Công bố kết quả đánh giá chuyển đổi số của các bộ, tỉnh năm 2021

10/08/2022 12:00 toquoc.vn
Biết mình đang ở đâu để có những kế hoạch, giải pháp phù hợp

Ngày 8/8, tại phiên họp thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 (DTI 2021).

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, báo cáo DTI 2021 được chọn có chủ đề "Chuyển đổi số từng bước trưởng thành qua việc triển khai công nghệ phòng, chống dịch bệnh".

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, chuyển đổi số là hành trình dài, mỗi tổ chức, cá nhân phải biết mình đang ở đâu để có những kế hoạch, giải pháp phù hợp với định hướng phát triển, nhu cầu và điều kiện thực tế. Để giúp các bộ, ngành, địa phương đánh giá mức độ chuyển đổi số của mình, Bộ Thông tin và Truyền thôngđã ban hành bộ chỉ số và định kỳ hàng năm thực hiện đánh giá, công bố kết quả.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp thứ ba của Ủy ban. (Ảnh: Nhật Bắc)

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, giá trị DTI 2021 của cấp bộ cung cấp dịch vụ công là cao nhất, tiếp đến là cấp tỉnh và cấp bộ không cung cấp dịch vụ công. Trong đó, giá trị trung bình DTI 2021 cấp tỉnh là 0,4014, tăng tới 32,7% so với năm 2020; cấp bộ cung cấp dịch vụ công là 0,4595, tăng 15,4% so với năm 2020.

Giá trị trung bình DTI 2021 cấp bộ không cung cấp dịch vụ công là 0,2151, giảm nhẹ so với năm 2020.

Lý do là năm 2021 có thêm 2 cơ quan lần đầu tiên tham gia đánh giá DTI là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đây là các cơ quan mới ở giai đoạn bắt đầu chuyển đổi số.

Theo báo cáo vừa được công bố, có 12/89 bộ, tỉnh tham gia đánh giá có giá trị DTI 2021 đạt từ mức 0,5 trở lên, chiếm 13,48%. Kết quả này phản ánh quá trình chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương năm 2021 vẫn ở giai đoạn đầu, chưa có sự bứt phá lớn.

Kết quả đánh giá với từng nhóm đối tượng cho thấy, trong 17 bộ, ngành cung cấp dịch vụ công, Bộ Tài chính duy trì vị trí đứng đầu, với giá trị 0,6321, tăng 0,13 so với so với năm 2020.

Bộ Kế hoạch và đầu tư và Bảo hiểm xã hội Việt Nam mỗi cơ quan cùng tăng 1 bậc, vươn lên xếp vị trí thứ 2 và thứ 3 trên bảng xếp hạng.

Bảy vị trí tiếp theo trong top 10 lần lượt thuộc về các bộ, ngành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ.

Công bố kết quả đánh giá chuyển đổi số của các bộ, tỉnh năm 2021 - Ảnh 2.

Xếp hạng DTI 2021 của các bộ cung cấp dịch vụ công.

Đối với 9 bộ, ngành không có dịch vụ công, với việc đạt giá trị DTI 2021 là 0,4736, tăng 66,29% so với năm 2020, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam đã vươn lên vị trí dẫn đầu, tăng 2 bậc so với kết quả đạt được trong kỳ đánh giá đầu tiên. Hai vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Đài Truyền hình Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam.

Với nhóm các tỉnh, thành phố, 2 vị trí dẫn đầu vẫn thuộc về Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, với giá trị DTI 2021 của 2 địa phương đạt được là 0,6419 và 0,5872, tăng lần lượt 0,1545 và 0,1775 so với năm 2020.

Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng thêm 2 bậc so với năm 2020, vượt lên xếp thứ 3 trên toàn quốc. Các vị trí tiếp theo trong Top 10 địa phương dẫn đầu về DTI 2021 gồm: Bắc Ninh, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bình Phước và Bắc Giang.

Từ kết quả đánh giá DTI 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, chỉ số trung bình DTI của các bộ, tỉnh còn thấp, do đó đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt dành nguồn lực chuyển đổi số để đạt được những mục tiêu đến năm 2025.

Các bộ, ngành, địa phương cũng được khuyến nghị cần theo dõi sát sao mức độ chuyển đổi số của mình qua đánh giá DTI hằng năm để có những giải pháp thúc đẩy phù hợp, khắc phục hạn chế, không chạy theo phong trào.

Căn cứ DTI cấp bộ, cấp tỉnh, các bộ, ngành, địa phương có thể xây dựng DTI các cấp trực thuộc để có thể theo dõi, đánh giá DTI các cấp quản lý của mình từ đó có đôn đốc, thúc đẩy kịp thời.

Nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến tương đối rõ

Cũng tại phiên họp thứ ba của của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông và các ý kiến tại phiên họp đã tập trung phân tích, đánh giá về tình hình chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm 2022, những kết quả đạt được, nhận diện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và chỉ ra nguyên nhân cũng như đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, các kiến nghị, đề xuất để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số thời gian tới.

Về những kết quả đạt được, các ý kiến cho rằng, nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến tương đối rõ ở các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu.

Từ chuyển đổi nhận thức dẫn đến hành động mạnh mẽ hơn, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch của chính quyền 5 năm và hằng năm về chuyển đổi số; Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của toàn bộ 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương được thành lập và đi vào hoạt động.

Việc chuyển đổi các hoạt động quản lý Nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển từ văn bản giấy sang môi trường số được đẩy mạnh và đạt kết quả bước đầu rất đáng trân trọng; nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực được đưa ra phục vụ kịp thời, hiệu quả người dân, doanh nghiệp.

Các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai. Bộ Công an đã tích cực, phối hợp với các bộ, ngành triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư; từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số.

Cấu trúc DTI 2021.

Về phát triển kinh tế số, xã hội số, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP tiếp tục tăng; nhiều doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số.

Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đến hết 6 tháng đầu năm ước tính là 10,41%. Tỷ trọng này năm 2021 ước tính là 9,6%.

Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 20%. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 67.300 doanh nghiệp, tăng gần 3.500 doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỉ lệ 0,69 doanh nghiệp trên 1.000 dân.

Thuế điện tử, hóa đơn điện tử được phổ cập. Tỉ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99%.

Người dân tích cực sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công quốc gia trong các hoạt động kinh tế, xã hội.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 76% về số lượng và 30,6% về giá trị so với cùng kỳ 2021, trong đó mức độ tăng trưởng ấn tượng nhất là qua điện thoại di động (tăng 99,1% về số lượng và 86,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021) và QRCode (tăng 68,9% về số lượng và 113,2% về giá trị).

Đặc biệt, một số chỉ tiêu trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 đã sớm đạt mục tiêu đề ra như tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử là 100%, đạt mục tiêu đề ra; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ là 11,27%, vượt mục tiêu đề ra là 7%; tỉ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán là 66%, vượt mục tiêu đề ra là 65%./.