Cổ phiếu Vinamilk (VNM) ngừng rơi, thành viên SCIC muốn tranh thủ “bắt đáy”

31/03/2022 10:25 toquoc.vn

Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư SCIC (SIC) vừa đăng ký mua vào 200.000 cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) với mục đích đầu tư tài chính. Giao dịch dự kiến thực hiện thông qua phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận từ ngày 1/4 đến 29/4/2022.

Nếu thành công, SIC sẽ nâng sở hữu tại doanh nghiệp đầu ngành sữa lên 1,1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 0,53%). Trong khi đó, công ty mẹ của SIC là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hiện là cổ đông lớn nhất của Vinamilk nắm quyền phủ quyết với 36% cổ phần.

Động thái đăng ký mua vào của thành viên SCIC diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu VNM vừa được "cầm máu" sau thời gian dài miệt mài dò đáy. Cổ phiếu này tăng gần 3% và là một trong những cái tên đóng góp lớn nhất vào VN-Index phiên ngày 29/3.

Dù vậy, mức thị giá 75.500 đồng/cổ phiếu vẫn còn thấp hơn 11% so với đầu năm 2022. Nếu so với đỉnh 3 năm đạt được vào giữa tháng 1/2021, VNM đã giảm hơn 30% thị giá. Vốn hóa thị trường tương ứng lùi xuống còn xấp xỉ 158.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu VNM ngừng dò đáy

Năm 2022, Vinamilk dự kiến nới rộng thị phần thêm 0,5% lên 56% năm 2022 và tổng doanh thu cũng tăng nhẹ gần 5% lên 64.070 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế (LNTT) dự kiến chỉ ở mức 12.000 tỷ đồng, giảm hơn 7% so với kết quả đạt được năm 2021. Nếu không thể vượt kế hoạch, đây sẽ là năm thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp đầu ngành sữa tăng trưởng lợi nhuận âm.

Mục tiêu đến năm 2026, Vinamilk kỳ vọng sẽ đạt 86.200 tỷ đồng tổng doanh thu và 16.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tăng trưởng kép giai đoạn 2021 - 2026 tương ứng ở mức 7,2% đối với doanh thu và 4,4% đối với lợi nhuận.

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhập khẩu sữa nguyên liệu có thể làm tăng chi phí đầu vào trong nửa cuối năm 2022 đối với các nhà sản xuất sữa Việt Nam là những công ty nhập khẩu lượng lớn sữa nguyên liệu như Vinamilk (VNM), IDP hay TH True Milk. 

Giá đường tăng cũng là một yếu tố quan trọng khác khiến chi phí đầu vào tăng vọt, kéo tỷ suất lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất sữa giảm. Dù vậy, Vinamilk được nhận định sẽ ít bị ảnh hưởng từ sự tăng giá đường hơn nhờ vào việc sở hữu một công ty mía đường.