Chứng khoán tuần 13/9: Chờ đợi bùng nổ từ VN-Index, tín hiệu lạc quan từ cổ phiếu thép

13/09/2021 08:34 Bảo Linh

Tuần bùng nổ của VN-Index

Trong phiên cuối tuần, VN-Index tạo GAP tăng điểm đầu phiên nhưng sớm quay lại trạng thái giằng co với đà tăng có phần suy yếu về cuối phiên.

Vùng kháng cự quanh 1.360, tương ứng với cạnh trên của mẫu hình tam giác đi ngang đang khiến áp lực cung gia tăng và gây sức ép cho chỉ số, đặc biệt ở các vùng giá xanh trong phiên.

Mặc dù vậy, cơ hội thử thách lên vùng cản này vẫn đang được duy trì chừng nào tín hiệu phân phối mạnh chưa xuất hiện.

Nhà đầu tư cân nhắc tiếp tục duy trì vị thế trung hạn, có thể chốt lời một phần vị thế trading ngắn hạn khi chỉ số thử thách vùng kháng cự đã đề cập.

Chỉ số đang tiệm cận vùng điểm số 1.350 điểm và dòng tiền trên thị trường vẫn tương đối dồi dào, tuy nhiên nhà đầu tư không thực sự hưng phấn và nhìn chung không mua đuổi giá trong tuần qua.

Mặt khác, dù vẫn có áp lực chốt lời ngắn hạn xuất hiện trong phiên nhưng đà giảm không kéo dài lâu và chỉ số nhanh chóng hồi phục ngay sau đó, cho thấy dòng tiền lớn vẫn đang dần trở lại thị trường.

VN-Index tạo cây nến giảm giá Bearish Enguffling với thân nến ngắn đi kèm với việc giá đóng cửa gần thấp nhất phiên 10/09 cho thấy đà tăng mạnh của thị trường vẫn đang khó khăn.

Theo khung đồ thị tuần, VN-Index vẫn tạo cây nến Bullish Enguffling và tăng điểm so với tuần trước đó, cho thấy nhịp test lại hỗ trợ MA (20) tuần của chỉ số đã thành công.

Thị trường vẫn đang tăng giá với thanh khoản suy giảm, một phần do nhóm ngành ngân hàng vẫn chưa thể hồi phục nhưng đà tăng của thị trường là vẫn còn.

Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 6/9 đến ngày 10/9, VN-Index tăng 10,66 điểm (+0,80%) lên mốc 1.345,31 điểm

Trong ngắn hạn, VN-Index đang dao động đi ngang vùng biên độ hẹp 1.330-1.350 điểm và đã 3 tuần chưa hoàn toàn bứt phá vùng giá trị này.

VN-Index được kỳ vọng sẽ ổn định tại vùng hỗ trợ trung hạn 1.327 điểm của đường EMA 50 ngày hoặc tại vùng 1.300 điểm của đường EMA 100 ngày.

Trong tuần 13 đến 17/09, TVSI kỳ vọng thị trường có thể sớm vượt qua mốc kháng cự trên và tiến tới vùng kháng cự xa hơn quanh 1.375-1.390 điểm.

TVSI đánh giá rằng VN-Index vẫn tiếp tục xu hướng tăng giá trong trung và dài hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index đang trong xu hướng đi ngang quanh vùng biên độ 1.330-1.350 điểm...

VCBS cho rằng bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ là nguyên nhân chính tạo ra diễn biến giao dịch như hiện tại, và do đó nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến một vài tuần tích lũy nữa trước khi đến mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2021.

Vì vậy, VCBS cho rằng nhà đầu tư có thể cân nhắc tích lũy dần những cổ phiếu có triển vọng ghi nhận kết quả kinh doanh tốt trong quý 3 và quý 4 năm nay, hoặc quan sát thêm để chờ đợi mặt bẳng giá mới đc thiết lập ổn định rồi mới tìm kiếm cơ hội giải ngân mới trong giai đoạn tiếp theo.

Nhóm cổ phiếu lạc quan

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) đánh giá xuất khẩu các sản phẩm thép đang cho thấy dấu hiệu tích cực trong khi thị trường trong nước đang hạ nhiệt.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng tiêu thụ ngành thép (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và ống thép) tăng 17% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng xuất khẩu tăng 72,5%.

Tính riêng mảng tôn mạ, sản lượng tiêu thụ trong nước giảm 5,4% cùng kỳ, trong khi sản lượng xuất khẩu tăng 133% và chiếm 57,5% tổng lượng tôn tiêu thụ tôn mạ.

Gần đây, Trung Quốc đã tăng thuế xuất khẩu đối với gang thép và giảm thuế nhập khẩu thép từ 1/8/2021. Điều này khiến nguồn cung trong nước tăng lên khiến giá thép nội địa giảm.

Tuy nhiên, Yuanta cho rằng giá thép thế giới vẫn sẽ neo ở mức cao và khó giảm mạnh do nhu cầu đầu tư công ở các nước khác là rất lớn.

 Bằng chứng là việc giảm nguồn cung thép từ Trung Quốc vừa qua đã khiến giá thép khu vực châu Âu và châu Mỹ vẫn đang tăng vượt đỉnh.

Theo đó, nhu cầu thép cao từ các quốc gia khác sẽ bù đắp phần sụt giảm của thị trường Trung Quốc đối với HSG và doanh nghiệp vẫn còn nhiều hấp dẫn cho trung hạn.

Trên thị trường, mức Stock Rating của HSG ở mức 96 điểm cho nên Yuanta duy trì đánh giá tích cực mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của HSG đạt mức cao nhất 52 tuần với khối lượng giao dịch duy trì trên mức khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên.

Đồng thời, đồ thị giá của HSG vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn có thể tiếp tục mở rộng các mức cao mới với mục tiêu ngắn hạn 50.730 đồng/cổ phiếu.

Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư có thể duy trì vị thế mua và nắm giữ.

Chờ đợi tuần bùng nổ từ VN-Index

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, tháng 8/2021, doanh thu xuất khẩu tôm của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) giảm mạnh 56% so với cùng kỳ năm ngoái, do công suất hoạt động thấp trong bối cảnh giãn cách nghiêm ngặt ở phía Nam.

Tuy nhiên, FMC đã không còn áp dụng quy tắc “3 tại chỗ” kể từ cuối tháng 8 và dự kiến ​​sẽ phục hồi về mức công suất bình thường từ ​​giữa tháng 9.

Ngoài ra, VDSC kỳ vọng việc tăng giá bán và chi phí tôm nguyên liệu giảm sẽ cải thiện biên lợi nhuận gộp của FMC trong nửa cuối năm 2021 (tăng 370 điểm cơ bản so với cùng kỳ, đạt mức 13,7%).

PSI khuyến nghị nắm giữ PVS với giá mục tiêu 12 tháng là 28.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E dự phóng 2021 đạt 22,17 lần với triển vọng từ các dự án dầu khí và nhu cầu sử dụng kho chứa dầu FPO/FPSO khá cao trong nửa cuối năm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) đạt được 5.670 tỷ đồng doanh thu, giảm 35% so với cùng kỳ do ảnh hưởng bởi khối lượng công việc của mảng M&C và doanh thu lớn của màng FSO/FPSO trong năm 2020.

Tuy nhiên, nhờ lợi nhuận từ các công ty thành viên/liên doanh liên kết đạt 307 tỷ đồng (tăng gần 2 lần so với cùng kỳ) PVS ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 335 tỷ đồng, giảm 18,7% so với 6 tháng đầu năm 2020.

Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, PVS hoàn thành được gần 57% kế hoạch doanh thu và 67% kế hoạch lợi nhuận.