Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB chỉ ra 3 bất bình thường lớn của kinh tế Việt Nam

21/01/2021 07:23 toquoc.vn

Vì sao Covid-19 là cuộc khủng hoảng tệ nhất lịch sử?

Lý giải về điều này, đại diện ADB cho biết, có hai lý do chính. Thứ nhất, nền kinh tế thế giới vừa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng 2008 và đang trên đà phục hồi thì năm 2020, khủng hoảng Covid-19 bắt đầu, tức là đà tăng trưởng chưa kịp phục hồi lại.

Lý do thứ hai là tính bất định của cuộc khủng hoảng này. Đây là cuộc khủng hoảng kinh tế nhưng lại phụ thuộc vào khả năng y tế. Bất cứ chính sách tài khóa, tiền tệ nào đưa ra trong những cuộc khủng hoảng trước đây có thể đo đếm được nhưng hiện tại nếu như diễn biến kinh tế khác đi thì lại phải thay đổi.

"Hiện nay, chúng ta nói thế giới đang ở trạng thái bình thường mới. Nhưng theo tôi chúng ta luôn trong trạng thái bất bình thường mới chứ chưa bao giờ có bình thường", ông Cường phát biểu.

Ba điều 'bất bình thường' lớn của nền kinh tế

Theo ông Nguyễn Minh Cường, bình thường tức là cân bằng của nền kinh tế được thiết lập nhưng nó có thể ở những trạng thái khác nhau. Ví dụ như cân bằng thương mại có thể thấp hơn cao hơn, cân bằng thị trường vốn… Nhưng trong thập kỷ vừa qua, nền kinh tế liên tục trải qua những trạng thái bất bình thường, thể hiện rất rõ.

Hiện nay, thế giới vừa trải qua cuộc đại khủng hoảng 2008, trong khi chính sách tiền tệ còn chưa kịp phục hồi. Các ngân hàng trung ương đang bắt đầu bình thường hóa lãi suất sau những siêu nới lỏng tiền tệ để đáp ứng với đại khủng hoảng 2008, ngân hàng đang bắt đầu kéo về bình thường thì lại bắt đầu khủng hoảng Covid-19.

Bất bình thường thứ hai là trong cân bằng thương mại thế giới. Trong khi thế giới toàn cầu hóa vẫn đang diễn ra thì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hoàn toàn là bất bình thường về mặt thương mại.

"Như vậy, chúng ta sẽ phải sống trong tình trạng bất bình thường mới không chỉ ở năm 2020, 2021 mà có lẽ là trong giai đoạn 2021-2025. Hay nói cách khác, chúng ta đang đối phó với một trạng thái bất bình thường mới, các chính sách trong giai đoạn đó cũng không theo tiền lệ", ông Cường nhấn mạnh.

Thứ 3, trong giai đoạn 2021-2025, bên cạnh thành công rất lớn của VN về kiểm soát Covid-19 thì vẫn còn nhiều thách thức. Những vấn đề Việt Nam gặp phải rất đa dạng. Câu hỏi được đặt ra, đó là vai trò của nhà nước như thế nào và vai trò của nhà nước có đủ sức để đáp ứng được tất cả các vấn đề đa dạng như vậy được hay không?

Ba vấn đề lớn trong quá trình chuyển đổi kinh tế thị trường

Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB nói thêm: "Câu chuyện về quản lý hay hỗ trợ với một nền kinh tế 300 tỷ USD với một loạt vấn đề đặt ra trước mặt như bình đẳng xã hội, môi trường, già hóa dân số, chuyển đổi số… Đáng chú ý, cái cốt lõi của VN ở đây là chuyển đổi sang kinh tế thị trường chưa hoàn tất. Cho đến nay đã chuyển đổi hơn 30 năm. Cái chưa hoàn tất đó đã dẫn đến hiệu quả của nền kinh tế, năng suất thấp...".

Năm 2021 tiếp tục tạo tiền đề cho chuyển đổi này. Liên quan đến vấn đề chuyển đổi sang kinh tế thị trường, ông Cường chỉ ra 3 vấn đề lớn.

Một là thị trường đất đai, thị trường vốn cực kỳ quan trọng nhưng cũng chưa thực sự hình thành, thị trường lao động… hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường.

Hai là, quá trình chuyển đổi này phát triển theo khu vực tư nhân. Với nền kinh tế ngày càng đa dạng những thách thức, không còn là chỉ một bộ ngành có thể quản lý. Điển hình như về bảo hộ thương mại không hoàn toàn liên quan đến Bộ Công thương mà còn liên quan rất nhiều đến bộ ngành khác.

"Làm thế nào để ứng phó được? Câu trả lời là lĩnh vực tư nhân", ông Cường nhận định. 

Theo ông, chỉ có lĩnh vực tư nhân hoàn toàn năng động và được phát triển thì mới có thể hỗ trợ kinh tế Việt Nam vượt qua tất cả những nguồn lực để có thể ứng phó với biến đổi khí hậu, già hóa dân số, tăng năng suất lao động, chuyển đổi số. Tất cả phụ thuộc vào kinh tế tư nhân, mà để phát triển kinh tế tư nhân thì vai trò của nhà nước chỉ là dẫn dắt chứ không phải quản lý.

Tất nhiên vẫn có vai trò quản lý nhưng làm thế nào để tăng cường vai trò dẫn dắt? Theo tôi, giai đoạn 2021-2025, quan trọng nhất là tiếp tục chuyển đổi cơ chế thị trường, phát triển những thị trường lao động quan trọng, đồng thời phát triển lĩnh vực kinh tế tư nhân.

Thứ 3 đó là tiếp tục tăng trưởng số. Những vấn đề khác, khi nền kinh tế tư nhân phát triển sẽ tự tạo ra nguồn lực, cơ hội mới, TS. Nguyễn Minh Cường kết luận.