Địa phương đón dòng vốn FDI dẫn đầu cả nước có chiến lược thu hút đầu tư như thế nào?

11/07/2022 17:00 toquoc.vn

Trên thực tế, Bình Dương không chỉ là tỉnh có sức hút lớn đối với dòng vốn FDI mà còn là điểm sáng trong phát triển kinh tế.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bình Dương đạt được nhiều kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội. Cụ thể, kinh tế có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GRDP vượt kịch bản đề ra, trong đó, GRDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011.

Tính chung 6 tháng, GRDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự kiến và cùng kỳ năm 2021, tương đương mức bình quân các năm trước dịch.

Trong những năm qua, Bình Dương luôn nằm trong top 5 những tỉnh, thành thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư đăng ký vào tỉnh đạt trên 2,53 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 98,2% so với cùng kỳ năm 2021. Với con số này, Bình Dương đang là tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút dòng vốn FDI.

Tổng vốn đăng ký FDI vào Bình Dương giai đoạn 2017 - 6 tháng đầu năm 2022 (Tỷ USD). Nguồn: Bộ kế hoạch và đầu tư.

Tính đến 20/6, tỉnh đã thu hút 31 dự án mới (1,79 tỷ USD), 13 dự án điều chỉnh tăng vốn (17,93 triệu USD), 88 dự án góp vốn (727,05 triệu USD). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.053 dự án có vốn đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký 39,59 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau TP. HCM.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, trong nhiều năm qua, tỉnh đã nỗ lực thực hiện cơ chế thông thoáng, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư. Trong suốt 25 năm qua, Bình Dương luôn trở thành điểm sáng của cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong chiến lược thu hút FDI, Bình Dương ưu tiên những ngành nghề, dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao; quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Đồng thời, tỉnh cũng chủ trương hạn chế các dự án thâm dụng lao động, sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu, tiêu hao nhiều năng lượng, tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Chính vì vây, trong những năm qua, Bình Dương luôn lọt top 5 những tỉnh, thành thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước.

Đặc biệt, Bình Dương chủ trương ưu tiên phát triển các khu công nghiệp tập trung, tạo môi trường thông thoáng thu hút nhanh nguồn vốn đầu tư FDI. Từ đó, tỉnh tạo sự phát triển có chiều sâu, tạo đà cho sự ổn định và bền vững của kinh tế địa phương.

Hiện nay, Bình Dương có 48 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 11.000 ha, chiếm 1/4 diện tích KCN toàn miền Nam. Các KCN lớn trên địa bàn tỉnh gồm: Mỹ Phước, Bàu Bàng, Sóng Thần III, Việt Nam – Singapore I và II, … Trong cơ cấu kinh tế của Bình Dương, hơn 70% thuộc về khu vực công nghiệp và xây dựng.

Toàn tỉnh có 29 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp kín đạt trên 70%. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đầu tư tại Bình Dương chọn lựa vào các KCN tập trung.

Việc xây dựng và phát triển hệ thống các đô thị, khu công nghiệp (KCN) tại Bình Dương luôn được tỉnh quan tâm và dành nhiều nguồn lực để thực hiện. Nhờ đó, vị thế của tỉnh ngày càng được nâng cao, trở thành một trong những địa phương phát triển công nghiệp lớn của cả nước.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, Bình Dương đang tăng cường hơn nữa quỹ đất cho phát triển KCN, kịp thời đón đầu làn sóng đầu tư. Cùng với đó, để ngành công nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng nhanh và bền vững, tỉnh đang tập trung thực hiện đúng lộ trình xây dựng thành phố thông minh.

Việc xây thành phố thông minh của Bình Dương gắn liền với các định hướng phát triển chủ yếu như thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường.

Không chỉ vậy, Bình Dương còn tập trung hướng tới đổi mới công nghệ hiện đại, tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong những năm gần đây, quỹ đất công nghiệp tại các khu vực Dĩ An, Thuận An tại Bình Dương đã gần như cạn kiệt. Do đó, tỉnh đã chuyển hướng quy hoạch các KCN lớn tại các khu vực còn nhiều diện tích trống như Tân Uyên, Bến Cát, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên.

Theo định hướng phát triển kinh tế của Bình Dương, tỉnh lấy công nghiệp làm nền tảng, trọng tâm là xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa. Theo đó, tỉnh sẽ xây dựng KCN nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI, Bình Dương là tỉnh được đánh giá có cơ sở hạ tầng tốt nhất cả nước trong năm 2021. Điều này thể hiện rõ tinh thần nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng để thu hút vốn đầu tư của tỉnh.