Chuẩn bị niêm yết 445 triệu cổ phiếu lên sàn UPCoM, VietABank có gì?

03/07/2021 11:12 congluan.vn

 

Ngày 1/7, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có thông báo về việc chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu VAB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á (VietABank).

Cụ thể, tổng giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch tương đương gần 4.450 tỷ đồng.

Trong số cổ phiếu đăng ký giao dịch, số chứng khoán bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định của pháp luật là gần 24,8 triệu cổ phiếu.

Toàn bộ số cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng này là cổ phiếu của thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Ban kiểm soát bị hạn chế chuyển nhượng trong thời gian đảm nhiệm chức vụ theo Luật.

Ngân hàng này sẽ giao dịch với mã chứng khoán là VAB, giá tham chiếu và ngày giao dịch đầu tiên chưa được công bố.

Được biết, vào năm 2016, Hội đồng quản trị đã trình cổ đông thông qua và ủy quyền cho Hội đồng quản trịquyết định việc đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UpCoM hoặc niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh tùy theo tình hình thực tế của ngân hàng và thị trường. Tuy nhiên, ngân hàng này liên tục lỡ hẹn.

Từ khi hoạt động đến nay, VietABank đã có 18 lần tăng vốn điều lệ, từ mức 75,7 tỷ đồng lên gần 4.450 tỷ đồng.

Ngân hàng này đang lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 950 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 21,35%.

Trong hệ thống ngân hàng hiện nay, VietABank được xếp vào nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ với tổng tài sản dưới 100.000 tỷ đồng, tương đương nhóm NCB, Vietcapital Bank, Kienlongbank…

Tuy nhiên, so với nhóm ngân hàng cùng quy mô đang giao dịch trên sàn chứng khoán, lợi nhuận của VietABank có phần khiêm tốn hơn.

Năm 2019, lợi nhuận trước thuế tại VietABank tăng 83% so với năm 2018, đạt 276 tỷ đồng. Đến năm 2020 tăng 47% so với năm 2019, đạt 407 tỷ đồng.

Quý 1/2021, lợi nhuận trước thuế đã đạt hơn 125 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ.

Với kế hoạch 658 tỷ đồng lãi trước thuế, VietABank đã thực hiện được 19% kế hoạch năm.

1

Tính đến cuối năm 2020, ngân hàng có tổng tài sản cân đối với nguồn vốn đạt trên 86.500 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2019.

Các chỉ tiêu tài chính quan trọng của ngân hàng gồm tiền gửi khách hàng đạt gần 59.300 tỷ, tăng 25% và cho vay khách hàng đạt 48.400 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm liền trước.

Cùng thời điểm, ngân hàng này có khoảng 1.112 tỷ đồng nợ xấu (nợ nhóm 3-5), tăng gấp đôi so với cuối năm 2019 và chiếm 2,3% tổng dư nợ cho vay.

Trong năm 2019, tỷ lệ này của VietABank đạt khoảng 1,2%.

Đáng lưu ý, trong hệ thống ngân hàng, VietABank là một trong những nhà băng khá kín tiếng về thuyết minh báo cáo tài chính.

Tuy nhiên, có một con số đáng quan tâm là các khoản lãi dự thu và khoản phải thu tại VietABank tăng đáng kể trong vài năm gần đây nhưng không có thuyết minh cụ thể.

Cụ thể, tính đến 31/12/2019 lãi dự thu tại VietABank ở mức gần 3.112 tỷ đồng và đến cuối năm 2020 lãi dự thu tăng 11%, lên mức 3.454 tỷ đồng.

Tương tự, đến cuối năm 2019 khoản phải thu tại VietABank ghi nhận 1.198 tỷ đồng, sau 1 năm con số này đã ghi nhận 3.064 tỷ đồng.

Hiện nay, lãi dự thu là một trong những vấn đề đau đầu của nhiều ngân hàng khi số dư khoản mục này ngày càng tăng cao theo thời gian.

Có thể thấy, lãi dự thu cũng là một "khối u" nhức nhối không kém gì nợ xấu.

Với khoản lãi dự thu lớn cho thấy chất lượng tài sản của ngân hàng đang kém dần ảnh hưởng đến việc đánh giá xếp hạng và áp dụng các chuẩn mực quốc tế.

2

Mới đây, theo thông tin do VietABank công bố, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này tính đến 31/12/2020 là 2,2% (tương đương khoảng 1.111 tỷ đồng). Đến 31/03/2021 là 2,19%.

Tỷ lệ an toàn vốn là 8,41%. Các chỉ số ROE, ROA lần lượt đạt 2,14% và 0,16%.

VietABank gồm ngân hàng mẹ và 1 công ty con là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý nợ và khai thác tài sản – Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á (AMC) do VietABank sở hữu 100%, vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Tính đến ngày 25/06/2021, VietABank có 2 cổ đông lớn là Công ty cổ phần Rạng Đông (7,35%) và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (12,21%).

Trong số tổng cộng gần 445 triệu cp VAB, có 2 cổ đông Nhà nước sở hữu 3,74% vốn (hơn 16,6 triệu cổ phiếu), 32 cổ đông tổ chức sở hữu 32,16% vốn (hơn 143 triệu cổ phiếu) và 1.879 cổ đông cá nhân sở hữu 64.1% vốn (hơn 285 triệu cổ phiếu).

Căn cứ theo Nghị định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của Tổ chức tín dụng, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của VietABank là 30%.

Số lượng cổ phiếu của cổ đông nước ngoài đang nắm giữ tại VietABank tính đến ngày 24/06/2021 là 0%.

Thanh Thư