Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục 'rực lửa' phiên 8/3

09/03/2022 07:36 toquoc.vn

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục diễn biến tiêu cực trong phiên giao dịch 8/3 khi không có mã nào đóng cửa trong sắc xanh. Kết phiên, cả 3 sàn ghi nhận 23 mã giảm và 4 mã đứng giá tham chiếu.

Sự lao dốc của nhóm ngân hàng là nguyên nhân chính khiến chỉ số thị trường chính VN-Index giảm sâu hơn 25 điểm, tương đương 1,69%.

Trước đó, nhóm 'cổ phiếu vua' cũng lao dốc mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần 7/3 với 20 mã đóng cửa trong sắc đỏ.

Đáng chú ý, cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn trong nhóm VN30 lại là những mã giảm sâu nhất trong ngày hôm nay.

Dẫn đầu về mức mất giá là 'ông lớn' VCB khi mã này giảm 4% xuống còn 81.500 đồng do áp lực bán của khối ngoại. Theo đó, nhà đầu nước ngoài đã bán ra gần 2,2 triệu cổ phiếu, chiếm gần 73% thanh khoản VCB ngày hôm nay.

Với mức vốn hóa lớn nhất thị trường, riêng VCB đã kéo VN-Index giảm hơn 4 điểm. Trước đó, cổ phiếu này đã liên tục giảm giá kể từ cuối tháng 1 với tổng mức mất giá đến nay đã lên tới gần 15%.

Không kém cạnh, MBB cũng mất 3,73% xuống còn 31.000 đồng/cp. Tính từ đầu tháng 3, MBB đã 'bốc hơi' gần 10% giá trị. Tương tự, ACB, STB và VPB cũng 'đỏ lửa' trong phiên hôm nay khi đều giảm trên dưới 2% do áp lực chốt lời mạnh của nhà đầu tư.

Trên thị trường UPCoM, PGB là mã ngân hàng giảm sâu nhất khi mất hơn 3,2%. Nhiều mã khác cũng lao dốc khá mạnh như KLB (-2,8%), NAB (-1,5%), ABB (-1,2%), BVB (-1%).

Theo đánh giá của giới phân tích, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã kích hoạt xu hướng bán tháo đối với cổ phiếu ngân hàng trên toàn cầu và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS), cho rằng ngoài tác động tâm lý từ thị trường quốc tế, ngành ngân hàng trong nước cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Cụ thể, căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến giá cả hàng hóa trên thị trường toàn cầu tăng cao đặc biệt là xăng, dầu; qua đó làm gia tăng áp lực lạm phát.

Trong bối cảnh lo ngại về lạm phát của người dân, các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất huy động trong khi lãi suất cho vay chưa thể tăng do tình hình sản xuất của các doanh nghiệp chưa phục hồi.

'Xu hướng giảm của cổ phiếu ngân hàng có thể đến từ lo ngại của nhà đầu tư đối với tỷ suất lời các nhà băng khi lạm phát có xu hướng gia tăng', ông Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, dù quan hệ với Nga là khá khiêm tốn so với quy mô nền kinh tế Việt Nam nhưng không thể phủ nhận những tác động tiêu cực.

Theo đó, ngân hàng nào có quan hệ giao dịch với Nga sẽ bị ảnh hưởng khi nước này chịu nhiều lệnh trừng phạt.

Trong thời gian tới, vị chuyên gia này lo ngại sự leo thang của xung đột giữa Nga – Ukraine và xu hướng thắt chắt tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tác động tiêu cực tới tâm lý thị trường nói chung và nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng.

Còn theo Chứng khoán Rồng Việt, các cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực bán trong giai đoạn cuối tháng 2 và đầu tháng 3 khi tình hình căng thẳng chính trị leo thang.

Yếu tố này tạo áp lực lên dòng vốn ngoại khi nhóm này quay đầu bán ròng mạnh trong tuần cuối tháng 2 với giá trị bán ròng là 395 tỷ trong khi đang duy trì đà mua ròng tốt với giá trị là 466 tỷ trong tuần thứ 2 và thứ 3 của tháng 2.

Điều này là không quá bất ngờ khi đi cùng với xu hướng chung của cổ phiếu ngân hàng ở các quốc gia phát triển.

Trong ngắn hạn, VDSC không nhận thấy tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực ngân hàng.

Các lệnh trừng phạt có thể ảnh hưởng đến các ngân hàng thực hiện các giao dịch Nga - Việt, chẳng hạn như hoạt động bảo lãnh và bảo lãnh phát hành.

Tuy nhiên, khả năng tiếp cận với Nga bị hạn chế, và tác động đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thông qua tài sản thế chấp sẽ giảm và do thu nhập từ bảo lãnh và thanh toán quốc tế vào tổng thu nhập hoạt động đóng góp thấp.

Thay vào đó, mối lo ngại của VDSC là lạm phát sẽ gây áp lực lên lãi suất huy động và chính sách lãi suất.

Tuy nhiên, theo quan điểm của nhóm phân tích, tốc độ và mức độ tăng lãi suất của Fed, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sẽ không có tác động đáng kể đến ngành ngân hàng Việt Nam, nhờ vào dòng vốn USD tốt.

‘’Chúng tôi tin tưởng vào sự hồi phục trong giá cổ phiếu của nhóm Ngân hàng khi câu chuyện tăng trưởng sẽ dần rõ nét hơn trong nửa cuối năm 2022 dưới góc độ dài hạn hơn', báo cáo VDSC viết.

Theo nhóm phân tích, tâm lý phòng vệ rủi ro có thể khiến giá cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực sụt giảm tạm thời về vùng hấp dẫn cho mục đích đầu tư trung – dài hạn.