Doanh nghiệp mong tiếp tục giảm lãi suất cho vay

11/03/2023 06:00 daidoanket.vn

Tín dụng tăng chậm, làn sóng giảm lãi suất huy động đang diễn ra. Tuy nhiên, mong muốn từ cộng đồng doanh nghiệp là lãi suất huy động phải giảm hơn nữa.

Dự kiến phải từ cuối quý II, đầu quý III/2023 làn sóng hạ nhiệt lãi suất mới diễn ra sâu, rộng. Ảnh: Quang Vinh.

Dự kiến phải từ cuối quý II, đầu quý III/2023 làn sóng hạ nhiệt lãi suất mới diễn ra sâu, rộng. Ảnh: Quang Vinh.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tín dụng tăng rất chậm (tín dụng đến 24/2 chỉ tăng 0,77%), tính ra chỉ bằng 1/3 tốc độ của năm 2022.

Nguyên nhân tín dụng tăng chậm, là do 4 yếu tố: Thứ nhất, 2 tháng đầu năm trùng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; Thứ hai, sức khỏe nhiều doanh nghiệp(DN) vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn; Thứ ba, đơn hàng của nhiều DN suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái; Thứ tư, những năm trước, tín dụng bất động sản tăng mạnh, chiếm hơn 20% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại, song năm nay, thị trường khó khăn khiến tín dụng bất động sản tăng chậm lại, dù vẫn cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

Nghịch lý trên thị trường hiện nay là DN rất cần vốn để sản xuất kinh doanh, ngân hàng lại thừa vốn dù đã tung nhiều gói ưu đãi lãi suất. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh chia sẻ, tình hình DN đang rất khó khăn, đặc biệt là thiếu vốn sản xuất.

Vì vậy, ông Quốc Anh cho rằng, các cơ quan quản lý cần sớm ban hành chính sách và kế hoạch hỗ trợ giảm, giãn, gia hạn thuế; giảm lãi suất, chi phí sản xuất kinh doanh, các chính sách phát triển thị trường nội địa.

Theo TS Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TPHCM, với mặt bằng lãi suất cao 12-14%/năm như hiện nay thì rất ít DN sẵn sàng vay mới để đầu tư, sản xuất, kinh doanh, mà chủ yếu là các DN vay để giải quyết bài toán thanh khoản.

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản cho rằng các DN bất động sản có nguy cơ khủng hoảng rất cao nếu không có những sự điều chỉnh, điều tiết bằng chính sách vĩ mô. Năm 2023, DN sẽ vẫn tiếp tục đối mặt với các khó khăn và cần được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để DN có thể triển khai dự án tạo nguồn cung ra thị trường.

Một khảo sát vừa được Hiệp hội DN TPHCM thực hiện trong tháng 2/2023 với hơn 100 DN cho thấy có tới 83% DN đang gặp khó khăn. Trong đó, vốn và lãi suất tiếp tục là vấn đề lớn gây khó khăn với 43% DN cho biết lãi suất vay cao và 38,2% cho biết thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian.

Giảm lãi suất và được tiếp cận tín dụng ngân hàng là mong mỏi của cộng đồng DN. Hiện nay lãi suất huy động đã giảm là tiền đề để giảm lãi suất cho vay.

Theo TS Nguyễn Hữu Huân, mức điều chỉnh lãi suất cho vay sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng thương mại. Trong đó, làn sóng giảm mạnh lãi vay có thể diễn ra nhiều ở những ngân hàng thương mại lớn vì room tín dụng nhiều và chi phí huy động vốn đầu vào thấp hơn. Còn các ngân hàng thương mại nhỏ, vốn đã huy động tiền gửi với mức lãi suất quanh 10%/năm cho các kỳ hạn dài thời gian qua nên cần độ trễ trong vài tháng tới nếu muốn giảm mạnh lãi suất.

Vì thế, vị chuyên gia này nhận định, dự kiến phải từ cuối quý II, đầu quý III/2023 làn sóng hạ nhiệt lãi suất mới diễn ra rộng, sâu hơn.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng mặt bằng lãi suất không thể treo cao như hiện nay. Mục tiêu của Chính phủ và NHNN trong năm tới về chính sách tiền tệ nên đi theo hướng giảm lãi suất. “Theo tôi, lãi suất huy động thực chỉ khoảng 2-3% là phù hợp. Có nghĩa lạm phát 4% thì lãi suất huy động chỉ 6-7%/năm là hợp lý, khi đó lãi suất cho vay không trở nên quá sức với doanh nghiệp” - ông Nghĩa nói.