Điểm danh một số sàn giao dịch tài chính, đội lốt chứng khoán phái sinh quốc tế lừa đảo, lùa gà

02/03/2022 07:29 Quảng Dương

Đầu năm 2022, hàng trăm nhà đầu tư của hệ thống chứng khoán phái sinh DK Trade, ACXFX, SCOPER MARKETS, BOSTONMEX… đã làm đơn tố cáo gửi lên Bộ Công an về hành vi lừa đảo của đường dây này.

SCOPER MARKETS núp dưới vỏ bọc của các công ty LSC Media (35 Tô Vĩnh Diện, Thanh Xuân, Hà Nội) và Công ty TNHH Artex Vina (68 Nguyễn Cơ Thạch, Hà Nội).

Văn phòng của các công ty này chỉ vỏn vẹn khoảng 20 người, hầu hết là các bạn trẻ đang trong độ tuổi đi học hoặc mới ra trường, không có kinh nghiệm, chuyên môn và kiến thức trong lĩnh vực môi giới chứng khoán.

Mỗi buổi sáng sẽ có khoảng chục phút cho những “chuyên gia” này thảo luận tin tức và các chuyên án (những thương vụ đầu tư cổ phiếu nước ngoài mà những nhân viên chăm sóc khách hàng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên LSC Media mang đi để giới thiệu cho khách – PV) trong thời gian tới.

Cách thức lôi kéo, dụ dỗ người chơi mở tài khoản và nạp tiền tương đối đa dạng. Có nhân viên sử dụng chiến thuật đeo bám, có người đánh vào lợi nhuận, có người sử dụng niềm tin và các mối quan hệ thân quen.

ACXFX, quảng cáo là sàn chứng khoán quốc tế có trụ sở tại Anh. Thủ đoạn của những nhóm đối tượng này là lôi kéo nhà đầu tư tham gia mở tài khoản, nạp tiền sau đó đánh cháy tài khoản của khách hàng.

Một nạn nhân của sàn ACXFX cho biết: “Nhân viên của sàn ACXFX đã cố tình đánh cháy tài khoản khách hàng. Sau đó họ dụ dỗ nạp thêm tiền để gỡ.

Nhưng chỉ khoảng 1 ngày họ đánh cháy 60.000 USD. Khi liên hệ dịch vụ chăm sóc khách hàng thì họ chối bỏ trách nhiệm.

Những người dụ dỗ chúng tôi tham gia sàn ACXFX là Nguyễn My và Diệu Phương cũng đã khóa zalo, chặn liên lạc.

Sau khi tìm hiểu tôi biết đây là một nhóm lừa đảo chuyên nghiệp có liên kết với rất nhiều sàn như SCOPER MARKETS, BOSTONMEX.

Hiện nay số lượng các nạn nhân bị nhóm lừa đảo này chiếm đoạt tài sản rất nhiều, ở khắp các tỉnh/ thành phố.

Chúng tôi cũng đã kêu gọi và làm đơn gửi cơ quan điều tra, Bộ Công an để họ vào cuộc và đưa những kẻ lừa đảo ra ánh sáng”.

Nhóm đối tượng lừa đảo đội lốt sàn chứng khoán quốc tế SCOPE MARKETS

DK TRADE, được quảng cáo là một trong những sàn giao dịch ngoại hối uy tín và có lợi nhuận cao lên đến 30%. Chị Lê Nguyệt Hà, nạn nhân của sàn DK Trade kể lại, cuối tháng 8/2021, nghe lời giới thiệu của một người bạn, chị biết đến sàn giao dịch DK Trade. Sau đó chị được một người tên là Kim Ngân là nhân viên của DK Trade chào mời mua cổ phiếu quốc tế.

Nghe lời dụ dỗ của Ngân, chị Hà quyết định lập tài khoản và đầu tư số vốn ban đầu là 200 triệu đồng với mong muốn làm giàu nhanh chóng.

Kim Ngân giới thiệu chị với một nhân viên kỹ thuật của DK Trade tên là Hiếu. Những đối tượng này thường rêu rao là chuyên gia phân tích thị trường, “trùm kéo vốn”, “bậc thầy đặt lệnh”.

Hiếu dụ dỗ chị Hà ủy thác cho mình giao dịch trên sàn DK Trade với cam kết thu về lợi nhuận 30% chỉ trong tháng đầu tiên.

“Thế nhưng có bao nhiêu tiền tôi nạp vào tài khoản Hiếu đánh cháy hết. Hết tiền chúng dụ dỗ tôi tiếp tục bỏ thêm tiền để đánh gỡ vốn. Nhưng càng đánh lại càng thua.

Chỉ trong 5 ngày đầu tiên, Hiếu đã đánh cháy tài khoản của tôi tổng số tiền là 1,2 tỷ đồng.

Nhưng hắn tiếp tục dụ tôi nạp thêm tiền với lý do thị trường đang khởi sắc, bỏ qua cơ hội này thì sẽ không gỡ được vốn”, chị Hà chia sẻ.

LITEFINANCE, giới thiệu đây là sàn forex được thành lập vào 02/07/2005 có trụ sở chính đặt tại Cyprus – Đảo Síp (Châu Âu).

Đơn vị này còn giới thiệu có giấy phép Marshall của Cộng hòa Quần đảo Marshall. Tuy nhiên giấy phép này là giả.

Nhiều khả năng đứng đằng sau LiteFinance là một nhóm người Việt Nam.

Thủ đoạn lừa đảo của sàn LiteFinance rất tinh vi – đầu tiên các đối tượng sẽ “thả mồi” nhà đầu tư bằng cách cho họ thắng một số vốn nhỏ khoảng vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.

Nhà đầu tư thấy kiếm tiền quá dễ liền nạp thêm tiền vào các gói bảo hiểm (gọi là các gói chuyên án) hoặc ủy quyền cho các chuyên gia tài chính đặt lệnh hộ.

Sau đó sẽ có hai trường hợp xảy ra. Nếu chuyên gia đặt lệnh đúng và chuẩn thì nhà đầu tư phải bỏ một số tiền lệ phí để rút tiền.

Trường hợp cháy tài khoản các chuyên gia sẽ vận động nhà đầu tư bỏ thêm tiền để gỡ.

Nở rộ hình thức lừa đảo thông qua các sàn chứng khoán quốc tế giả mạo

INFINOX, quảng cáo thuộc công ty INFINOX Capital là tên giao dịch đã đăng ký của IX Capital Group Limited, được ủy quyền và quản lý bởi Ủy ban Chứng khoán Bahamas (‘SCB’) theo Số đăng ký SIA F-188.

Mặc dù quảng cáo là một sàn ngoại hối của Anh Quốc, nhưng điều lạ lùng là toàn bộ hệ thống nhân viên, chăm sóc khách hàng của sàn này là người Việt Nam.

Theo mô tả của nhà đầu tư, thủ đoạn lừa đảo của sàn INFINOX rất tinh vi – đầu tiên các đối tượng sẽ “thả mồi” nhà đầu tư bằng cách cho họ thắng một số vốn nhỏ khoảng vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.

Nhà đầu tư thấy kiếm tiền quá dễ liền nạp thêm tiền vào các gói bảo hiểm (gọi là các gói chuyên án) hoặc ủy quyền cho các chuyên gia tài chính đặt lệnh hộ.

Sau đó sẽ có hai trường hợp xảy ra. Nếu chuyên gia đặt lệnh đúng và chuẩn thì nhà đầu tư phải bỏ một số tiền lệ phí để rút tiền.

Trường hợp cháy tài khoản các chuyên gia sẽ vận động nhà đầu tư bỏ thêm tiền để gỡ.

“Nhưng không có ai rút được tiền từ sàn INFINOX. Nhà đầu tư khi liên hệ với các chuyên gia hoặc bộ phận chăm sóc khách hàng sẽ bị chặn liên lạc.

Họ sẽ đưa ra thỏa thuận đền bù không đáng là bao so với số tiền chúng tôi đã mất. Thậm chí có người còn bị đe dọa. Hiện nhóm người này hoạt động mạnh tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Chúng tôi đã thu thập đầy đủ bằng chứng và làm đơn tố giác gửi cơ quan công an điều tra, Bộ Công an.

Một số nạn nhân đã được mời lên lấy lời khai. Chúng tôi rất mong đến ngày nhóm lừa đảo này đứng trước vành móng ngựa đền tội”, anh N.X.T, một nhà đầu tư cho hay.

KRISTON, quảng cáo là sàn nhị phân quốc tế. Nạn nhân sẽ bị lôi kéo tham gia những nhóm zalo kêu gọi đầu tư Stock 5.0 với lời quảng cáo, vốn đầu tư ban đầu chỉ 500.000 đồng, mỗi ngày sẽ có chuyên gia phân tích và báo lệnh vào hai khung giờ để “mua - bán”.

Bên cạnh đó, sàn nhị phân KRISTON còn quảng cáo các chuyên án đầu tư với lãi suất khủng. Chẳng hạn đầu tư 25 triệu đồng sẽ có lợi nhuận 162 triệu đồng; đầu tư 100 triệu đồng sẽ có lợi nhuận 1 tỷ đồng.

Một chuyên gia tài chính cho biết, những sàn nhị phân lừa đảo thường do do một nhóm người tự lập ra hoặc bỏ tiền ra mua.

Trong thời gian đầu, họ sẽ cho nhà đầu tư có lợi nhuận, cho phép rút tiền dễ dàng để tạo lòng tin, kích thích nhà đầu tư tăng thêm vốn hoặc lôi kéo thêm nhiều người thân tham gia.

Khi đã thu đủ tiền của các nhà đầu tư, hình thức “cháy” tài khoản hoặc sập sàn sẽ xảy ra, nhà đầu tư mất trắng.

Trước tình trạng người dân bị lừa đảo bởi các sàn chứng khoán quốc tế, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác không để bị các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các tổ chức, cá nhân không quảng cáo, môi giới, tiếp tay cho các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Các tổ chức, cá nhân lợi dụng các hoạt động của sàn giao dịch quyền chọn nhị phân để tổ chức lôi kéo, dụ dỗ người tham gia đầu tư, các cá nhân cổ súy, tiếp tay cho các đối tượng thiết lập, điều hành trong việc quảng bá, hoạt động thanh toán có thể bị xử lý hình sự theo Điều 217a Bộ luật Hình sự năm 2015 tội “Vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp” hoặc Điều 290 Bộ luật Hình sự quy định về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.