Cổ phiếu vua trở lại

11/12/2020 06:09 toquoc.vn

Ngày 9/12, cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu chính thức giao dịch trên sàn GDCK TP.HCM, đánh dấu cổ phiếu ngân hàng thứ ba chuyển sàn trong năm nay, bên cạnh LPB của LienVietPost Bank và VIB của NHTM cổ phần quốc tế Việt Nam. Cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội cũng đang chờ thủ tục chuyển sàn. 

Chỉ tính riêng trong năm nay, ngoài 4 cổ phiếu chuyển từ sàn Hà Nội và Upcom sang HoSE, thị trường có thêm 2 cổ phiếu ngân hàng giao dịch là BVB của Ngân hàng TMCP Bản Việt và NAB của Ngân hàng TMCP Nam Á.

"Sóng chuyển sàn" và "sóng chia cổ tức" đã tác động đến nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm 2020 khiến nhiều cổ phiếu bật tăng mạnh mẽ.

Bốn cổ phiếu chuyển sàn trong năm nay là ACB, VIB, LPB và SHB đều nằm trong top 5 cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất năm. SHB tăng gấp 3 lần so với cuối năm 2019 và tăng 42% so với đáy cuối tháng 3, hiện đang giao dịch ở vùng 17.400 đồng/cp, VIB tăng 163% so với đáy và tăng 130% từ đầu năm, giao dịch ở mức giá 32.200 đồng/cp, LPB tăng gấp đôi từ đáy và tăng 94% so với đầu năm, ACB tăng 92,5% so với đáy và tăng 63% so với đầu năm.

Cổ phiếu vua trở lại - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng năm 2020 (*) Cổ phiếu đã chia cổ tức trong năm, (**) Cổ phiếu mới lên sàn

Có nhiều lí do để thị trường kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu vua khi chuyển sàn, đó có thể là một bước nhảy để các cổ phiếu này có thể được thêm vào các rổ chỉ số của sàn HoSE. Hiện nay, có 2 rổ chỉ số trên HOSE được các quỹ ETF sử dụng làm cơ sở để giao dịch là danh mục Vn30 và chỉ số Diamond, các cổ phiếu trong VN30 cũng làm cơ sở cho chỉ số hợp đồng tương lai phái sinh. Các quỹ ETF nội hiện nay đã có quy mô hàng nghìn tỷ đồng, không kém các quỹ ETF ngoại nên giao dịch trên HoSE khá sôi động, trong khi đó, các cổ phiếu trên sàn Hà Nội lại khá im ắng. Do đó các thông tin chuyển sàn giống như một "cú hích" khiến các nhà đầu tư kỳ vọng khả năng các cổ phiếu ngân hàng có thể được thêm vào các rổ chỉ số. Như ACB có thể được thêm vào rổ VN30 sau khi đủ thời gian niêm yết và rổ Diamond. 

Mới đây, SSI và VNDS dự báo cho kỳ tái cơ cấu danh mục của MVIS Vietnam Index. Nhóm phân tích dự báo SHB sẽ là cổ phiếu duy nhất được thêm vào trong kỳ này. Với tỷ trọng ước tính 3,21%, quỹ V.N.M ETF (quy mô 411 triệu USD) có thể mua vào khoảng 18 triệu cổ phiếu SHB.

Trong khi đó, các "ông lớn" trên sàn như Vietinbank, BIDV và Vietcombank năm nay có diễn biến trái chiều. BIDV vẫn giảm so với đầu năm, VCB gần như đi ngang trong khi cổ phiếu CTG của Vietinbank tăng gấp đôi so với đáy và tăng 65% so với đầu năm. Câu chuyện chia cổ tức "gộp" của 3 năm 2017-2019 với tỷ lệ chia cổ phiếu 29% và chia bằng tiền mặt 5% và KQKD 9 tháng lãi hơn 10.000 tỷ đồng đã khiến cổ phiếu CTG trở thành một trong các cổ phiếu ngân hàng "hot" nhất năm 2020. 

Kết quả kinh doanh khả quan mặc dù nợ xấu tăng 

Theo báo cáo của SSI Research, kết quả kinh doanh của 13 ngân hàng đang giao dịch trên TTCK là đáng khích lệ trong Q3/2020 với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 29,7 nghìn tỷ đồng (+6,6% so với cùng kỳ). Thoạt nhìn, kết quả này có vẻ tương đối thấp so với mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ấn tượng của Q2/2020 (+24,6% so với cùng kỳ). 

Trên thực tế, mức sụt giảm -21% lợi nhuận trước thuế của VCB trong Q3 đã tác động tiêu cực đến kết quả chung của toàn ngành. Nếu loại trừ VCB, lợi nhuận trước thuế được cải thiện ở mức +14,7% so với cùng kỳ trong Q3/2020 do tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng mạnh (+14% so với cùng kỳ) và sự gia tăng thấp hơn của chi phí dự phòng (+5,7% so với cùng kỳ) và chi phí hoạt động (+10% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, đáng chú ý là mức trích lập dự phòng khác biệt đáng kể giữa SOCB (ngân hàng thương mại nhà nước -NHTMNN) và JSCB (ngân hàng thương mại cổ phần -NHTMCP). Trong khi VCB và CTG có mức trích lập dự phòng tăng từ 35% -39%, thì JSCBs lại giảm -10,7% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9T2020, lợi nhuận trước thuế của 13 NHTM đạt 86,2 nghìn tỷ đồng (+11% so với cùng kỳ). Mặc dù tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mức tăng lợi nhuận trước thuế là 26,9% của cùng kỳ năm 2019, hoạt động của ngành vẫn vượt trội so với các ngành khác. NHTMCP là động lực chính của lợi nhuận trước thuế trong Q3/2020. Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng tư nhân tăng 18,6% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận trước thuế của các NHTMNN chỉ tăng +0,9% so với cùng kỳ.

Theo SSI, Lãi suất huy động tiếp tục giảm trong Q3/2020, giảm 50-175 bps ở tất cả các kỳ hạn, nâng tổng mức giảm trong 9T2020 là 150-250 bps. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng tăng trong toàn ngành (ngoại trừ VIB). Tỷ lệ CASA bình quân của 13 ngân hàng đạt 20,9% (tại ngày 30/9/2020) từ 19,5% (tại ngày 30/6/2020), đây là mức cao nhất trong ba năm qua. Do đó, chi phí vốn đã giảm -24 bps trong Q3/2020, lũy kế giảm -37 bps trong 9T2020.

Tỷ lệ chênh lệch giữa lợi suất tài sản và chi phí vốn nới rộng và tăng trưởng tín dụng khởi sắc đã giúp NIM bình quân trong Q3/2020 đạt mức 3,67%, tăng 39 bps so với quý trước - mức NIM cao nhất được ghi nhận trong 12 quý liên tiếp gần đây.

Ngoại trừ TCB có tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 0,6%, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại khác đều tăng từ 0,2% -0,7%; Tổng nợ xấu tại ngày 30/9/2020 là 91,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với quý trước.

Theo đánh giá của SSI, triển vọng chung của ngành ngân hàng tốt hơn so với ước tính trước đây do ít bị ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ 2 của dịch Covid-19, do đó, SSI điều chỉnh tăng ước tính lợi nhuận trước thuế cho các ngân hàng nghiên cứu lên +9,2% và +10,5% cho năm 2020 và 2021, tương ứng đạt 110,7 nghìn tỷ đồng (+2,7% so với cùng kỳ) và 129,3 nghìn tỷ đồng (+16,8% so với cùng kỳ). SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế của các NHTMNN giảm -6,2% trong năm 2020, và sau đó phục hồi +21,8% trong năm 2021. Trong khi đó, ước tính lợi nhuận trước thuế của các NHTMCP sẽ tăng trưởng + 9,3% trong năm 2020 và tăng +13,7% trong năm 2021. Do đó, SSI đánh giá KHẢ QUAN đối với ngành ngân hàng trong năm 2021. Các yếu tố hỗ trợ tích cực liên quan đến cổ tức bằng cổ phiếu cũng sẽ hỗ trợ tăng giá của cổ phiếu ngân hàng trong Q4/2020.