Tại sao Bitcoin hấp dẫn các nhà đầu tư?

18/01/2021 06:10 toquoc.vn

Giá Bitcoin đã tăng gấp 4 lần vào cuối năm 2020 - gợi nhớ đến thời kỳ hoàng kim của đồng tiền này ba năm về trước, khi nó đã tăng vọt lên gần 20.000 USD, trước khi sụt giảm và mất hơn 2/3 giá trị.

Tại sao Bitcoin lại có sự trở lại mạnh mẽ?

Khi thị trường tài chính toàn cầu biến động vì đại dịch vào năm 2020, có thể thấy Bitcoin đã có được những bước tiến rõ ràng trên con đường trở thành xu thế chủ đạo. Hồi tháng 10, gã khổng lồ thanh toán toàn cầu PayPal đã bắt đầu cho phép khách hàng sử dụng Bitcoin để mua hàng hóa và dịch vụ. Bên cạnh đó, một số công ty tài chính cùng các quỹ đầu tư lớn cũng bắt đầu đưa thêm tiền điện tử vào danh mục đầu tư của mình.

Đồng thời, dòng tiền được các ngân hàng trung ương thế giới bơm vào hệ thống tài chính toàn cầu đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu những động thái như vậy có khiến lạm phát gia tăng hay không - yếu tố thúc đẩy cả vàng và Bitcoin tăng giá, bởi cả hai đều là tài sản khan hiếm.

Liệu Bitcoin có phải là ‘bong bóng’?

Hôm 7/1 vừa qua, lần đầu tiên tổng giá trị thị trường của tất cả các loại tiền điện tử đạt mức 1 nghìn tỷ USD. Cú bứt phá của Bitcoin trong tuần đầu tiên năm mới 2021 nhanh chóng đến nỗi xóa mờ đi tất cả các chu kỳ bùng nổ của tài sản tài chính khác trong vòng 50 năm qua. Các công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính nổi tiếng như Robinhood và Revolut cũng đã đưa tiền điện tử trở thành một phần quan trọng trong giao dịch của họ và trong cả các ứng dụng ngân hàng.

Dẫu vậy, đầu tư vào tiền điện tử vẫn được coi là khá rủi ro vì các công cụ phần lớn vẫn là tài sản không được kiểm soát và có sự biến động mạnh, phụ thuộc vào những thay đổi bất thường của thị trường.

Ai là người mua và sử dụng Bitcoin?

Các nhà quản lý tiền kỹ thuật số nổi tiếng như Mike Novogratz và Alan Howard đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào Bitcoin và các loại tiền điện tử khác. Một cuộc khảo sát mà Fidelity Investments thực hiện vào năm 2020 cho thấy 36% tổ chức được hỏi cho biết đang nắm giữ tiền điện tử trong danh mục đầu tư của họ. Thậm chí có hơn 6/10 tổ chức bày tỏ sự quan tâm đến Bitcoin và các loại tiền điện tử khác.

Điều gì hấp dẫn các nhà đầu tư?

Những người ủng hộ Bitcoin cho rằng đợt sụt giảm gần đây của Bitcoin không thể so sánh được với các đợt tăng mạnh mẽ khác, vì tài sản này đã có những bước tiến vượt bậc khi nhận được sự quan tâm của hàng loạt nhà đầu tư tổ chức lớn. Lợi suất thực âm đối với các tài sản truyền thống như trái phiếu chính phủ đang thúc đẩy các quỹ đầu cơ tìm kiếm các giải pháp thay thế trong bối cảnh đồng tiền kỹ thuật số này liên tiếp phá kỷ lục về giá.

Trước đó, những người từng một mực phản đối Bitcoin khi cho rằng đồng tiền này chắc chắn sẽ sụp đổ một lần nữa, thì gần đây đã phải xem xét lại, đơn giản là vì dường như đã có đủ người tin vào Bitcoin. Cũng có nhiều cuộc thảo luận hơn về Bitcoin như một hàng rào hợp pháp chống lại rủi ro lạm phát và bất kỳ sự suy yếu nào của đồng đô la Mỹ.

Tại sao Bitcoin được so sánh với vàng?

Là một nguồn tài nguyên khan hiếm, vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát, và thực tế là giá kim loại quý này đã tăng lên mức cao kỷ lục vào tháng 8/2020. Chính phủ các nước có thể làm tăng cung tiền, qua đó làm giảm giá trị đồng nội tệ nhưng các thợ mỏ lại không thể làm tràn ngập thị trường bằng vàng.

Theo đó, cũng giống như vàng, một phần sức hấp dẫn của Bitcoin nằm ở thực tế là nó không bị kiểm soát bởi chính phủ hoặc các chính sách tiền tệ và nguồn cung của nó bị hạn chế, thậm chí còn nghiêm ngặt hơn vàng. Với mức chi tiêu lớn của chính phủ và việc ngân hàng trung ương liên tục bơm tiền đã dấy lên nhiều lo ngại về lạm phát, thì Bitcoin lại đang được chú ý nhiều hơn bao giờ hết với tên gọi "vàng kỹ thuật số", ngay cả khi lạm phát vẫn ở mức thấp. Theo các chiến lược gia tại JPMorgan, nếu Bitcoin thu hút được các khoản đầu tư tương đương với vàng ở hiện tại, nó có thể tăng lên mức giá hơn 146.000 USD trong dài hạn.

Vậy Bitcoin có hợp pháp không?

Trong vài năm qua, hành lang pháp lý của thị trường tiền kỹ thuật số đã có nhiều bước tiến đáng kể. Các dịch vụ lưu ký và giao dịch - với giấy phép và thông tin xác thực phù hợp - được phục vụ riêng cho các nhà đầu tư lớn. Có thể kể đến như việc Bộ Tài chính Mỹ đã đề xuất yêu cầu các ngân hàng và các tổ chức trung gian khác lưu trữ hồ sơ và gửi báo cáo để xác minh danh tính khách hàng cho các giao dịch tiền điện tử nhất định.

Một số ngân hàng trung ương, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Châu Âu, đang nghiên cứu việc số hóa các loại tiền tệ có chủ quyền dựa trên nền tảng Bitcoin. Tuy nhiên, có nhiều lo ngại rằng Bitcoin và các loại tiền điện tử khác có liên quan đến lừa đảo, rửa tiền, trốn thuế, khủng bố và nhiều hơn thế nữa. 

Bitcoin chính xác là gì?

Được sinh ra như là kết cục của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Bitcoin là một loại tài sản thu hút được nhiều sự quan tâm khi nó không phải là loại tiền có thể cầm nắm trong tay, cũng không được phát hành hoặc hỗ trợ bởi chính phủ của bất cứ quốc gia nào. Về cốt lõi, Bitcoin và những loại tiền ảo tương tự là một tập hợp các giao thức phần mềm để tạo mã thông báo kỹ thuật số và để theo dõi các giao dịch theo cách khó làm giả hoặc tái sử dụng mã thông báo. Bitcoin chỉ có giá trị trong phạm vi mà người dùng của nó thừa nhận rằng nó có giá trị.

Hệ thống Bitcoin đến từ đâu?

Phần mềm ban đầu được đưa ra vào năm 2008 bởi một người sử dụng với bút danh Satoshi Nakamoto (người vẫn chưa xác định được danh tính) bất chấp một số nỗ lực chỉ định hoặc yêu cầu công nhận. Trò chơi trực tuyến giả tưởng đã sử dụng tiền ảo từ lâu. Ý tưởng quan trọng đằng sau Bitcoin là blockchain - một sổ cái trực tuyến ẩn danh, có thể nhìn thấy công khai, ghi lại các giao dịch Bitcoin. Đồng tiền số này đã khuấy đảo thị trường vào năm 2017, khi giá tăng vọt lên 19.000 USD/BTC từ mức 789 USD.

Kỳ vọng Bitcoin được chấp nhận rộng rãi hơn

Trước thời điểm Bitcoin tăng giá mạnh vào cuối năm 2020, đầu 2021, vẫn còn rất ít dấu hiệu cho thấy Bitcoin sẽ phát triển thành một hình thức kiếm tiền hữu ích. Nhưng sau đợt biến động mới nhất này, nhiều nhà đầu tư lớn đang suy đoán rằng Bitcoin sẽ được chấp nhận rộng rãi hơn và làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu, có thể bằng cách lấp đầy vai trò của vàng như một hàng rào chống lạm phát tốt hơn những gì kim loại quý này có thể làm.

Tham khảo: Bloomberg