Đường ngoại giá rẻ tràn ngập thị trường, có nên áp thuế phòng vệ thương mại

08/01/2021 07:08 daidoanket.vn
Đường ngoại giá rẻ tràn ngập thị trường, có nên áp thuế phòng vệ thương mại
Diện tích trồng mía trong nước đã thu hẹp đáng kể từ niên vụ 2019 - 2020

Đường ngoại giá rẻ tràn ngập thị trường

Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) kể từ ngày 1/1/2020 thì mặt hàng đường từ các nước ASEAN tự do đi vào thị trường Việt Nam với mức thuế chỉ từ 0 - 5%. Số liệu thống kê trong 10 tháng đầu năm 2020 cho thấy, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh, số lượng đường nhập khẩu tại thị trường trong nước lên đến 884.285 tấn. Số liệu này còn lớn hơn cả lượng đường sản xuất từ mía trong nước. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu là 87,67%. Lượng đường nhập khẩu từ các nước Malaysia, Campuchia, Indonesia, Myanma cũng gia tăng.

Chính điều này dẫn đến ngành sản xuất mía đường trong nước đang teo tóp dần. Theo thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trước đây cả nước có 41 nhà máy đường, đến niên vụ 2019 - 2020 đã có 12 nhà máy phải dừng hoạt động. Ðáng chú ý, diện tích mía của cả nước từ 300 nghìn ha nay giảm xuống còn gần 160 nghìn ha. Hơn nữa, từ hơn 300 nghìn hộ dân tham gia trồng mía, nay chỉ còn khoảng 170 nghìn người trồng.

Từ góc độ doanh nghiệp mía đường, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn đánh giá, thực thi Hiệp định ATIGA đã có nhiều tác động, gây khó khăn cho ngành sản xuất mía đường trong nước.

"Giá đường thấp đã làm cho giá mía tụt giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng nguyên liệu. Thu nhập của người trồng mía tụt giảm, diện tích mía bị thu hẹp (chỉ còn lại 30% so với 5 năm trước đây); năng suất, chất lượng mía chưa được cải thiện, nhà máy không đủ nguyên liệu để sản xuất", ông Tam nói.

Đường ngoại giá rẻ đang tràn ngập thị trường trong nước.
Đường ngoại giá rẻ đang tràn ngập thị trường trong nước.

Có nên áp thuế phòng vệ?

Tại Hội thảo “Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới” diễn ra tại Hà Nội đầu tháng 12/2020, một thông tin đáng chú ý, ngành mía đường các quốc gia lân cận đang được tài trợ rất lớn. Đơn cử, Chính phủ Thái Lan đến ngày 30/6 đã thống nhất tài trợ cho ngành đường Thái Lan 10 tỷ Bath, tương đương 317 triệu USD. Quỹ mía đường của Thái Lan giúp cả nông dân, doanh nghiệp đường và doanh nghiệp sản xuất điện từ bã mía đều được lợi. Ấn Độ cũng công bố mỗi năm tài trợ 145 USD/tấn đường xuất khẩu, khiến giá đường rất cạnh tranh.

Trước thực trạng khốn khó của ngành mía đường trong nước, theo Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam Nguyễn Văn Lộc, để cứu ngành mía đường trong nước và sinh kế của người nông dân trồng mía, Việt Nam hoàn toàn có thể quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế và các quy tắc giao thương của WTO đối với ngành đường.

“Đây là việc làm chính đáng nhằm bảo vệ ngành sản xuất, giúp tăng thu ngân sách và bảo vệ việc làm cho người trồng mía. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh các nước khác trong khối ASEAN đang áp dụng các biện pháp không chính thống”, ông Nguyễn Văn Lộc chia sẻ.

Ủng hộ việc áp thuế phòng vệ thương mại, tuy nhiên Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Việt Dũng, Trưởng khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP HCM cho rằng, Nhà nước cần xác định một mức thuế phòng vệ thương mại hợp lý để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, ổn định thị trường và tái lập môi trường cạnh tranh công bằng.

“Mức thuế phòng vệ thương mại giữa đường trắng và đường thô nên chênh lệch ở mức 15-17% là đảm bảo hài hoà các lợi ích của nông dân, nhà sản xuất, người tiêu dùng và mức thuế áp dụng phải ngăn được đường lậu tràn vào thị trường nội địa ( điển hình vụ việc buôn lậu đường thời gian vừa qua báo chí đã phản ánh rất nhiều...) môi trường cạnh tranh công bằng tạo động lực phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ hội nhập nói chung và phát triển ngành mía đường nói riêng để đóng góp vào GDP cả nước”, ông Dũng cho biết.