Chuyên gia nói gì khi Hà Nội nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp?

10/09/2022 06:00 daidoanket.vn

Hướng tới 3 mục tiêu chính

Trong kế hoạch chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 vừa ban hành, chính quyền thủ đô đề ra hàng loạt giải pháp, trong đó có rà soát, bố trí điểm đỗ xe tĩnh trong nội đô; đầu tư hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi tại đô thị, các công trình đảm bảo cho những người dễ bị tổn thương.

Đặc biệt, nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp.

Tính đến tháng 7, Hà Nội có hơn 7,6 triệu phương tiện, trong đó hơn một triệu ô tô, gần 6,5 triệu mô tô các loại, khoảng 180.000 xe máy điện.

Riêng xe đạp, nhiều năm qua không có số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng của thành phố.

Người dân đạp xe trên phố đi bộ Hồ Gươm.

Người dân đạp xe trên phố đi bộ Hồ Gươm.

Song những năm qua, Hà Nội cũng đã thí điểm phân làn, tách dòng phương tiện tại nhiều tuyến đường nhưng hiện vẫn chưa có làn riêng cho xe đạp.

Mặt khác, Thành phố cũng đã nhiều lần có kế hoạch thí điểm cho thuê xe đạp tại một số quận nội thành nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.

Theo chuyên gia giao thông Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho biết, việc nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp đang hướng đến 3 mục tiêu chính.

Thứ nhất là khuyến khích người dân sử dụng phương tiện xanh, bảo vệ môi trường.

Thứ hai là nhằm giảm thiểu lượng xe cơ giới, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Thứ ba là nỗ lực bảo vệ nhóm đối tượng yếu thế, sử dụng phương tiện thô sơ trong tham gia giao thông.

Tương tự, Chuyên gia giao thông TS. Phan Lê Bình cho biết, đây là xu hướng của nhiều nước đã và đang thực hiện.

Nhiều người tham gia giao thông đang chuyển dần từ phương tiện cơ giới sang xe đạp để tăng cường sức khỏe và bảo vệ môi trường, không thải khí nhà kính.

Thực hiện sẽ rất khó khăn

Tại nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, họ thường bớt khoảng 1 m đường phía lề bên phải để cho các phương tiện di chuyển bằng xe đạp đi vào. Tuy nhiên, việc thí điểm này sẽ rất khó khăn ở Hà Nội vì người dân hầu hết đều không quan tâm đến việc đây là làn ưu tiên dành cho xe nào. Ví dụ, xe buýt BRT đã có làn đường ưu tiên nhưng vào giờ cao điểm cũng vẫn bị hàng loạt phương tiện lấn làn”, TS. Phan Lê Bình chia sẻ.

Theo TS. Phan Lê Bình, việc thí điểm phân làn dành riêng cho xe đạp sẽ không thể giảm được tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội.

Mà thay vào đó, chỉ làm giảm tác động xấu đến không khí, môi trường. 

“Ngoài ra, Hà Nội cần phải tuyên truyền rộng rãi đến người dân, đặc biệt phải đảm bảo được quyền ưu tiên của các phương tiện được phép di chuyển trong làn đó” - TS. Phan Lê Bình nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho biết: “Ý tưởng nghiên cứu thí điểm làn đường riêng dành cho xe đạp có thể thực hiện được nếu lựa chọn một số hạng mục giao thông nhất định. Ví dụ trên các trục đường lớn, mật độ giao thông cực cao như: Nguyễn Trãi, Tố Hữu, Lê Văn Lương, Hồ Tùng Mậu… cầu bộ hành đã được xây dựng khá nhiều nhưng mức độ sử dụng lại chưa đạt được như kỳ vọng. Nhiều cầu bộ hành trở thành địa điểm bán hàng rong, tụ tập vui chơi hoặc “ế” khách dài hạn”.

“Nếu thực sự muốn tạo một hành lang kết nối riêng an toàn và thuận tiện cho các nhóm đối tượng yếu thế trong giao thông như: người đi bộ, người đi xe đạp, người khuyết tật… cần trước hết thí điểm tại các cầu bộ hành qua đường. Muốn cầu qua đường phục vụ thêm được cho cả xe đạp, xe lăn nữa, người già yếu, khuyết tật nữa thì phải sửa chữa kết cấu phần cầu thang lên xuống, tạo các dốc trơn, thoải để lên xuống. Đặc biệt có thể nghiên cứu lắp đặt thêm các phương tiện an toàn cho người khuyết tật sử dụng xe lăn, nạng trên cầu qua đường như hệ thống tay nắm, dây cáp…” - Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nhấn mạnh.

Theo chuyên gia giao thông Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung, trên các tuyến đường giao thông đô thị vẫn nên cho lưu thông hỗn hợp xe đạp với xe máy, xe buýt chung một làn đường; ô tô riêng một làn đường là tối ưu nhất. Các tuyến đường chưa đủ điều kiện để phân làn cứng có thể sơn kẻ vạch, phân làn mềm sát mép đường cho xe máy, xe đạp.

“Tuy nhiên, Hà Nội đang có không ít loại hình xe cần được ưu tiên như: xe buýt, xe cứu hộ cứu nạn, xe công vụ… nếu bổ sung thêm cả làn đường riêng cho xe đạp sẽ rất khó tổ chức giao thông, có thể gây rối loạn” - Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nhận định.