Chuyên gia Philippines học được gì từ 'động lực kinh tế' Việt Nam: Bắt đầu từ điều căn bản

05/09/2022 06:00 toquoc.vn

Trong bài viết có tựa đề "What we can learn from Vietnam" (Chúng ta có thể học được điều gì từ Việt Nam) được đăng trên trang báo điện tử của tờ The Inquirer (Philippines), chuyên gia Richard Heydarian thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế Stratbase ADR (ADRi) đã nêu ra những bài học hữu ích từ Việt Nam mà những nước tương đồng như Philippines có thể học hỏi.

Theo đó, tác giả Heydarian đã khẳng định rằng sự vươn mình nhanh chóng của Việt Nam là điều rất ấn tượng.

Ông Heydarian viết: "Trong những lần ghé thăm đất nước Đông Nam Á này trong vòng một thập kỷ qua, tôi đã chứng kiến cách Việt Nam chuyển mình trong mọi khía cạnh của xã hội.

Trong khi trước đây những chiếc xe máy chiếm ưu thế trên đường phố thì giờ đây những chiếc ô tô Đức, xe thể thao đa dụng và xe ô tô sản xuất nội địa ngày càng trở nên phổ biên hơn ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Một điều đáng chú ý là những mẫu xe VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, với thiết kế thanh lịch, xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố. Đầy năm nay, VinFast vừa thông báo sẽ thành lập khu phức hợp nhà máy trị giá 4 tỷ USD tại bang North Carolina của Mỹ để sản xuất xe điện".

Trong bối cảnh thị trường toàn cầu có nhiều biến động, nhiều gã khổng lồ công nghệ trên thế giới đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam, theo vị chuyên gia người Philippines.

Mới đây, tập đoàn công nghệ Apple (Mỹ) vừa thông báo rằng các sản phẩm Macbook và Apple Watch sẽ được sản xuất tại Việt Nam, thông qua Luxshare Precision Industry và Foxconn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Apple đưa ra quyết định như vậy, ông Heydarian nhấn mạnh.

"Ngày nay, hầu hết mọi sản phẩm hàng hiệu, từ các sản phẩm thời trang (Armani Exchange), thể thao (Adidas) đến đồ điện tử (Samsung), đều mang nhãn mác "Made in Vietnam" (Sản xuất tại Việt Nam. Đối với một đất nước đã trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh tàn khốc trong suốt nửa sau của thế kỷ 20, đây chính là một sự thay đổi rất lớn", tác giả bình luận.

Ảnh minh họa

"Việt Nam là động lực kinh tế"

Với những điều đã quan sát được từ Việt Nam, chuyên gia Heydarian nhận định: Việt Nam ngày nay là động lực kinh tế và có thể giúp những quốc gia tương đồng như Philippines bằng những "bài học hữu ích", mà cụ thể là ba bài học sau đây.

Theo ông Heydarian, bài học thứ nhất và quan trọng nhất là Việt Nam rất chú trọng đến giáo dục căn bản, đặc biệt là các môn toán và khoa học.

Điều này giúp Việt Nam, dù là một quốc gia đang phát triển, có được vị trí thứ 8 trên toàn thế giới khi lần đầu tiên được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa vào Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (Pisa) uy tín.

Vị trí thứ 8 trong bảng Pisa có nghĩa là học sinh Việt Nam có thể vượt trội hơn phần lớn học sinh tại các quốc gia phát triển hơn về trình độ cơ bản đối với các môn toán, khoa học và khả năng đọc hiểu.

Ông Heydarian cho hay, Philippines dù là nước có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam tính đến gần đây, nhưng lại xếp hạng cuối trong bảng Pisa.

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá những khó khăn trong kỹ năng đọc hiểu ở học sinh tiểu học cho thấy chỉ có 18% học sinh tiểu học của Việt Nam gặp vấn đề về kỹ năng này, trong khi con số của Philippines là 91%.

Bài học thứ hai là Việt Nam đã kết hợp tối ưu giữa phát triển nông nghiệp và công nghiệp, theo ông Heydarian.

"Thay vì phụ thuộc quá nhiều vào lĩnh vực dịch vụ như Ấn Độ và Philippines, hay các ngành công nghiệp khai thác như Indonesia, thì Việt Nam đã phát triển song song hai ngành, trở thành cường quốc nông nghiệp và sản xuất", vị chuyên gia nhận định.

Theo ông Heydarian, Việt Nam đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất của các loại lương thực chủ chốt, chẳng hạn như gạo, cùng với đó là các loại thiết bị điện tử giá trị cao - tất cả là nhờ vào các chính sách chủ động về thương mại, công nghiệp và nông nghiệp.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động đến kinh tế toàn cầu, thì "nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng trong năm 2020", tác giả nhấn mạnh.

Ông Heydarian cũng lưu ý rằng các chương trình quản lý dân số hiệu quả và nền kinh tế đa dạng của Việt Nam đạt được kết quả là tỉ lệ đói nghèo tương đối thấp.

Cuối cùng, bài học thứ ba là Việt Nam có cách tiếp cận độc đáo với thế giới. Theo chuyên gia Heydarian, Việt Nam đã "toàn cầu hóa" và mở cửa hoàn toàn với thế giới dưới chính sách cải cách kinh tế Đổi mới mà không ảnh hưởng tới các giá trị xã hội đích thực, nền văn hóa ẩm thực đa dạng và những nét kiến trúc độc đáo.

Vị chuyên gia người Philippines cũng đánh giá cao việc Việt Nam xây dựng quan hệ đa phương: cụ thể là mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với phương Tây với thành quả là các hiệp định thương mại tự do với Mỹ, Canada, Australia và châu Âu; cùng với đó là phát triển quan hệ với phương Đông - từ Nhật Bản, Hàn Quốc, cho đến Ấn Độ, v.v.../.

Theo The Inquirer (Philippines)