Doanh nghiệp ngành gỗ cần mạnh dạn hơn để bắt kịp chuyển đổi số

16/12/2021 10:10 Bảo Linh

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cùng với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu lâm sản Việt Nam (VIFOREST) và Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) tổ chức toạ đàm: “Chuyển đối số của doanh nghiệp ngành gỗ: Thực trạng, mức độ sẵn sàng và giải pháp”.

Tại toạ đàm đã công bố Báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam.

Ông Amit Shama, Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu nội dung này cho biết, 5 thị trường lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu.

Đây đều là những thị trường hiện đại, năng động và bị tác động mạnh thay đổi hành vi người tiêu dùng sau đại dịch COVID-19.

Hành vi tiêu dùng mới chủ yếu thực hiện online, chính vì vậy số hóa việc thương mại các sản phẩm là đòi hỏi tất yếu đối với mọi doanh nghiệp.

Lâm sản là một trong số các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cả về sản lượng và trị giá trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế ở các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, về lâu dài, ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ khó tránh khỏi, ngành gỗ sẽ phải tìm hướng đi mới.

Sự lây lan nhanh chóng của COVID-19 đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Việc này đã tạo tạo áp lực, thách thức, buộc các doanh nghiệp phải đổi mới và cải tiến ở tất cả các khâu, từ thiết kế, sản xuất, đến thương mại, trong đó số hóa là yếu tố then chốt.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HAWA đánh giá mức độ chuyển đổi số trong doanh nghiệp gỗ hiện chưa nhiều.

Dù ngành gỗ của Việt Nam đang có vị thế tương đối tốt trên thế giới, nhưng sự đóng góp của chuyển đổi số, công nghệ cao vào kết quả này vẫn còn rất hạn chế.

Còn bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, đại diện Văn phòng Chuyển đổi số (Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu khảo sát nhu cầu thực tiễn và thấy rằng hiện nay đang có 4 thách thức trong chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Thứ nhất, doanh nghiệp nhỏ và vừa có khoảng cách về năng lực triển khai chuyển đổi số, ví dụ như xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi số thế nào, cần làm thế nào, bắt đầu từ đâu.

Thứ hai là khoảng cách về thị trường thông tin về giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Hiện nay, có nhiều giải pháp công nghệ đa dạng nhà cung cấp trong và ngoài nước, nhưng để doanh nghiệp xác định đâu là giải pháp phù hợp với mình thì không đơn giản.

Thứ ba là khoảng cách về tài chính mở tín dụng, hoặc chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra để chuyển đổi số.

Các chi phí này bao gồm chi phí công nghệ, tổ chức lại nguồn nhân lực,…

Thứ tư là thể chế, chính sách.

"Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, hoạt động của doanh nghiệp phải gắn với hạ tầng nền kinh tế số”, bà Lệ Quyên nhấn mạnh.

PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng, nhận thức không rõ ràng về khái niệm chuyển đổi số là một trong những nguyên nhân mấu chốt dẫn tới thất bại của quá trình chuyển đổi số.

Nhiều doanh nghiệp "ngại" chuyển đổi số vì áp lực chi phí lớn, chưa biết bắt đầu từ đâu, đâu là giải pháp doanh nghiệp có thể bắt tay vào làm ngay và đâu là giải pháp có điều kiện tiên quyết trong trung và dài hạn.

Chính vì vậy, doanh nghiệp muốn bắt tay thực hiện quá trình này phải hiểu rõ khái niệm chuyển đổi số để có những lựa chọn phù hợp trong quá trình chuyển đổi này.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST nhìn nhận, trong tình hình hiện tại, năng lực cạnh tranh của ngành gỗ còn thấp.

Dù ngành có sự phát triển rất lâu đời, nhưng năng lực quản trị thấp, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế.

Đây là các trở ngại cho phát triển bền vững.

Trong ngành đã có nhiều doanh nghiệp có doanh số hằng năm lên đến hàng tỷ USD, hy vọng sẽ bắt kịp xu hướng chuyển đổi số để nâng cao năng lực, tạo giá trị gia tăng cao hơn cho ngành.