Đánh giá tỷ lệ giữa GDP sức mua với GDP danh nghĩa: Vì sao Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ lớn hơn 3?

16/09/2021 08:53 toquoc.vn

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê hồi đầu năm 2021, nếu tổng sản phẩm trong nước năm nay tăng trưởng được 6% thì quy mô của nền kinh tế Việt Nam sẽ cán mốc 500 tỷ USD.

Đến nay, trong 6 tháng đầu năm, GDP tăng 5,64%. Như vậy, theo mục tiêu trên, tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm 2021 phải đạt trên 7% GDP.

Đánh giá tỷ lệ giữa GDP sức mua với GDP danh nghĩa: Vì sao Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ lớn hơn 3? - Ảnh 1.
 

Quy mô kinh tế Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD.

Trong khi đó, theo đánh giá IMF, nếu tính theo sức mua tương đương, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 1,05 nghìn tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt trên 10 nghìn USD.

Theo đó, tỷ lệ giữa GDP sức mua với GDP danh nghĩa năm 2020 của Việt Nam đang là 3,106.

Một điểm cần lưu ý, GDP danh nghĩa chỉ phản ảnh mức độ tăng giá của các sản phẩm, dịch vụ so với năm gốc, chứ không phản ánh được số lượng hàng hóa và dịch vụ tăng lên.

Ví dụ, năm 2020, A bán được 10 cái áo giá 1.000.000 đồng. Sang năm 2021, A bán 10 cái áo được 1.500.000 đồng. Như vậy so với năm ngoái, A có thêm 500.000 đồng, nhưng số áo bán ra vẫn giữ nguyên.

Đánh giá tỷ lệ giữa GDP sức mua với GDP danh nghĩa: Vì sao Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ lớn hơn 3? - Ảnh 2.

Dữ liệu: IMF

Còn GDP theo sức mua (PPP) liên quan đến việc tính tỷ giá hối đoái giữa đơn vị tiền tệ của hai nước.

Tức là, cùng một lượng hàng hóa của một loại hàng hoá, khi bán ở hai nước khác nhau bằng đơn vị tiền tệ của hai nước đó thì số tiền phải bỏ ra ra sao, rồi từ đó so sánh sức mua của hai đơn vị tiền tệ.

GDP PPP là rất quan trọng khi tính toán về tiêu chuẩn sống tại một quốc gia.

Ví dụ, 1 USD ở Ấn Độ có thể mua được số hàng hóa tương đương 4 USD ở Nhật Bản. Hay cùng với thu nhập 1.000 USD/tháng, một người có thể sẽ không đủ chi tiêu khi sống ở các nước có mức giá hàng hóa cao như Nhật Bản, nhưng nếu ở Ấn Độ thì họ lại được coi là dư dả.

Trên thế giới, tại các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, tỷ lệ giữa GDP sức mua với GDP danh nghĩa thường cao hơn so với các nước phát triển.

Trong 20 nước giàu nhất thế giới, không có nền kinh tế nào có tỷ lệ GDP PPP/ GDP danh nghĩa lớn hơn 2.

Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ số lớn hơn 3. Tại Myanmar, con số này là 3,4; với Ấn Độ là 3,288; hay như Indonesia là 3,117. Sudan là nước có tỷ lệ này lớn nhất, đạt 5,28.

Vậy tại sao, tỷ lệ này ở Việt Nam lại gần gấp đôi so với trung bình thế giới (1,557)?

Đầu tiên, nếu xét về tỷ giá VND/USD, hơn một thập kỷ qua con số này vẫn ổn định, trong khoảng từ 22.000-23.000 đồng/USD.

Thứ hai, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam cũng tăng liên tục trong thời gian qua.

Trong khi đó, sức mua có quan hệ tỷ lệ nghịch với CPI. Vậy yếu tố này cũng không phải là nguyên nhân khiến GDP PPP/ GDP danh nghĩa Việt Nam cao.

Đánh giá tỷ lệ giữa GDP sức mua với GDP danh nghĩa: Vì sao Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ lớn hơn 3? - Ảnh 3.
 
Đánh giá tỷ lệ giữa GDP sức mua với GDP danh nghĩa: Vì sao Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ lớn hơn 3? - Ảnh 4.

CPI giai đoạn 2012-2020. Nguồn: Trading Economics.

Trên thực tế, sở dĩ Tổng cục Thống kê cuối 2020 chỉ công bố tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, không có số liệu cụ thể GDP là do năm 2019 và nhiều năm trước đó công bố GDP rồi lại công bố số liệu GDP đã đánh giá lại, với độ chênh lệch rất cao.

Năm 2010, độ chênh lệch là 27%, 2011 là 27,33%, 2012 là 25,53%, hay đến 2018 là 25,2%, 2019 là 26,79%, khả năng năm 2020 là 24,2%.

Đây cũng có thể là một yếu tố ảnh hưởng đến GDP PPP/ GDP danh nghĩa Việt Nam. Năm 2019 GDP khoảng 262 tỷ USD, đánh giá lại khoảng 332 tỷ USD.

Trước đó, theo đại học Fullbright, GDP Việt Nam được tính lại có thể cao hơn so với hiện tại trong khoảng 25-30%.

Nếu cao hơn mức 25% thì GDP Việt Nam năm 2020 sẽ ở mức khoảng 425 tỷ USD, còn nếu cao hơn 30% thì sẽ là 442 tỷ USD. Trung bình vào khoảng 433 tỷ USD.

Còn giả sử theo tỷ số bình quân của toàn cầu về GDP PPP/GDP danh nghĩa là 1,557, thì GDP Việt Nam năm 2020 có thể ở mức gần 530 tỷ USD.

Như vậy, nếu căn cứ theo kết quả đánh giá lại của nền kinh tế giai đoạn 2010-2017, quy mô GDP Việt Nam đến cuối năm 2019 đã vượt ngưỡng 300 tỷ USD, năm 2020 có thể cũng đã vượt ngưỡng 500 tỷ USD.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tính toán lại các kịch bản tăng trưởng, dự báo GDP năm nay có thể tăng 3,5-4% với điều kiện kiểm soát tốt dịch bệnh trong tháng 9.

Như vậy, nếu theo tính toán của Tổng cục Thống kê trong việc tính lại GDP mà Thủ tướng đã giao nhiệm vụ, mục tiêu tăng trưởng được 6%, hay quy mô của nền kinh tế Việt Nam cán mốc 500 tỷ USD vẫn còn phải xem xét tình hình trong thời gian tới.