Dự báo thị trường bất động sản 3 tháng cuối năm

11/10/2021 08:00 daidoanket.vn

 

Bất động sản 3 tháng cuối năm: Tăng mạnh khi ‘bình thường mới’?
Thị trường bất động sản sẽ tăng mạnh khi cả nước bước vào “bình thường mới”. Ảnh: Việt Khánh.

Tín hiệu thị trường

Trong 2 năm qua, 4 lần dịch Covid-19 bùng phát, đặc biệt là lần thứ 4 ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế.

Đương nhiên, điều này có tác động tới thị trường bất động sản ở hầu hết các phân khúc thị trường.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định, càng về lâu dài, bất động sản càng bị ảnh hưởng, nhiều dự án dừng, nguồn cung giảm.

Dẫu vậy, giao dịch 2020 và 2021 có sự thay đổi. Trong 6 tháng đầu năm nay, giao dịch bất động sản nhiều hơn rõ rệt. Có giảm nếu so với năm 2019.

Một số ý kiến cho rằng, dịch bệnh khiến nhiều người phải “cất tiền” chờ thời cơ thuận lợi mới mua nhà.

Tuy nhiên, theo ông Khởi, bất động sản vẫn được quan tâm lớn. “Mua được một bất động sản đôi khi lại là mục tiêu của nhiều người trong Covid-19”, ông Khởi nói.

Vị chuyên gia này nhận định, hiện nay nhiều chính sách đang được các cơ quan chức năng đẩy mạnh để trợ lực cho thị trường bất động sản cuối năm.

Đây sẽ là tín hiệu tốt cho cả nhà bán lẫn người mua.

Trong khi đó, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia phân tích, 9 tháng năm nay số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tăng.

Cụ thể, 5.400 doanh nghiệp mới ra đời, vốn vẫn giảm, vốn đăng ký là 343 nghìn tỷ. Ông Lực cho biết thêm, với bất động sản, vốn FDI quan trọng.

Ngoài ra, phát hành trái phiếu nhận vốn quan trọng. 8 tháng đầu năm toàn doanh nghiệp Việt phát hành 399.000 tỷ đồng.

Trong đó, doanh nghiệp bất động sản là 108.000 tỷ, chiếm 35 % lượng tiền trái phiếu phát hành. Một kênh đầu tư tiếp theo là cổ phiếu, thị trường chứng khoán có 81 doanh nghiệp bất động sản.

Chia sẻ về tình hình thị trường bất động sản, ông Lực cho biết thên, giá bất động sản năm 2020 tăng 5,6% toàn cầu, bất chấp dịch bệnh. Một số nước “sốt” như Australia, Canada. Đây là một kênh đầu tư trung và dài hạn của nhà đầu tư.

“Với Việt Nam, khả năng phục hồi mạnh bắt đầu từ quý IV, quý III là quý đáy của nền kinh tế. Ông Lực dự báo có hai kịch bản, năm nay kinh tế tăng 2,5 %, nếu tốt hơn sẽ tăng 3%, năm tới tăng 6-7%”, ông Lực nhận định. “Hiện nay, nhà đầu tư bất động sản có xu hướng đầu tư các dự án ngoại ô, nghỉ dưỡng, không chọn những khu vực trung tâm như Hà Nội và TP HCM”, ông Lực nói thêm.

Vẫn duy trì “sức sống”

Đánh giá về bức tranh thị trường bất động sản Việt Nam năm qua, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, bất động sản thường có xu hướng phát triển trở lại cùng với sự phục hồi của nền kinh tế.

Hiện nay cả nước vẫn “chưa khoát khỏi tâm trạng buồn” của những chỉ số tăng trưởng âm. Do đó, những biện pháp giúp hàng hóa, tiền tệ lưu thông cần nhiều thời gian để phục hồi nhưng khá rõ nét.

Thị trường bất động sản thế giới đang có sự phục hồi nhanh, có thể là yếu tố giúp cho bất động sản trong nước đi lên. Số lượng giao dịch thực ở quý cuối năm nay đang có dấu hiệu tăng. Không chỉ các nhà phát triển chọn thời điểm tung hàng cuối năm mà người mua cũng tự tin hơn khi xuống tiền.

Theo ông Trần Đình Thiên, nền kinh tế chịu nhiều tác động mạnh từ dịch bệnh, sẽ cần sự ưu tiên chính sách. Làm sao cho nền kinh tế vận hành trơn tru thì càng tốt.

Đó là điều kiện tiên quyết giúp cho bất động sản trở lại đà tăng trưởng.

Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, khi chúng ta khống chế được dịch bệnh, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm tới là 6% trở lên. Đầu tư bất động sản vẫn còn nhiều kỳ vọng.

“Hai năm qua, nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam thì bất động sản vẫn là điểm sáng, thanh khoản, giá cả tốt. Xét về góc độ người tiêu dùng lại khó khăn vì giá tăng. Điều này phản ánh dịch chuyển về lối sống, sống xanh, sống tốt, vui vẻ, ăn toàn, kéo theo xu thế dịch chuyển bất động sản”, ông nói.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch -Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết, ở Việt Nam, cứ một dự án ra đời, chỉ cần 18 tháng là hấp thụ hết, trong khi đó, thời gian trung bình của ASEAN là 5 năm.

Trong 2 năm xuất hiện đại dịch, nhiều lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, do đó, nhiều nhà đầu tư lấn vào bất động sản - thị trường có tiềm năng.

Tuy nhiên, nguồn cung lại không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường do nhiều rào cản như quy trình kiểm duyệt, tạm dừng thi công...

Theo đó, thị trường không có nhiều sản phẩm mới, dẫn tới cung không đủ cầu.

Trong quý III, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có thực hiện thống kê ở 12 điểm cầu và nhận thấy rằng vẫn có hàng vạn giao dịch, ngay trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn ra ở một số khu vực.

Tuy nhu cầu tiêu dùng có giảm nhưng nhu cầu của nhà đầu tư không giảm bởi đây là đối tượng cần đi trước.

Vì vậy, ông Đính khẳng định, bất động sản có bị tác động tiêu cực đến “sức khỏe” nhưng thị trường này vẫn có sức sống, “không chết, chững hay phải đứng lại” do bối cảnh dịch bệnh.