Đầu tư công phải có trọng tâm, không dàn trải

23/02/2023 01:00 daidoanket.vn

Ngày 21/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng yêu cầu, lựa chọn đúng các điểm nghẽn, nút thắt để tập trung giải quyết, mang lại hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2022, tổng số vốn ngân sách nhà nước (NSNN) các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 551.378,271 tỷ đồng, đạt 95,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước đạt 94,8% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 99,9% kế hoạch).

Số vốn NSNN còn lại chưa phân bổ là 28.668,563 tỷ đồng (bằng 4,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), chủ yếu là vốn cân đối ngân sách địa phương.

Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN đến ngày 31/1/2023 là 541.857,52 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 93,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11%) và một số năm gần đây nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% (khoảng 103 nghìn tỷ đồng) so với năm 2021. Trong đó có 8 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 40/51 bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (93,42%).

Về giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là 711.684,386 tỷ đồng. Trong đó, số vốn chưa phân bổ chi tiết là 4.640,188 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương.

Căn cứ số vốn 707.044,198 tỷ đồng đã được Quốc hội phân bổ chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn là 707.044,198 tỷ đồng, bằng 100% số vốn Quốc hội quyết nghị. Đến hết ngày 17/2/2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho danh mục nhiệm vụ đạt 84,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm

Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương 8 bộ, cơ quan Trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt từ 100% trở lên theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó có 7 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch. Còn nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 với tổng số tiền trên 28,6 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng phê bình các bộ, cơ quan, địa phương này, yêu cầu nghiêm túc phân tích nguyên nhân, kiểm điểm trách nhiệm, quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng cũng chỉ rõ tại một số nơi, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu còn thiếu quyết tâm, chưa sâu sát, cụ thể, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án. Kỷ luật, kỷ cương trong công tác triển khai kế hoạch đầu tư công còn chưa nghiêm. Phân cấp, phân quyền cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Nhấn mạnh đầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển, chúng ta đã dành dụm để có nguồn vốn thì đầu tư phải có hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tránh đầu tư xong lại triệt tiêu nguồn lực phải đi kiểm điểm, xử lý, Thủ tướng yêu cầu đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, bám sát, nhận diện và đánh giá đúng, trúng tình hình; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cả về thể chế, cơ chế, chính sách, trên nguyên tắc cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ, trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo cấp trên trực tiếp.

Tháo gỡ các nút thắt về pháp lý

Thủ tướng đề nghị, các cấp, các ngành, địa phương tập trung rà soát, phát hiện, xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, chủ động xử lý, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên trực tiếp. Trong đó, lựa chọn đúng các điểm nghẽn, nút thắt để tập trung giải quyết, bảo đảm trọng tâm, trong điểm, mang lại hiệu quả, tác động lớn.

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm sự linh hoạt, chủ động trong điều hành kế hoạch gắn chỉ đạo với kiểm tra, đôn đốc.

Thủ tướng lưu ý, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, quý. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công. Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện. Bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao trong năm 2023.

“Người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, rà soát các dự án, nhất là các dự án khởi công mới. Kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu ra của từng dự án” - Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin về quản lý đầu tư công như theo dõi, giám sát triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, dự án trọng điểm; thẩm định dự án đầu tư, kiểm soát chi. Đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công; hoàn thiện ngay thủ tục thanh toán khi có khối lượng được nghiệm thu, xử lý nghiêm trường hợp không tuân thủ quy trình giải ngân, gây khó khăn cho đơn vị khi làm thủ tục thanh toán.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ các thông tin, dữ liệu giải ngân về đầu tư công và thông tin, dữ liệu các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia theo thời gian thực để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Liên quan đến triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, Thủ tướng phân công Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc. Ngân hàng Nhà nước khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 31/2022/NĐ-CP trong quý I để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng phân công Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì trình Chính phủ sửa đổi ngay Nghị định 27/2022 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Cần khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia có vai trò, ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, góp phần tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông, giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội…; bảo đảm an ninh quốc phòng; giải quyết việc làm, tăng cường an sinh xã hội; tạo động lực mới, không gian phát triển mới, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường kết nối địa phương, kết nối vùng; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững… - Thủ tướng nhấn mạnh.