EU 'hoảng' vì dòng người nhập cư

10/01/2023 06:10 daidoanket.vn

Ngày 8/1, Cơ quan Biên giới và Cảnh sát biển châu Âu (Frontex) cho biết, trong năm 2022 số người nhập cư bất hợp pháp vào Liên minh châu Âu (EU) tăng 68% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Frontex, các tuyến đường tây Balkan và Địa Trung Hải có lưu lượng người di cư nhiều nhất. Chỉ trong tháng 11/2022, đã có 27.000 cuộc vượt biên trái phép vào EU buộc Frontex phải cung cấp hơn 2.100 sĩ quan để giúp các quốc gia đối phó với áp lực di cư nặng nề và những thách thức khác ở khu vực biên giới.

Tình trạng người di cư bất chấp nguy hiểm tính mạng để tìm tới EU là thực tế đã diễn ra trong nhiều năm. Thành phố Melilla của Tây Ban Nha là một trong số những nơi hiếm hoi tại châu Âu có đường biên giới trực tiếp trên bộ với châu Phi. Người di cư thường xuyên cố gắng vượt qua một hàng rào kéo dài 12km. Cuối tháng 6/2022, một cuộc đụng độ bạo lực đã nổ ra khi gần 2.000 người di cư từ Maroc xông qua hàng rào. Ít nhất 27 người di cư đã thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương, trong đó có cả cảnh sát bảo vệ biên giới của Maroc và Tây Ban Nha.

Ông Eduardo de Castro Gonzales - Thị trưởng Melilla cho biết: "Nhiều người cố gắng vượt qua biên giới ở đây cho dù chính họ cũng không biết cuộc đời sẽ đi về đâu". Năm 2021 có khoảng 4.400 người đã mất tích trên biển trong khi tìm cách di cư tới Tây Ban Nha. “Địa Trung Hải bấy lâu đã trở thành nghĩa địa trên biển đối với người di cư. Nguồn lực để cứu hộ từ phía chính phủ các nước cũng như từ các tổ chức dân sự đều đang dần cạn kiệt” - Thị trưởng Melilla nhận xét.

Trong khi đó, ông Santino Severoni - Giám đốc Chương trình Y tế và Di cư (Tổ chức Y tế thế giới -WHO) cho rằng, các quốc gia vẫn thường có xu hướng tự giải quyết vấn đề di cư, tuy nhiên do không có sự phối hợp nên hậu quả thường là tai hại.

Từ tháng 9/2020, Ủy ban châu Âu đã đề xuất các nước thành viên thông qua Hiệp ước về Di cư và tị nạn. Trong tháng 6/2022, hàng loạt văn bản kỹ thuật liên quan hiệp ước này đã được các nước thành viên thông qua. Tuy nhiên, tất cả những điều đó cũng không ngăn được những dòng người di cư đến từ các nước Bắc Phi - Trung Đông, như Syria, Afghanistan, Congo, Nigieria… tìm mọi cách “vượt rào” để vào EU. Xu hướng đó trong năm 2023 được cho là vẫn không chấm dứt.