Diễn đàn kinh tế thế giới: Những vấn đề nóng trong chương trình nghị sự

19/01/2023 09:52 toquoc.vn

Hội nghị thường niên lần thứ 53 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã khai mạc vào ngày 16/1 tại Davos (Thụy Sĩ) với chủ đề "Hợp tác trong một thế giới phân mảnh" và dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 20/1. 
 

Với chủ đề "Hợp tác trong một thế giới bị phân mảnh, năm nay, diễn đàn Kinh tế thế giới Davos hứa hẹn sẽ thúc đẩy nỗ lực hàn gắn những căng thẳng trong một thế giới phân cực, củng cố nền kinh tế đang gặp khó khăn và giải quyết những lo ngại về biến đổi khí hậu cũng như nhiều vấn đề khác. Hội nghị Davos 2023 sẽ thúc đẩy tinh thần hợp tác giữa các nước nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến năng lượng, khí hậu và tự nhiên; đầu tư, thương mại và cơ sở hạ tầng; công nghệ tiên tiến và khả năng phục hồi của ngành; việc làm, kỹ năng, di động xã hội và sức khỏe; và hợp tác địa chính trị trong một thế giới đa cực.

Diễn đàn kinh tế diễn ra trong bối cảnh nhiều cuộc khủng hoảng đang diễn ra, đòi hỏi phải có những hành động hợp tác giữa các nước. Chương trình của Hội nghị WEF năm nay tập trung vào các giải pháp và hợp tác công - tư để giải quyết những thách thức cấp bách nhất của thế giới.

Các phiên họp sẽ đề cập đến rất nhiều vấn đề như tương lai của ngành phân bón toàn cầu, vai trò của thể thao trong xã hội, diễn biến đại dịch Covid-19… 52 lãnh đạo quốc gia cùng đại diện khoảng 600 doanh nghiệp lớn tham gia sự kiện năm nay, cùng nhiều tổ chức phi chính phủ, thảo luận tìm cách hợp tác. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực trong nỗ lực giải quyết các vấn đề nóng của thế giới tại hội nghĩ vẫn tiếp tục chờ đợi phía trước.

Sự kiện năm nay có sự góp mặt của Chủ tịch Ủy ban Liên minh Châu Âu Ursula von der Leyen, Đặc phái viên về khí hậu John Kerry và tân Tổng thống các nước Hàn Quốc, Colombia và Philippines. Trước thềm hội nghị Davos, Rana Foroohar, người phụ trách chuyên mục của Financial Times cho rằng một sự thay đổi mới đối với nội địa hóa đang thay thế lực lượng toàn cầu hóa đã thống trị trong nửa thế kỷ qua.

WEF đưa ra quan điểm hội nghị sẽ cho phép những người tham gia tự đưa ra quyết định thu nhỏ lại hoặc tăng cường hợp tác trước những diễn biến phức tạp như đại dịch, chi phí sinh hoạt tăng cao, biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và xung đột.

"Chỉ tương tác mới tạo ra mức độ tin cậy cần thiết, điều mà chúng ta rất cần trong thế giới biến động hiện nay. Chủ đề năm nay là Hợp tác trong một thế giới bị phân mảnh", Chủ tịch WEF Klaus Schwab, người sáng lập sự kiện này cho biết tại một cuộc họp báo tuần trước.

Trong bối cảnh như vậy, lãnh đạo các quốc gia và các doanh nghiệp phải nghĩ cách xác định rủi ro, tự trang bị nhằm đối phó với hiểm nguy và trở nên kiên cường hơn.

Tập trung vào kinh tế

Vấn đề suy giảm của nền kinh tế toàn cầu sẽ là một chủ đề chính tại hội nghị Davos năm nay. Các quan chức từ Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde sẽ có bài phát biểu trong các phiên họp.

 

Lạm phát đã tăng vọt khi thế giới mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 và những ảnh hưởng không hề nhỏ từ khủng hoảng leo thang ở Ukraine. Giá lương thực và năng lượng tăng mạnh mặc dù đã có tín hiệu chậm lại ở các nền kinh tế lớn như Mỹ. Tuy nhiên, châu Âu vẫn chịu áp lực lớn về lạm phát tăng phi mã.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cho rằng sự chia rẽ giữa các quốc gia đang khiến nền kinh tế toàn cầu gặp rủi ro bằng cách khiến "mọi người nghèo hơn và kém an toàn hơn". Bà Georgieva kêu gọi tăng cường thương mại, giúp các nước dễ bị tổn thương giải quyết nợ nần và tăng cường hành động khí hậu.

Ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo AP, chủ đề chính nổi lên từ các phiên thảo luận của diễn đàn là quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. Hội nghị sẽ bàn đến các vấn đề như quá trình khử carbon, nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng sạch và đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng. Hội nghị Davos diễn ra sau một năm triển khai mạnh mẽ đối với quá trình chuyển đổi năng lượng bằng cách nhiều quốc gia đã thông qua các ưu đãi cho năng lượng tái tạo vào năm 2022.

Các phiên thảo luận sẽ bao gồm khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và đối phó với nạn phá rừng, đa dạng sinh học và tương lai của bảo vệ môi trường sẽ mang lại màu sắc xanh hơn cho sự kiện lần này.

"Điều quan trọng hơn cả là đảm bảo duy trì hành động và vượt qua các giới hạn trong quá trình triển khai chương trình nghị sự xanh", Chủ tịch WEF Borge Brende nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

 

Link gốc