Cú sập lịch sử của đồng yên sẽ viết lại sách lược tiền tệ toàn cầu

29/04/2022 08:28 toquoc.vn

Đồng yên Nhật "tụt dốc không phanh"

Trong 7 tuần qua, đồng yên đã giảm hơn 10% so với đồng USD, điều khiến các nhà hoạch định chính sách thực sự lo lắng. Nó tiềm ẩn nguy cơ gây ra lạm phát cũng như khiến Chính phủ Nhật Bản đứng trước những áp lực to lớn khi giá cả mọi thứ đều tăng cao.

Điều này đang gây ra những vấn đề với thị trường tài chính Nhật Bản. Các công ty đã phải cắt giảm doanh số bán trái phiếu bằng đồng yên mà họ phụ thuộc vào để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh.

Lợi nhuận mà các cổ phiếu được niêm yết tại Tokyo mang lại cho các nhà đầu tư quốc tế cũng suy giảm mạnh khi chúng được quy đổi sang đồng USD.

Cú bán tháo của đồng yên bắt đầu ngày 10/3 khi Mỹ ghi nhận lạm phát cao nhất 40 năm. Nó làm tăng kỳ vọng về việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng mạnh lãi suất. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản không thay đổi chính sách của mình.

Giá đồng yên đang giảm mạnh so với đồng USD.

Đồng yên tiếp tục giảm trong ngày 28/4 và phá thủng mốc 130 yên đổi 1 USD, vốn được coi là quan trọng, sau khi Thống đốc Haruhiko Kuroda công bố những chính sách tiền tệ ôn hòa để giữ lợi suất trái phiếu nằm trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, rõ ràng những tác động từ bên ngoài, đặc biệt là khác biệt về lãi suất, đã tác động mạnh tới đồng tiền của Nhật Bản. Khi FED bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất cuối năm 2018, đồng yên không hứng chịu mức giảm như hiện nay.

Cùng với xung đột Nga – Ukraine, sự sụt giảm của đồng yên khiến các nhà quản lý quỹ toàn cầu phải đặt câu hỏi khi lâu nay họ vẫn coi đây là "thiên đường trú ẩn" mỗi khi xuất hiện biến cố.

Nếu họ tin rằng vị thế của đồng yên đang dần mất đi, tiền sẽ đổ về Bắc Mỹ, châu Âu hay Trung Quốc khi các cuộc khủng hoảng khác xảy ra trong tương lai.

Áp lực lên nền kinh tế lớn thứ 2 châu Á

Taku Ito, giám đốc quỹ tại Nissay Asset Management Corp, cho biết: "Những gì đôi khi có vẻ là một động thái ngắn hạn có thể báo hiệu một xu hướng lớn hơn. Mọi người đang nói rằng đồng yên rơi vì sự khác biệt về lãi suất. Tuy nhiên, nó có thể phản ánh rằng nền kinh tế Nhật Bản đang yếu đi".

Xung đột ở Ukraine và tác động của đại dịch Covid-19 gây thêm áp lực lên Nhật Bản, khiến nền kinh tế phải vật lộn để lấy lại "sức sống" mặc dù Abenomics (học thuyết kinh tế gắn liền với cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe) đã được thực thi trong gần một thập kỷ.

GDP thực tế của Nhật Bản sẽ tăng 2% trong năm nay nhưng bắt đầu giảm vào năm 2023. Người ta ước đoán tăng trưởng GDP của Nhật có thể chỉ đạt 0,8% trong năm 2024.

Và trong khi lạm phát giá tiêu dùng có thể nhanh chóng đạt 2% vào một thời điểm nào đó trong năm nay, nó hoàn toàn nằm ngoài dự tính của BOJ. Ngân hàng trung ương này cho rằng lạm phát mức đó chỉ có thể xảy vào tháng 3/2025.

 

Chi phí lương thực và năng lượng tăng cao đã đẩy Nhật Bản vào tình cảnh thâm hụt thương mại trong 8 tháng liên tiếp. Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng lên 1,2% trong thang trước trong khi thước đó chi phí thực phẩm và năng lượng giảm 0,7%.

Từ bia Đức, thị bò Mỹ và cá hồi Na Uy..., các doanh nghiệp Nhật Bản dựa vào thực phẩm nhập khẩu đang cảm nhận rõ ràng lạm phát tăng cao khi đồng yên chạm mức thấp nhất 20 năm so với đồng USD. Những người tiêu dùng, vốn đang chờ đợi lương tăng, sẽ không sẵn sàng trả giá nhiều hơn. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thì đang chờ nhu cầu trong nước tăng lên và các doanh nghiệp phục vụ thị trường Nhật Bản đang mắc kẹt ở giữa.

Trong khi đó, các nhà xuất khẩu như Toyota Motor Corp đang phải đối mặt với chi phí nguyên liệu thô tăng cao. Trong khi đó, họ lại thu được ít lợi nhuận hơn so với trước đây vì đồng yên mất giá. Các doanh nghiệp Nhật Bản đang phải tăng cường nỗ lực xuất khẩu khi dân số nước ngày ngày càng thu hẹp.

Takatoshi Ito, một giáo sư Đại học Columbia, cho biết: "Nền kinh tế yếu kém có nghĩa là tiền đầu tư nước ngoài sẽ không chảy vào Nhật Bản và các công ty Nhật Bản sẽ không đầu tư tại thị trường nội địa".

Đánh giá của ông Takatoshi cũng giúp giải thích lý do tại sao Nhật Bản không can thiệp thị trường để ngăn chặn đà sụt giảm của đồng yên bằng cách bán dự trữ ngoại hối bằng đồng USD. Đó cũng là lý do tại sao Nhật Bản khó có thể trông đợi sự hỗ trợ từ các đối tác thương mại.

Mặc dù có 1,4 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối, chỉ xếp sau Trung Quốc, nhưng các nhà hoạch định chính sách lại không thể đưa ra các động thái can thiệp ngoài lời nói.

Nhà kinh tế Yuki Masujima của Bloomberg nhận định: "Nhật Bản không còn là nền kinh tế số 1 châu Á và một thập kỷ đã trôi qua kể từ khi Trung Quốc soán ngôi.

Chính phủ mới của Thủ tướng Fumio Kishida cần phải thực hiện những nỗ lực phi thường nhằm cải cách sâu rộng Nhật Bản để có thể nâng cao tiềm năng tăng trưởng và hồi sinh đồng yên như một hầm trú ấn an toàn bền vững".