khu vực!

FiinGroup: Tín dụng tiêu dùng hồi sinh trước những cơ hội mới, nhiều tay chơi Mcredit, Easy Credit, Lotte Finance… ồ ạt nhập cuộc - Ảnh 1.
 

Cơ hội trước xu thế không tiền mặt, sự gia nhập mới của "tay chơi" ngoại

Dù vậy, Covid-19 ngược lại cũng là cơ hội để thay đổi cục diện ngành tài chính tiêu dùng khi nó tạo ra sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của khách hàng, thúc đẩy sự phát triển của hành vi thanh toán không tiền mặt như thẻ tín dụng và tích hợp mô hình của các công ty tài chính với nền tảng trực tuyến.

Thị trường cũng chứng kiến Huyndai Card (Hàn Quốc) đầu tư 50% cổ phần của FCCOM. Một công ty khác là HAFIC cũng được các nhà đầu tư Nhật Bản/Hàn Quốc tìm cách mua lại trong năm 2020. Sự hiện diện ngày càng nhiều của các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh sẽ mang lại động lực tăng trưởng mới cho thị trường.

Chưa kể, các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với động lực sinh lời cao hơn, ngược lại vẫn đáp ứng các yêu cầu về an toàn rủi ro tín dụng. Song song, chất lượng tài sản cải thiện từ năm 2019.

Theo FiinGroup, tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính về cơ bản đã giảm đáng kể, cho thấy sự cải thiện về chất lượng tài sản và hiệu quả quản lý rủi ro. Tuy nhiên, chất lượng tài sản sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng trong quý 2/2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khi khách hàng của các công ty này là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh.

FiinGroup: Tín dụng tiêu dùng hồi sinh trước những cơ hội mới, nhiều tay chơi Mcredit, Easy Credit, Lotte Finance… ồ ạt nhập cuộc - Ảnh 2.
 

Đặc biệt, biên lãi ròng (NIM) cải thiện nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và các quy định về giải ngân trực tiếp cho khách hàng. Trong đó, lợi nhuận năm 2020 của nhóm công ty này có thể bị ảnh hưởng do tăng trưởng cho vay chậm và trích lập dự phòng cao hơn do rủi ro nợ xấu bởi Covid-19.

Ngoài ra, việc hạn chế giải ngân các khoản cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hang bởi Thông tư 18/2019/TT-NHNN dự kiến sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng dư nợ và lợi nhuận ròng của các công ty tài chính.

Một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa bối cảnh hồi sinh của thị trường

Về phía doanh nghiệp, cạnh tranh đang diễn ra gay gắt trong bối cảnh hồi sinh của nhiều công ty tài chính. Một số công ty mới gia nhập thị trường như Mcredit, Easy Credit, Lotte Finance, Viet Credit tăng trưởng mạnh, làm phân hóa thị phần vốn thuộc về 3 công ty lớn dẫn đầu thị trường. Cuối 2019, FCCOM & PTFinance cũng kích hoạt lại hoạt động kinh doanh của họ, gia tăng sự cạnh tranh vốn gay gắt trên thị trường.

Trong năm 2019, có 14/16 công ty tài chính có giấy phép & đang hoạt động (HAFIC và SBICFinance không hoạt động và dưới sự kiểm soát đặc biệt của NHNN). Số liệu trên không bao gồm những tổ chức cho vay không giấy phép, dựa trên các khoản vay cho mục đích vay tiêu dùng.

"Thị trường tài chính tín dụng trở nên khốc liệt hơn với sự cạnh tranh gia tăng từ cả những ông lớn vốn chiếm lĩnh thị trường như FE Credit, HD Saison.... và những "tay chơi mới" với tham vọng bành trướng", FiinGroup nhấn mạnh.

Đơn cử, Mcredit năm qua đạt tăng trưởng dư nợ gần 1,5 lần so với năm 2018 và soán ngôi vị thứ 4 của Shinhan Finance. Sau 3 năm thành lập, Mcredit đã tận dụng được mạng lưới vốn có của ngân hàng mẹ (MBBank) để đẩy mạnh bán hàng, bán chéo đồng thời đa dạng hóa sản phẩm.

FE Credit cũng vừa công bố tổng dư nợ đạt 64.000 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cuối năm 2019. Hệ số an toàn vốn (CAR) đạt 17,4%, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Tương ứng, tỷ lệ nợ xấu của FE Credit cũng tăng lên 6,9% theo VAS. Khấu trừ, Công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế của 9 tháng đạt gần 3.200 tỷ đồng.

FiinGroup: Tín dụng tiêu dùng hồi sinh trước những cơ hội mới, nhiều tay chơi Mcredit, Easy Credit, Lotte Finance… ồ ạt nhập cuộc - Ảnh 3.