Doanh nghiệp bất động sản 'đua nhau' phát hành trái phiếu vì đói vốn

14/11/2020 07:04 daidoanket.vn

Nhiều doanh nghiệp bất động sản thua lỗ nặng

Ghi nhận trong quý III-2020, rất nhiều doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn đều có những khoản nợ khổng lồ. Cụ thể, trong quý III-2020, Biệt thự và Khách sạn Biển Đông Phương ghi nhận lỗ gần 87 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 35 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, Sheraton Đà Nẵng đạt 63 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 79%, và lỗ 233 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 112 tỷ đồng. Theo đó lỗ luỹ kế tại ngày 30/9 lên đến 571 tỷ đồng.

Vào cuối tháng 9/2020, Công ty Địa ốc Hoàng Quân có tổng nợ phải trả là 2.566 tỷ đồng, tăng 7,5% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu là 4.335 tỷ đồng, tăng chỉ 0,2%. Riêng quý III-2020, tổng vay và nợ thuê tài chính của Hoàng Quân vào khoảng 327 tỷ đồng. Trong đó, kênh trái phiếu chiếm gần 57%.

Vốn chủ sở hữu vào cuối tháng 9/2020 của Tập đoàn A.G.  ghi nhận 1.907 tỷ đồng nhưng nợ phải trả đã lên đến 6.845 tỷ đồng. Nợ phải trả của A.G. đang vượt vốn chủ sở hữu tới 3,6 lần. Trong đó có đến 69% là nợ ngắn hạn.

Đến cuối tháng 9/2020, Công ty K.Đ. có 7.775 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và nợ phải trả là 6.942 tỷ đồng. Riêng trong quý III-2020, K.Đ. vay thêm 415 tỷ đồng khiến tổng vay nợ tài chính tăng lên 1.783 tỷ đồng. Nếu so với đầu năm, con số này tăng lên gấp 2,3 lần. Trong đó, công ty này vay ngân hàng hơn 1.318 tỷ đồng.

Trái phiếu đang là kênh huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp bất động sản.
Trái phiếu đang là kênh huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp bất động sản.

Phát hành trái phiếu với lãi suất cao tiềm ẩn nhiều rủi ro

Tồn tại bấy lâu nay của thị trường trái phiếu doanh nghiệp được các chuyên gia ví như thị trường mở với "3 không": không có tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành. Cũng chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp tận dụng công cụ này để huy động vốn.

Nhiều “đại gia” trong lĩnh vực bất động sản cũng đã đua nhau phát hành trái phiếu trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Đơn cử như Công ty Phú Mỹ Hưng phát hành 900 tỷ đồng với lãi suất 7,15%. Tập đoàn Sovico mới đây cũng phát hành 1.550 tỷ đồng. Công ty Địa ốc Sông Tiên phát hành 600 tỷ đồng, lãi suất 11%. Công ty Bất động sản Đông Dương với trị giá trái phiếu 1.200 tỷ đồng, lãi suất 12% cho kỳ hạn bốn năm. Công ty City Garden với 1.598 tỷ đồng, lãi suất 13,3% cho kỳ hạn bình quân hơn hai năm… 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho hay, việc thị trường trái phiếu bất động sản phát triển nhanh, mặt tích cực sẽ làm tăng quy mô, tăng tính hấp dẫn của thị trường và đặc biệt là vai trò kênh dẫn vốn có nhiều ưu việt cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, mặt tiêu cực là dẫn đến tình trạng cạnh tranh lãi suất, chất lượng trái phiếu doanh nghiệp không đồng đều, đẩy rủi ro về phía người mua phải tự thẩm định, đánh giá.

Nếu cuộc đua lãi suất trái phiếu bất động sản vẫn tiếp tục tăng cao thì rủi ro cũng sẽ tăng theo, không chỉ cho nhà đầu tư mà còn cho cả các doanh nghiệp phát hành bởi khi phát hành với lãi suất quá cao thì áp lực trả nợ cũng tăng theo, gia tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng nói rằng, việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất quá cao sẽ khiến cho áp lực trả lãi và gánh nặng tài chính gia tăng, gây bất ổn đến tính bền vững và sự ổn định của nền kinh tế. Hầu hết các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, bản cáo bạch phát hành trái phiếu lại quá phức tạp. Do đó, rủi ro với nhà đầu tư khi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu bị phá sản, trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không có tổ chức bảo lãnh.

Một rủi ro nữa là về thanh khoản, bởi thị trường thứ cấp (mua đi bán lại) của các trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam chưa phát triển khiến rủi ro của người nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp gia tăng.

Trên thực tế, ngay một số doanh nghiệp còn chưa đảm bảo yếu tố minh bạch và thực hiện đầy đủ trách nhiệm cung cấp thông tin; không làm rõ mục đích sử dụng vốn trái phiếu và phương án trả nợ gốc, trả lãi...

Bên cạnh đó, không ít nhà đầu tư chưa có khả năng phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành. Điều này vô hình chung đang tạo ra rủi ro lớn cho nền kinh tế khi nhiều trái phiếu doanh nghiệp có thể trở thành nợ xấu.

Dù Nghị định 81 với nhiều đổi mới đưa việc phát hành trái phiếu đi vào minh bạch, chặt chẽ hơn nhưng ở Việt Nam hiện vẫn chưa có một công ty nào xếp hạng tín nhiệm trái phiếu. Việc xếp hạng tín nhiệm chưa có nên không có đánh giá độc lập là rủi ro cho nền kinh tế.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận xét: những quy định về nhà phát hành bao gồm các tiêu chí, sức khỏe tài chính như: thời gian có mặt trên thị trường bao lâu, những chỉ số về tài chính, chỉ số về đòn bẩy tài chính, tỷ lệ thanh khoản, tỷ lệ ROA (tỷ số lợi nhuận trên tài sản), ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu)… phải được đưa ra. Các báo cáo tài chính của họ phải được kiểm toán độc lập, đảm bảo tính trung thực, chính xác.

Sau khi thị trường trái phiếu có dấu hiệu tăng nóng mất kiểm soát, Bộ Tài chính đã nhiều lần khuyến cáo nhà đầu tư không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, bởi lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao. Chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu, về tình hình tài chính của doanh nghiệp để đánh giá được các rủi ro gặp phải, nhà đầu tư mới nên gom trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.