Cổ phiếu 'bốc hơi' cùng cuộc đua 'đốt tiền' đè nặng biên lợi nhuận gộp, Viettel Post còn động lực để phục hồi?

27/05/2021 07:16 congluan.vn
 

 Cuộc chiến cạnh tranh “đốt tiền” gây áp lực lên biên lợi nhuận gộp

Trong bối cảnh thị trường chuyển phát nhanh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Tổng công ty Bưu chính Viettel – Công ty cổ phần (Viettel Post – mã CK: VTP) tiếp tục ghi nhận thêm một quý tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ của giá vốn cao hơn doanh thu.

Theo đó, biên lợi nhuận gộp quý I/2021 "tụt dốc" đáng kể từ 7,3% quý I/2020 xuống chỉ còn 3,7%.

Điều này khiến lãi ròng của Viettel Post chỉ tăng 12% lên gần 109 tỷ đồng trong khi doanh thu tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 5.158 tỷ đồng.

Tỷ suất lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 2,1% thấp hơn đáng kể so với con số 3,9% cùng kỳ năm ngoái.

Chart_Viettelpost

Trong năm 2020, thị trường chuyển phát của Việt Nam đã chứng kiến sự mở rộng mạnh mẽ của các doanh nghiệp chuyển phát có thể kể đến như Best Inc Việt Nam đầu tư 8 triệu USD để xây dựng trung tâm phân loại tự động tại thành phố Hồ Chí Minh, nhằm thiết lập mạng lưới chuyển phát trên toàn quốc với công suất 150.000 bưu kiện/ngày và sẽ tăng gấp đôi trong vòng 3 năm.

Bên cạnh đó, Bưu điện Việt Nam (VNPost) cũng đã tăng thêm hai trung tâm vận chuyển trong khu vực và tám trung tâm vận chuyển tại các tỉnh trọng điểm.

Ngoài ra, J&T Express, Best Express cũng khuấy động thị trường bằng cách đưa mô hình nhượng quyền vào thị trường chuyển phát với lợi thế mở rộng nhanh chóng với chi phí thấp hơn.

Để “giành giật” thị phần, các doanh nghiệp chuyển phát buộc phải lao vào cuộc chơi đốt tiền đầy tốn kém.

Các công ty đang trong giai đoạn mới đầu tư, sẵn sàng chịu thua lỗ để chiếm lấy thị phần.

Trong khi đó, hai doanh nghiệp trong nước bao gồm cả Viettel Post, đang mong muốn bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, cũng không muốn bị bỏ lại phía sau.

Nhiều chiến lược khác nhau để giành thị phần đã được triển khai và khiến phí dịch vụ chuyển phát trung bình giảm.

SSI Research nhận định không thể chắc chắn về thời điểm cạnh tranh về giá sẽ giảm bớt và mặt bằng giá trong năm 2021 và 2022 sẽ tiếp tục ở mức thấp hơn (8% GMV) cho toàn ngành.

Viettel Post cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi và việc điều chỉnh giảm giá cước thời gian qua đã khiến biên lãi gộp của doanh nghiệp này liên tục giảm trong 7 quý trước đó.

Mặc dù cắt được chuỗi giảm trong quý đầu năm 2021 tuy nhiên biên lãi gộp của Viettel Post vẫn ở mức thấp.

Cổ phiếu “bốc hơi” từ đỉnh

Vói kết quả kinh doanh chưa có sự đột phá cộng thêm cạnh tranh ngày càng gay gắt, không bất ngờ khi cổ phiếu VTP trở nên kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư trong nước cũng như khối ngoại.

Minh chứng rõ ràng là xu hướng giảm kéo dài suốt giai đoạn từ thời điểm đạt đỉnh giữa tháng 1 đến khi xuống đáy 1 năm vào đầu tháng 5.

Cùng với đó, VTP còn là tâm điểm bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn UpOM từ đầu năm 2021 đến nay với giá trị bán ròng lên đến hơn 500 tỷ đồng.

Cổ phiếu này đang có nhịp hồi tương đối khả quan từ vùng đáy tuy nhiên mức thị giá hiện tại (90.800 đồng/cổ phiếu) vẫn thấp hơn 22% so với đỉnh.

Thêm nữa, khả năng duy trì đà tăng vẫn còn bỏ ngỏ khi giá đi vào vùng kháng cự mạnh trong bối cảnh thiếu thông tin hỗ trợ thực sự có sức nặng.

Chart_viettelpost2

Mới đây, Viettel Post đã thông báo triển khai phương án chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt và cổ phiếu, tổng tỷ lệ thực hiện là 39,7%.

Trong đó, công ty dự chi gần 125 tỷ đồng trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% (1 cổ phiếu được nhận 1.500 đồng).

Bên cạnh đó, công ty sẽ phát hành hơn 20,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 24,7% qua đó nâng vốn điều lệ lên 1.036 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II-III năm nay.

Thực tế, thông tin này không phải mới và đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 thông qua trước đó.

Mặc dù đây vẫn là yếu tố có hiệu ứng tích cực trong ngắn hạn đối với VTP tuy nhiên sẽ rất khó để cổ phiếu này có thể lấy lại những gì đã mất nếu không có một động lực nào rõ ràng hơn.

Gia Nguyên