Đối mặt với mối đe dọa của dịch bệnh, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của các nước đang phát triển ở châu Á xuống 7,2%

21/07/2021 06:10 Linh Nguyễn/ CN Reuters

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hôm thứ ba cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế đang phát triển Châu Á trong năm nay sẽ thấp hơn một chút so với dự đoán trước đó do sự bùng phát trở lại của dịch bệnh ở nhiều nước.

ADB cho biết "các nước đang phát triển ở Châu Á" đang phục hồi, nhưng tốc độ tăng trưởng dự kiến ​​sẽ được điều chỉnh từ mức 7,3% ở báo cáo "Triển vọng phát triển Châu Á" (ADO) được công bố vào tháng 4 xuống mức 7,2%.

"Các nước đang phát triển ở Châu Á" đề cập đến là 46 thành viên của ADB, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ.

Dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực vào năm 2022 đã được điều chỉnh từ mức 5,3% lên 5,4% trong báo cáo tháng 4.

"Châu Á -Thái Bình Dương đang tiếp tục phục hồi sau đợt đại dịch mới, nhưng do sự gia tăng của dịch bệnh, sự xuất hiện của các biến thể virus mới và sự khác biệt lớn về tiến độ tiêm chủng giữa các quốc gia, con đường phục hồi vẫn chưa ổn định". Yasuyuki Sawada, chuyên gia kinh tế của ADB cho biết.

ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của mình đối với Trung Quốc, với tốc độ tăng trưởng dự kiến ​​là 8,1% trong năm nay và 5,5% trong năm tới.

Nhưng họ đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Ấn Độ xuống 10% trong năm nay và 7,5% trong năm tới, so với dự báo tháng 4 lần lượt là 11% và 7,0%.

Tại Đông Nam Á, ADB đã sửa đổi dự báo tăng trưởng năm 2021 của Indonesia từ 4,5% xuống 4,1%; Thái Lan từ 3,0% xuống 2,0%; Malaysia từ 6,0% xuống 5,5%; Việt Nam từ 6,7% xuống 5,8%.

ADB đã nâng dự báo tăng trưởng của Singapore cho năm nay từ 6,0% lên 6,3% và duy trì dự báo tăng trưởng của Philippines ở mức 4,5%.

Đối với năm 2022, ngân hàng giữ nguyên dự báo tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á: 5,0% ở Indonesia, 5,7% ở Malaysia, 5,5% ở Philippines, 4,1% ở Singapore và 7,0% ở Việt Nam.

Nhưng họ đã nâng dự báo tăng trưởng của Thái Lan trong năm tới từ 4,5% lên 4,9%.

Sawada nói: "Ngoài việc phòng chống dịch và tiêm chủng, thì các hoạt động phục hồi kinh tế theo từng giai đoạn và chiến lược - như thương mại, sản xuất và du lịch - sẽ là chìa khóa để đảm bảo khả năng phục hồi.