CPI tháng giáp Tết Nguyên đán tăng 1,94% so với cùng kỳ

29/01/2022 14:04 toquoc.vn

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2022 của Tổng cục Thống kê cho biết, do đây là tháng giáp Tết Nguyên đán nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao; giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới, dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 0,19% so với tháng trước và tăng 1,94% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 1/2022 tăng 0,26% so với tháng trước, tăng 0,66% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong mức tăng 0,19% của CPI tháng 1/2022 so với tháng trước có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 1 nhóm hàng giữ giá ổn định.

Trong 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 1,18% (làm CPI chung tăng 0,11 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu. 

Tiếp đến là nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,57%. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng trong dịp Tết khiến giá rượu bia tăng 0,76%; đồ uống không cồn tăng 0,27%; thuốc hút tăng 0,47%.

Tương tự, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,26% do nhu cầu của người tiêu dùng trong việc mua sắm quần áo chuẩn bị Tết Nguyên đán.

Tốc độ tăng/giảm CPI của tháng 01 các năm giai đoạn 2018-2022 (%). Nguồn: GSO.

Ngoài ra, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,18%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,16%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,07% do giá sắt thép, xi măng tăng và nhu cầu sửa chữa, trang hoàng nhà cửa đón Tết Nguyên đán tăng; nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục có cùng mức tăng 0,03%.

Riêng nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,39% do giá nhóm đồ trang sức tăng 0,93% theo giá vàng trong nước; dịch vụ cắt tóc gội đầu tăng 1,22%; giá các vật dụng, dịch vụ về cưới hỏi tăng 0,29% do đang vào mùa cưới; nhu cầu đồ thờ cúng vào dịp cuối năm tăng nên giá các mặt hàng này tăng 0,28%.

Tuy nhiên, trong tháng 1/2022, chỉ có duy nhất nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,03%. Bên cạnh đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giữ giá ổn định.

Trong đó, lương thực tăng 0,08% ; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,18% do giá xăng dầu, giá thực phẩm tươi sống, giá sữa, dầu ăn tăng khiến các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng giá bán.