Cổ phiếu công nghệ phố Wall liệu đã đến thời kỳ thoái trào?

11/06/2022 17:00 toquoc.vn

Các cổ phiếu công nghệ phố Wall đang ở trong chu kỳ khó khăn nhất sau hơn một thập kỷ. Một số nhà đầu tư, vốn ám ảnh bởi cuộc khủng hoảng dotcom hồi năm 2000, đang chuẩn bị tinh thần đón đầu những khoản lỗ lớn chưa từng có tiền lệ. 

Theo WSJ, tính đến phiên giao dịch ngày thứ Tư vừa qua, S&P 500 Information Sector về công nghệ đã mất 20% giá trị - một khởi đầu được cho là tồi tệ nhất kể từ năm 2002. Sự sụt giảm này khiến các nhà đầu tư hoảng loạn, sau đó vội bán tháo khối cổ phiếu công nghệ trị giá 7,6 tỷ USD tính đến hết tháng 4, theo dữ liệu mà Morningstar Direct thu thập được kể từ năm 1993. 

NHÀ ĐẦU TƯ THÁO CHẠY

Trong nhiều năm qua, cổ phiếu lĩnh vực Big Tech đã giúp thị trường phố Wall thiết lập nhiều kỷ lục. Sự hào hứng và phấn khích đối với mọi thứ, từ điện toán đám mây đến phần mềm và các trang mạng xã hội, đã tạo đà cho một đợt tăng trưởng nóng quy mô lớn. Thêm vào đó, các chính sách hỗ trợ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED kể từ khi đại dịch bùng phát cũng thúc đẩy sự thèm muốn dường như vô độ đối với các khoản đầu tư rủi ro cao.

Thế nhưng, sang năm nay, giới đầu tư toàn cầu đối mặt với một viễn cảnh hoàn toàn khác. Lợi suất trái phiếu kho bạc tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2018, trong khi giá trái phiếu cắm đầu lao dốc. Xu hướng đầu tư thiên về các giao dịch quyền chọn, SPAC hay tiền số khiến phố Wall chứng kiến một bước ngoặt. Chỉ có các cổ phiếu ngành năng lượng và hàng hóa là ghi nhận đà tăng trưởng.

Một số nhà đầu tư cho rằng kỷ nguyên thống trị của cổ phiếu công nghệ sắp kết thúc bởi mọi người đang có xu hướng chuyển sang đầu tư giá trị, tức mua vào với giá rẻ, sau đó đợi chúng sinh lời, chẳng hạn như Exxon Mobil, Coca Cola hay Altria Group.

“Đó thực sự là một sự thay đổi lớn trên toàn thị trường. Thật khó để chứng kiến tăng trưởng vượt trội như 5 năm trước đây”, Chris Covington, chuyên gia đầu tư tại AJO Vista nhận định. 

Đối với nhiều nhà đầu tư, việc đặt cược vào công nghệ và sự hỗn loạn kéo dài hàng tháng trên phố Wall cũng rủi ro không khác gì bong bóng dotcom hồi năm 2000, khi một loạt các doanh nghiệp phá sản theo hiệu ứng domino. Chỉ số Nasdaq Composite  đã giảm 80% giá trị chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 3/2000 đến tháng 10/2002. 

Trong năm nay, các cổ phiếu công nghệ riêng lẻ cũng ghi nhận đà sụt giảm lớn

Trong năm nay, các cổ phiếu công nghệ riêng lẻ cũng ghi nhận đà sụt giảm lớn khi hàng trăm tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường chỉ trong vài giờ ngắn ngủi. Ví dụ điển hình nhất là Snap khi cổ phiếu công ty công nghệ này mất tới 43% chỉ sau 1 phiên giao dịch duy nhất, mức lao dốc kỷ lục chưa từng có. Công ty fintech Affirm Holdings hay Coinbase Global cũng mất hơn nửa giá trị vốn hóa từ đầu năm 2022.

FAANG, bộ ngũ quyền lực của chứng khoán Mỹ, bao gồm Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Alphabet cũng không ngoại lệ. Đà sụt giảm đã rơi ở mức 2 con số, thậm chí sâu hơn cả rổ chỉ số S&P 500. 

Phía các nhà đầu tư theo đó phải suy xét lại chiến lược trong dài hạn. “Khi bong bóng vỡ, cổ phiếu sẽ không giảm xuống mức giá hợp lý đâu. Chúng sẽ có xu hướng tệ hơn nhiều”, Ben Inker, chuyên gia tại GMO ở Boston cho biết.

SỰ KỲ VỌNG 

Tuy nhiên, ngay cả khi bị bán tháo, cổ phiếu công nghệ vẫn chiếm 27% trong rổ chỉ số S&P 500 và dao động gần mức cao nhất kể từ bong bóng dotcom nổ tung, theo các chuyên gia của Bank of America. Họ cảnh báo giới đầu tư rằng vẫn còn quá sớm để bắt đáy các mã công nghệ.

Tất nhiên, kỷ nguyên hiện tại và thời điểm dotcom sụp đổ là không giống nhau. Định giá cổ phiếu công nghệ dù tăng phi mã song vẫn chưa chạm mốc bong bóng hồi tháng 3/2000. Lợi suất trái phiếu kho bạc dù tăng cao nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với con số kỷ lục trong lịch sử. Hiện lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đang dao động quanh mức 3%, trong khi hồi năm 2000 là khoảng 5%. 

Theo WSJ, FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay. Điều đó có nghĩa là lợi suất có thể sẽ tiếp tục tăng và gây thêm áp lực lên các cổ phiếu công nghệ do dòng tiền trở nên kém hấp dẫn. 

“Nếu lãi suất tiếp tục tăng, thị trường chứng khoán sẽ đi xuống”, ông Inker nói. "Nó phụ thuộc vào việc lãi suất thay đổi như thế nào".  

Trước đó, để giải quyết hồi chuông lạm phát ở mức báo động, FED quyết nâng lãi suất liên bang thêm 0,5 điểm phần trăm. Lãi suất cho vay áp dụng cho các ngân hàng trên toàn bang theo đó sẽ được nâng từ biên độ 0,25%-0,5% hiện nay lên 0,75%-1%.

“Lạm phát quá cao và chúng tôi hiểu những khó khăn mà lạm phát gây ra. Do đó, chúng tôi phải hành động khẩn trương”, Chủ tịch FED ông Jerome Powell nói. “Hạ cánh mềm tức là đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2% nhưng vẫn duy trì được sức mạnh cho thị trường lao động. Vì một số lý do, đây là nhiệm vụ vô cùng khó’’.

Microsoft, nhà sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới cũng đã hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận trong quý II/2022

Trước sự hoảng loạn của giới đầu tư, Bộ trưởng Tài chính Mỹ bà Janet Yellen đã lên tiếng trấn an và khẳng định FED có khả năng làm giảm lạm phát mà không đẩy nền kinh tế rơi vào rủi ro suy thoái. Nguyên do là bởi cơ quan này được hỗ trợ bởi một loạt yếu tố, bao gồm thị trường lao động tăng trưởng mạnh mẽ, chi tiêu hộ gia đình cân đối và tỷ lệ nợ thấp.

Mới đây nhất, Microsoft, nhà sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới cũng đã hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận trong quý II/2022, đồng thời cho biết việc đồng USD phục hồi là một trong những yếu tố khiến lợi nhuận tập đoàn lao dốc xuống mức 460 triệu USD. Thông báo khiến giới đầu tư khá bất ngờ, qua đó đẩy hợp đồng tương lai trên rổ Chỉ số S&P 500 lao dốc.

Theo Bloomberg, Chỉ số US Dollar Index đã tăng hơn 7% so với mức thấp nhất hồi tháng 1/2022. Tháng trước, chỉ số này cũng ghi nhận mức cao nhất sau 2 thập kỷ, qua đó đe dọa triển vọng kinh doanh của các tập đoàn công nghệ do chi phí bị đẩy cao.

“Việc đồng USD tăng giá sẽ là chủ đề được lặp đi lặp lại trong nhiều công ty phần mềm lớn, vì hơn ⅓ doanh số của họ đến từ thị trường nước ngoài”, Anurag Rana, nhà phân tích cấp cao của Bloomberg Intelligence cho biết.

Giao động của S&P 500 và S&P 500 information technology sector

Dù còn tồn tại nhiều bất lợi, song một số nhà đầu tư và chuyên gia phân tích vẫn nhận định rằng, kỷ nguyên thống trị của giới công nghệ vẫn chưa kết thúc. Nhiều tín hiệu đảo chiều cho thấy khoảng thời gian đen tối của lĩnh vực này sắp qua đi, theo Jay Kaeppel, một nhà phân tích tại Sundial Capital Research. 

“Mọi thứ không đi lên theo chiều thẳng đứng. Bạn không thể chỉ mua độc các mã công nghệ. Hãy đa dạng hóa danh mục”, ông David Eiswert, chuyên gia quản lý danh mục đầu tư tại T.Rowe Price nhận định, đồng thời cho biết một số cổ phiếu công nghệ như Amazon đang ở vùng giá khá hấp dẫn. Theo: WSJ, Bloomberg