Doanh nghiệp trong nước “đua đòi” phát triển bất động sản hàng hiệu

06/06/2021 15:19 congluan.vn

Trong thời gian gần đây, thị trường Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều dự án bất động sản hàng hiệu, gắn “mác” các thương hiệu nổi tiếng thế giới. 

Hầu hết, các dự án này nằm ở các “khu đất vàng” trong trung tâm thành phố, tận dụng dược lợi thế các loại dịch vụ đô thị sẵn có và được vận hành bởi các thương hiệu quản lý bất động sản hàng đầu quốc tế, nên giá bán của các dự án này đạt tới mức “cực đỉnh” lên trên 500 triệu đồng/m2.

Nhận định về xu hướng phát triển dòng sản phẩm bất động sản hàng hiệu, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng: Kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển đã tạo ra một tầng lớp nhà giàu mới. Đây chính là đối tượng khách hàng tiềm năng của dòng sản phẩm này.

Theo ông Châu, trên thế giới, có 2 dòng sản phẩm bất động sản được gắn mác “hàng hiệu.

Thứ nhất, là dòng sản phẩm chủ” do chính doanh nghiệp bất động sản hàng hiệu có uy tín thương hiệu toàn cầu phát triển dự án và kinh doanh sản phẩm. 

Đây là loại sản phẩm “bất động sản hàng hiệu” có thương hiệu ổn định lâu dài, được “chính chủ” quản lý vận hành, cung ứng các dịch vụ chuẩn mực.

Hai là sản phẩm bất động sản “hàng hiệu” do sự hợp tác giữa một thương hiệu quản lý bất động sản nổi tiếng toàn cầu với một doanh nghiệp phát triển dự án, được điều chỉnh bởi hợp đồng do hai bên giao kết.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tại Việt Nam, có một số doanh nghiệp mới thành lập cũng đang phát triển dòng sản phẩm này.

Thực chất, đây là hoạt động đầu tư kinh doanh theo hình thức “đứng trên vai người khổng lồ”, mượn uy tin của đối tác nước ngoài để kinh doanh.

Theo ông Châu, để được gắn mắc “bất động sản hàng hiệu”, hoặc mượn uy tín của các đối tác nước ngoài, để kinh doanh dòng sản phẩm này, các doanh nghiệp trong nước phải trả một chi phí không hề nhỏ cho bên đối tác.

Đây giống như một hình thức trả phí bản quyền thương hiệu.

“Đương nhiên, chẳng có doanh nghiệp nào kinh doanh mà chịu lỗ cả.

Chi phí này sẽ được tính đủ trong giá bán nhà, và người mua nhà sẽ phải thanh toán chi phí “mượn tên” tên thương hiệu này”, ông Châu cho biết.

Đặc biệt, ông Châu nhấn mạnh: Các dự án phải đi mượn thương hiệu của đối tác ngoại, chỉ được phép mượn tên trong khoảng thời gian nhất định.

Có thể là từ 10 năm - 15 năm, tùy thuộc vào thỏa thuận và cam kết giữa 2 bên.

Sau khi hết thời hiệu cam kết, chủ đầu tư không được phép sử dụng tên thương hiệu bất động sản hàng hiệu này nữa.

Về phương thức bán hàng, đa phần, chủ đầu tư dự án “bất động sản hàng hiệu” sẵn sàng chi đậm cho công tác quảng bá sản phẩm và thực hiện phương thức ra hàng “nhỏ giọt”, chia nhỏ “rổ hàng” để tạo sự “khan hiếm” và kích thích tâm lý “bạn là một trong số ít người đầu tiên” sở hữu “bất động sản hàng hiệu” của dự án.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: Dự án “bất động sản hàng hiệu” chỉ giải quyết nhu cầu “nhà hàng hiệu” cho giới nhà giàu “rất giàu”, “siêu giàu” và cho các lãnh đạo tập đoàn nước ngoài cần lưu trú.

Tuy nhiên, nếu so sánh với Hoa Kỳ có 1% dân số là người “rất giàu”, “siêu giàu”, có lẽ ở nước ta tỷ lệ này rất rất thấp, có thể thấp hơn hàng trăm lần so với Hoa Kỳ. 

Bên cạnh đó, việc mua để cho thuê lại “bất động sản hàng hiệu” cũng không phải dễ dàng, vì rất kén chọn khách hàng.

Nên thị phần “bất động sản hàng hiệu” không lớn như nhà đầu tư kỳ vọng.

Đây không phải là “sân chơi” dành cho các doanh nghiệp bất động sản, hoặc nhà đầu tư “tay mơ”.

Do vậy, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ các thông tin của dự án “bất động sản hàng hiệu” và nhất là nghiên cứu kỹ nội dung Hợp đồng để tránh bị nhầm lẫn.

Việt Vũ