Cơ hội để nông sản bứt phá

22/03/2023 09:00 daidoanket.vn

Tại thời điểm này, nông sản Việt Nam đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt trên 53,22 tỷ USD. 

Tuy nhiên, thị trường quốc tế ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, trong đó có việc thực hiện truy xuất nguồn gốc. Nếu làm tốt công tác này sẽ nâng cao uy tín của nông sản Việt, giúp cho việc đàm phán mở cửa hàng nông sản vào các thị trường được thuận lợi, bứt phá.

Minh bạch thông tin sản phẩm để bảo vệ thương hiệu. Ảnh: Quang Vinh.

Minh bạch thông tin sản phẩm để bảo vệ thương hiệu. Ảnh: Quang Vinh.

Đề cập đến hiệu quả của việc truy xuất nguồn gốc, ông Henry Bùi - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khoa học công nghệ Hoàn Vũ cho biết, đối với những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Australia… truy xuất nguồn gốc là mắt xích quan trọng của hệ thống tiêu chuẩn về hàng hóa nhập khẩu, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi, hàng hóa nông sản với truy xuất nguồn gốc.

Rõ nguồn gốc, nông sản tiêu thụ tốt hơn

Nhờ áp dụng giải pháp ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gia đình ông Tống Viết Vinh (xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đã chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp dựa trên cơ sở sản xuất hàng hóa tiên tiến, bền vững, đem lại lợi nhuận ổn định. Hiện, gia đình ông Vinh đã đưa 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP lên sàn giao dịch POSTMART gồm có cà chua, mướp, dưa chuột, cải canh, mùng tơi với giá bán hợp lý.

Ông Vinh cho biết, từ khi đăng ký tem nhãn cung cấp thông tin, nguồn gốc hàng hóa, các sản phẩm rau, củ, quả của gia đình ông được các cửa hàng nông sản sạch thu mua với số lượng lớn. Sản phẩm được đánh giá cao về tính minh bạch trong nguồn gốc, do đó, số lượng tiêu thụ ngày càng tăng lên.

Còn theo bà Nguyễn Thị Nga - Điều phối viên dự án của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR), qua nghiên cứu khách hàng cho thấy đa số người tiêu dùng cho rằng bao bì, chứng nhận và nhãn mác trên bao bì là yếu tố rất quan trọng. Mã QR được coi là rất hữu ích cho các sản phẩm được tiêu thụ trực tiếp như cà chua, dưa chuột, trái cây có vỏ mỏng. Quét mã QR, người tiêu dùng muốn nhận được những thông tin về vùng sản xuất, nhà đóng gói, trọng lượng sản phẩm, hạn sử dụng...

Hiện nay, nông sản Việt Nam đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt trên 53,22 tỷ USD. Bên cạnh thuận lợi, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết đang gặp khó trong hoạt động truy xuất nguồn gốc.

Ông Mai Quang Vinh - Chủ tịch Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam cho biết, hiện nay, mỗi sản phẩm rất dễ dàng tạo cho mình một mã QR, người dùng chỉ mất vài giây là có thông tin về sản phẩm. Song nếu không có tư duy tốt, việc số hóa, quản lý thông tin nông sản, thực phẩm theo hình thức này sẽ rất lỏng lẻo; DN thu mua rất dễ mua phải hàng hóa trà trộn, kém chất lượng.

Nông sản rõ nguồn gốc để xuất khẩu bứt tốc. Ảnh: Quang Vinh.

Nông sản rõ nguồn gốc để xuất khẩu bứt tốc. Ảnh: Quang Vinh.

Minh bạch thông tin sản phẩm để bảo vệ thương hiệu

Cả nước hiện có 19.000 hợp tác xã nông nghiệp, 14.200 DN nông nghiệp, 7.500 cơ sở chế biến nông nghiệp, 9.400 siêu thị và chợ hạng 1. Theo đó, việc truy xuất nguồn gốc phải thực hiện một cách tổng thể để có thể bao quát được dữ liệu khổng lồ.

Ở góc độ DN, ông Vũ Việt Chiến - Tổng Giám đốc Công ty Giải pháp và công nghệ Sao Việt cho rằng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nông sản đang là vấn đề được toàn xã hội rất quan tâm. Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều băn khoăn xung quanh vấn đề chất lượng của các hệ thống chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc đang được triển khai đã thực sự hiệu quả, hợp lý hay chưa? Cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những quy định khung thế nào để hạn chế những ý tưởng, giải pháp không có cơ sở, gây lãng phí nguồn lực xã hội?

Nói về việc quản lý, duy trì và cấp mã số vùng trồng, ông Lê Nhật Thành - Giám đốc Trung tâm Kiểm định thực vật sau nhập khẩu I, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu quan điểm, việc này thể hiện sự quản lý minh bạch, rõ ràng đối với vùng trồng, đáp ứng các điều kiện bắt buộc tuân thủ trong thỏa thuận hợp tác. Đồng thời truy xuất nguồn gốc sản phẩm và quản lý được những loài dịch hại là đối tượng kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu theo yêu cầu nhập khẩu của các nước; kiểm soát được việc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản xuất khẩu. Thông qua đó, nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam vào thị trường có giá trị cao để việc đàm phán mở cửa hàng nông sản vào các thị trường khác được thuận lợi.

"Trước đây, muốn đàm phán để cho quả vải sang Mỹ chúng tôi phải nộp hồ sơ từ năm 1998 nhưng đến năm 2015, Mỹ mới chính thức cho phép quả vải được xuất khẩu vào thị trường này. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc đàm phán đã thuận lợi hơn nhiều do chúng ta vừa có kinh nghiệm, vừa minh bạch, sản xuất nông nghiệp đã có uy tín trên thị trường quốc tế. Chỉ cần 2-3 năm là chúng ta có thể mở cửa được thị trường trái cây sang các nước" - ông Thành cho biết.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, truy xuất là trách nhiệm của nhà sản xuất. Cần có các cơ chế và hành lang pháp lý, phải hệ thống hóa các quy trình sản xuất, quy trình chế biến và có tính liên thông giữa các quy trình trong chuỗi giá trị nông sản. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ NN&PTNT đang kết nối, chia sẻ dữ liệu với 8 hệ thống truy xuất của 8 tỉnh, thành phố và có hơn 3.964 DN với bộ mã truy xuất nguồn gốc của 16.987 sản phẩm nông sản, thực phẩm.

Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm AutoAgri, việc truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin sản phẩm là điều kiện quan trọng và cực kỳ hữu ích đối với người sản xuất cũng như cung ứng sản phẩm để bảo vệ thương hiệu của mình cũng như quảng bá sản phẩm, bảo vệ nhà cung cấp.

Các chuyên gia nhận định việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng là việc của mỗi người, của cả cộng đồng cùng chung tay nhằm thay đổi tư duy sản xuất, chứ không chỉ là trách nhiệm của người sản xuất, người nông dân, HTX, DN, địa phương hay chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Trong đó, việc số hóa, khoa học công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Cơ hội để nông sản bứt phá - Ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định:

Truy xuất nguồn gốc là nền tảng cho việc sản xuất, lưu thông

Truy xuất nguồn gốc chính là nền tảng cho việc sản xuất, lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế 4.0. Trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng nền tảng số được xác định là một trong những khâu đột phá, thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản, hướng tới các tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế. Chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh được xác định là giải pháp, xu hướng tất yếu để các đơn vị sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, hồi phục sau đại dịch và phát triển. Chính vì vậy, truy xuất nguồn gốc là để thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho người nông dân, hợp tác xã, người tiêu dùng. Đồng thời góp phần gia tăng giá trị nông sản của các địa phương, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng.

Cơ hội để nông sản bứt phá - Ảnh 2

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT):

Tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu

Nguyên tắc để quản lý truy xuất nguồn gốc là kiểm soát toàn bộ thông tin từ trang trại, vườn trồng đến sơ chế, đóng gói, chế biến, lưu kho, vận chuyển, phân phối và tiêu dùng. Để đảm bảo điều đó, Cục Bảo vệ thực vật đã đưa ra toàn bộ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT (thực phẩm thực vật). Theo đó, vườn trồng hoặc cơ sở đóng gói có nhu cầu đăng ký mã số thì trước tiên phải bảo đảm tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu. Việc đăng ký mã số trên cơ sở tự nguyện. Việc kiểm tra đánh giá là căn cứ để cấp mã số hoặc duy trì, phục hồi mã số. Mã số được cấp phải luôn bảo đảm tuân thủ các điều kiện của nước nhập khẩu và phải được giám sát bởi cơ quan quản lý để duy trì mã số. Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đang xây dựng phần mềm quản lý cơ sở đóng gói tại địa chỉ: https://cms.packinghouse.online và các chủ cơ sở đóng gói có thể liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật để có tài khoản dùng thử.