Chuyển đổi số xu thế tất yếu để có một nền nông nghiệp hiện đại

18/11/2021 15:21 daidoanket.vn

Đó là đánh giá của ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương tại hội thảo chuyên đề 9, chiều 17/11: “Chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Hội thảo trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về Công nghiệp 4.0 năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các bộ, ngành tổ chức.

Có thể khẳng định, trong suốt những năm đổi mới và hội nhập, nhất là trong hơn 10 năm qua, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã có bứt phá mạnh mẽ với nhiều thành tựu to lớn. Thu nhập, đời sống người nông dân được cải thiện rõ rệt, nông thôn Việt Nam thay đổi không ngừng.

Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đạt được, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại: Phát triển chưa bền vững, chưa vững chắc; năng suất lao động, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản vẫn còn thấp; sản xuất quy mô nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng cao, chưa gắn chặt với thị trường tiêu thụ; liên kết chuỗi giá trị, công nghệ cao ứng dụng trong sản xuất, chế biến nông sản còn hạn chế…

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng phát biểu tại hội thảo chuyên đề.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng phát biểu tại hội thảo chuyên đề.

Ôn Hưng cho biết, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số được xác định là một trong các trụ cột thực hiện phát triển nhanh và bền vững, là một trong các khâu đột phá, góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Nông nghiệp, nông thôn không đứng ngoài cuộc mà được Chương trình chuyển đổi số quốc gia xác định là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên, theo đó phát triển nông nghiệp công nghệ cao chú trọng nông nghiệp thông minh, phải dựa trên nền tảng dữ liệu, nhất là hệ thống dữ liệu lớn của ngành, như đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thời tiết, môi trường…; tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh; phát triển mạnh thương mại điện tử; quản lý quy hoạch và dự báo, cảnh báo thị trường…

Thực tế, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình… đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất, kinh doanh; phân tích dữ liệu về đất đai, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, thời tiết, truy xuất nguồn gốc, nhu cầu thị trường…

Ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), block chain, công nghệ sinh học, di truyền, phân tích hệ gene, nuôi cấy mô, quản lý giống vật nuôi; phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng, suy thoái rừng…

Chuyển đổi số giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu để khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết.

Nhưng vẫn còn một thực tế khác, theo ông Hưng, đó là: chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa đồng bộ, chưa hình thành những yếu tố cơ bản của nông nghiệp số, nông thôn số; nông nghiệp, nông thôn Việt Nam hiện nay vẫn chưa có nền tảng số, chuỗi kết nối số, chưa có cách tiếp cận mới và toàn diện theo yêu cầu của chuyển đổi số, thiếu cơ sở dữ liệu lớn cho sản xuất, thiếu kết nối chia sẻ đồng bộ thông tin của tất cả các khâu sản xuất, quản lý, logictics, thương mại nông sản; chưa tạo ra cơ hội cho nông sản vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại toàn cầu và chia sẻ dữ liệu cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

Vì thế, hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách làm rõ tính cấp thiết và tác động của chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.

Từ đó nâng cao nhận thức, tiến tới hành động để triển khai thực hiện các giải pháp tận dụng tối đa cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học, phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn.

Hội thảo cũng góp phần đánh giá thực trạng và kiến nghị xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về chuyển đổi số phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa để có thể tận dụng được các cơ hội của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn; số hoá cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp, nông thôn và liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kinh tế - xã hội… làm cơ sở cho phân tích, dự báo, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn và tổ chức sản xuất, kinh doanh của các chủ thể sản xuất kinh doanh nông nghiệp.

Cuối cùng là đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng.