Đây là cách 'cú sốc năng lượng' đang tàn phá kinh tế toàn cầu

14/06/2022 10:00 toquoc.vn

Trong bối cảnh thế giới đang ngày càng nghiêm túc hơn với năng lượng xanh, sự phụ thuộc của nhân loại vào nhiên liệu hóa thạch cũng đã ở mức lớn chưa từng có kể từ những năm 1970. Xung đột Nga – Ukraine cùng với những áp lực mà đại dịch Covid-19 gây ra đã khiến giá cả mọi thứ tăng vọt. Riêng giá dầu đã tăng hơn 50% trong nửa đầu năm 2022. Cú sốc năng lượng cũng là nguyên nhân chính gây ra lạm phát và khiến các chính phủ phải đau đầu tìm cách đối phó.

Cú sốc năng lượng tới từ đâu?

Chỉ 2 năm trước, giá dầu có lúc tụt xuống dưới 0 khi đại dịch nhấn chìm nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau, giá đã phục hồi trở lại mức trước đại dịch và tiếp tục tăng khi nhu cầu với nhiên liệu hóa thạch trong giai đoạn phục hồi kinh tế vượt xa tốc độ tăng trưởng của nguồn cung dầu thô.

Sau đó, một loạt các sự kiện chấn động xảy ra, bao gồm chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine cùng các biện pháp trừng phạt phương Tây nhằm vào Moscow đã ảnh hưởng tới 10% nguồn cung dầu toàn cầu. Các mặt hàng quan trọng khác như lúa mì, phân bón đến niken cũng bị ảnh hưởng.

Hơn một nửa lượng dầu xuất khẩu của Nga được mua bởi các khách hàng châu Âu. Tuy nhiên, khi xung đột xay ra, biến động trong dòng chảy dầu Nga đã thực sự làm xáo trộn thị trường năng lượng, dẫn đến thay đổi cả về cung lẫn cầu trên quy mô tòa cầu.

Ai là người chịu thiệt?

Người tiêu dùng bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng vì chi tiêu cho năng lượng rất khó cắt giảm. Tại Anh, các nhà quản lý cảnh báo rằng giá khí đốt tự nhiên toàn cầu tăng cao có thể khiến hóa đơn năng lượng trung bình của các hộ gia đình tăng thêm 42% vào tháng 10, khi mức giá trần được điều chỉnh cao hơn. Đây sẽ là cú sốc tồi tệ nhất đối với mức sống ở quốc gia này kể từ năm 1950 tới nay.

Tại nhiều nơi khác trên thế giới, giá nhiên liệu bán lẻ thậm chí còn tăng nhanh hơn giá dầu thô. Xăng đứng đầu với mức trung bình đã lên tới 5 USD/gallon (3,79l) ở Mỹ. Kết quả cuối cùng là lạm phát gia tăng với tốc độ mà thế giới chưa từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ.

Ngoài những quan ngại về giá cả, vẫn còn những lo ngại rằng mạng lưới điện toàn cầu, vốn đã căng thẳng do biến đổi khí hậu, có thể trở nên mỏng manh hơn, dẫn tới mất điện và làm đình trệ nhiều hoạt động từ sản xuất, kinh doanh tới chăm sóc y tế….

Ảnh hưởng của nó sẽ ra sao?

Đã có những cuộc tranh giành để tăng nguồn cung và tái định hình các tuyến cung cấp năng lượng quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, thành công chưa đáng kể. EU đang cố "cai" dần dầu mỏ Nga và mua thêm khí tự nhiên hóa lỏng của các quốc gia khác nhằm hạn chế dần sự phụ thuộc vào các đường ống dẫn khí của Moscow. 40% nguồn cung khí của EU tới từ Nga.

Về phần mình, đến giữa tháng 6, Nga đã cắt nguồn cung khí đốt tới 4 nước EU vì từ chối thanh toán bằng đồng rúp theo yêu cầu của Nga.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tham vấn các nhà khai thác dầu của mình về khả năng tăng sản lượng. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng khẳng định việc tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát với mục tiêu không làm kinh tế suy thoái. Biện pháp này không ngay lập tức làm giảm chi phí năng lượng nhưng sẽ khiến kinh tế tăng trưởng chậm lại, dẫn tới việc lạm phát khó xảy ra hơn.

Tình trạng này liệu có kéo dài?

Tính tới thời điểm hiện tại, chưa dấu hiệu nào cho thấy xung đột Nga – Ukraine có thể tìm được giải pháp trong ngắn hạn. Việc thúc đẩy các nước xuất khẩu dầu mỏ gia tăng sản lượng cũng khó xảy ra. Việc Trung Quốc tiếp tục khống chế được các đợt bùng phát dịch khiến giá dầu toàn cầu tăng lên bởi Bắc Kinh là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Jamie Dimon, CEO JPMorgan Chase & Co., nói rằng giá dầu có thể chạm mức 150 đến 175 USD/thùng và ngân hàng này đang chuẩn bị cho một "cơn bão kinh tế".

So sánh cú sốc năng lượng hiện nay với quá khứ

Chúng ta hoàn toàn có thể so sánh những gì đang diễn ra với 2 cú sốc năng lượng nổi tiếng nhất lịch sử: Cuộc chiến Ả rập – Israel năm 1973 (khi các nước xuất khẩu dầu ở Trung Đông từ chối bán cho các nước ủng hộ Israel) và cuộc cách mạng ở Iran 6 năm sau đó khiến 7% nguồn cung dầu thô toàn cầu bị gián đoạn.

Tuy nhiên, có những khác biệt. Tăng trưởng kinh tế hiện nay không gắn chặt với dầu mỏ như những năm 1970. Cải tiến công nghệ giúp sản phẩm được tạo ra với ít năng lượng hơn so với vài thập kỷ trước. Dầu đá phiến cũng đã đưa Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới, tạo điều kiện cho nước Mỹ tiến gần hơn tới độc lập năng lượng mà nước này đã theo đuổi sau cú sốc xăng dầu những năm 1970.

Dẫu vậy, khủng hoảng vẫn là lời nhắc nhở với thế giới rằng nhân loại vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch. Ngay cả khi năng lượng xanh được chú trọng, con người vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng này trong nhiều thập kỷ tiếp theo.

Tham khảo: Bloomberg