EU hy vọng sớm chốt được lệnh cấm vận dầu Nga - 1 nước EU 'nghĩ lại' sau khi bị khóa van

26/05/2022 10:15 toquoc.vn

Tây Ban Nha tuyên bố có giải pháp cho châu Âu

Đài CNBC (Mỹ) đưa tin, đầu tuần này, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã tuyên bố rằng đất nước của ông - và rộng hơn là miền Nam châu Âu - có thể là "câu trả lời" cho vấn đề thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ .

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về gói trừng phạt mới nhằm vào Nga, trong đó bao gồm lĩnh vực năng lượng .

Bình luận với CNBC hôm 23/5, ông Sanchez cho biết: "Tây Ban Nha và Nam Âu sẽ có cơ hội đưa ra câu trả lời cho vấn đề châu Âu phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch của Nga."

Nhà lãnh đạo Tây Ban Nha nhấn mạnh: Tây Ban Nha phụ trách 37% tổng công suất tái khí hóa của Liên minh châu Âu - nơi khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được chuyển lại thành dạng khí trước khi đến tay người tiêu dùng.

Ngoài ra, theo lời ông Sanchez, bán đảo Iberia (nơi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tọa lạc) là nơi có khoảng một nửa kho LNG của EU.

Theo lời ông Sanchez, cuộc khủng hoảng tại Đông Âu đã cho châu Âu "một bài học rất quan trọng, đó là các loại năng lượng tái tạo không chỉ là đồng minh tuyệt vời của các quốc gia và nền kinh tế trên thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, mà còn rất hữu ích để giúp các nước tăng cường khả năng phục hồi và tự chủ trong bối cảnh địa chính trị phức tạp và bất ổn."

EU hy vọng sớm "chốt" được lệnh cấm vận dầu Nga

Cũng theo CNBC, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hôm 24/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết bà hy vọng rằng EU sẽ sớm đạt được sự đồng thuận về lệnh cấm vận dầu Nga trong những ngày tới.

Khối liên minh này đã ở trong thế bế tắc trong vài tuần qua sau khi một số quốc gia như Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc phản đối lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga. Bất kỳ biện pháp trừng phạt nào của EU đều cần phải có sự chấp thuận của tất cả các quốc gia thành viên EU.

"Tôi hy vọng rằng [lệnh cấm vận sẽ được quyết định] trong những ngày tới. Điều chúng tôi đang cần xem xét và tìm hướng giải quyết trong thời điểm hiện tại là 1-2 quốc gia thành viên EU không giáp biển, nên họ không có khả năng tiếp nhận dầu mỏ qua đường biển và cần các giải pháp thay thế như đường ống dẫn dầu, các nhà máy lọc dầu..." - bà Ursula von der Leyen nói.

"Chúng tôi đang tích cực xúc tiến lệnh cấm vận dầu mỏ", người đứng đầu Ủy ban châu Âu cho hay.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: AFP/Getty

Tháng trước, EU đã quyết định cấm vận nhập khẩu than đá của Nga, tuy nhiên việc áp đặt hạn chế đối với mặt hàng dầu mỏ hóa ra phức tạp hơn nhiều. Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch của Nga lo ngại về tác động của của các biện pháp này đối với nền kinh tế của chính họ.

Ví dụ, Hungary được cho là đang yêu cầu hỗ trợ tài chính từ 15 tỷ đến 18 tỷ euro (tương đương 16-19 tỷ USD) để thoát phụ thuộc khỏi năng lượng Nga. Hungary được cho là sẽ từ chối thảo luận về vấn đề cấm vận năng lượng Nga tại cuộc họp sắp tới của EU vào cuối tháng này.

Sự bế tắc trong vấn đề dầu mỏ cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu EU có thể chấm dứt việc mua khí đốt tự nhiên của Nga - loại nhiên liệu hóa thạch chính mà EU mua từ Nga - hay không.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, bà Ursula von der Leyen cũng đã cáo buộc "Nga đang vũ khí hóa các nguồn cung năng lượng của mình."

Nga đã yêu cầu "các quốc gia không thân thiện", chẳng hạn như các nước EU, phải mua khí đốt của nước này bằng đồng rúp. Moskva đã "khóa van" khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria - hai quốc gia EU - sau khi hai quốc gia này từ chối mua khí đốt bằng đồng rúp.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck. Ảnh: Reuters

Đồng quan điểm với bà Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đại diện của Đức - thành viên lớn nhất của EU - hôm 23/5 cũng chia sẻ rằng khối này có thể sắp đạt được "bước đột phá" trong vấn đề cấm vận nhập khẩu dầu Nga.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết EU có thể đạt được quyết định này "trong những ngày tới", trong khi Ủy ban Châu Âu và Mỹ đang phối hợp để đưa ra đề xuất giới hạn giá dầu toàn cầu.

Ông Habeck nói: "Đó rõ ràng là một biện pháp bất thường, nhưng đây là những thời điểm bất thường."

Trong diễn biến có liên quan, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 23/5 cho biết Moskva sẽ tập trung phát triển quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ thương mại với Mỹ và châu Âu đang "đứt đoạn".

"Nếu họ (phương Tây) muốn đưa ra đề nghị nối lại quan hệ, thì chúng tôi sẽ nghiêm túc xem xét liệu chúng tôi có cần nó hay không", ông Lavrov cho biết.

Bulgaria "nghĩ lại" chuyện mua khí đốt bằng đồng rúp

Đài RT (Nga) trích dẫn phát biểu của Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria Alexander Nikolov trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình địa phương BTV hôm 22/5 cho biết nước này có dự định sẽ bàn bạc với EU về vấn đề mua khí đốt Nga bằng đồng rúp.

Trước đó, Sofia đã từ chối làm theo yêu cầu thanh toán theo phương thức mới của Nga và bị Moskva "khóa van".

Khi được hỏi vì sao Đức và Italy đồng ý mở tài khoản thanh toán bằng đồng rúp trong khi Bulgaria, Ba Lan và Phần Lan từ chối tuân thủ yêu cầu của Nga, Bộ trưởng Nikolov nói rằng các quan chức EU trước đó đã nói rằng các khoản thanh toán bằng đồng tiền của Nga là vi phạm lệnh trừng phạt.

Theo ông Nikolov, Bulgaria đang chờ đợi Ủy ban châu Âu đưa ra thêm hướng dẫn.

"Mức độ đoàn kết và thống nhất trong khối EU phải ở mức cao nhất có thể. Nếu có ngoại lệ, chúng tôi sẽ xem xét lại những ảnh hưởng đối với toàn bộ hệ thống", Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria giải thích.

Cuối tháng 4 vừa qua, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã đình chỉ xuất khẩu khí đốt sang Bulgaria và Ba Lan sau khi hai nước này từ chối hình thức thanh toán bằng đồng rúp. Gần 90% lượng khí đốt nhập khẩu của Bulgaria đến từ Nga, và phần còn lại đến từ Azerbaijan.

Trong khi đó, tuần trước, Đức và Italy đã cho phép các công ty của hai nước này mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank của Nga để phục vụ phương thức thanh toán mới và tránh bị cắt nguồn cung. Theo Reuters, động thái này đã được Brussels thông qua sau các cuộc thảo luận với Ủy ban châu Âu và không bị coi là vi phạm các lệnh trừng phạt của EU đối với Moskva.

Đức chuẩn bị cho viễn cảnh khí đốt Nga bị cắt đột ngột

Theo trang thelocal.de của Đức, mới đây Bộ trưởng Nông nghiệp của nước này đã nói về viễn cảnh giá thực phẩm leo thang nếu nguồn cung khí đốt Nga bị cắt đột ngột.

Theo đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Cem Özdemir cho biết: "Nhiều công ty trong ngành nông nghiệp và thực phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt để có thể sản xuất thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi.

Trong trường hợp nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga bị cắt đột ngột, dự kiến giá cả thực phẩm sẽ leo thang hơn nữa, cùng với đó là vấn đề tắc nghẽn nguồn cung các loại thực phẩm."

Mặc dù vậy, ông Özdemir đã trấn an người dân rằng nguồn cung thực phẩm nói chung vẫn được đảm bảo, dù trong những tháng gần đây, giá các mặt hàng trong các siêu thị ở Đức thường xuyên tăng, chủ yếu là các mặt hàng như thịt, sữa, xúc xích, bơ...

Tuy nhiên, tình trạng mua sắm hoảng loạn cũng khiến các siêu thị thường xuyên "cháy hàng" các sản phẩm như dầu ăn và bột mì, do những đồn đoán về việc nguồn cung bị gián đoạn do cuộc khủng hoảng ở Đông Âu.

Theo ước tính hiện tại của chính phủ Đức, nguồn cung khí đốt hiện có cả nước này có thể đảm bảo nhu cầu sử dụng cho đến cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu năm nay, nếu như toàn bộ hoạt động nhập khẩu khí đốt của Nga bị ngừng đột ngột và kéo dài./.