Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: Cần có cơ chế khai thác quỹ đất hiệu quả

13/07/2022 06:00 congluan.vn

Tại buổi làm việc, đại diện Sở TN-MT TP. HCM đề xuất một số giải pháp để đẩy nhanh tiến độ bồi thường và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai liên quan đến dự án vành đai 3 - TP. HCM.

Hiện Sở TN-MT đã tham mưu UBND TP. HCM thí điểm một nội dung trong Nghị quyết số 18 của Trung ương Đảng về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” vừa mới ban hành (tháng 6/2022).

Cụ thể, công tác bố trí tái định cư sẽ được thực hiện trước khi bồi thường. Theo Sở TNMT, nếu làm song song giữa với bồi thường và tái định cư như hiện nay thì sẽ kéo dài thêm 6 tháng trong trường hợp thu hồi đất của người dân.

Trước ý kiến của Sở TNMT, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho rằng, đất đai là nguồn lực quan trọng để phát triển thành phố, cả vùng và đất nước. Vấn đề quan trọng là quy hoạch sử dụng đất, tạo cơ chế, chính sách để đền bù, giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh công trình.

Đối với tình trạng ùn tắc giao thông, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết đề án phát triển kinh tế xã hội gắn liền với các tuyến đường giao thông là sáng kiến của Sở TN-MT, thành phố sẽ nghiên cứu và đề xuất đưa vào nghị quyết làm cơ sở triển khai sau này.

Theo Chủ tịch UBND TP. HCM, hiện thành phố đang triển khai đề án tổ chức lại giao thông công cộng để tác động hành vi, thói quen tham gia giao thông của người dân.

Hiện tại quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia với 9 quy hoạch thành phần đã có, nhưng nếu tiếp cận với góc độ kết nối vùng thì tích hợp 9 thành phần thành một đề án kết nối vùng sẽ quyết được những vấn đề cơ bản.

chu tich ubnd tp hcm can co co che khai thac quy dat hieu qua hinh 2

Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết 53, lãnh đạo Sở KH-ĐT TP. HCM cho biết, với vị trí địa lý thuận lợi (nằm ở vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á, cửa ngõ giao lưu quốc tế), TP. HCM đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư và trở thành đầu mối giao lưu với các vùng trong cả nước và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong phát triển vùng.

Giai đoạn 2016-2020, TP. HCM đóng góp cao nhất vào tốc độ tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với 3,48 điểm phần trăm, các địa phương còn lại của vùng Đông Nam Bộ đóng góp 2,03 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng 5,51% của cả vùng.

Nếu xét vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, riêng TP. HCM đóng góp 3,24 điểm phần trăm, các địa phương còn lại đóng góp 2,41 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng 5,65% của cả vùng.

Vùng Đông Nam Bộ bao gồm 6 tỉnh thành: TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm các tỉnh vùng Đông Nam bộ cùng với tỉnh Long An và Tiền Giang (2 tỉnh này về mặt địa lý thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long).

Vùng Đông Nam Bộ là trung tâm logistics, đầu mối xuất nhập khẩu cả nước lớn nhất cả nước do đặc điểm về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội có nhiều lợi thế về hạ tầng và dịch vụ logistics. Hệ thống các cảng biển vùng Đông Nam bộ đảm nhận gần 50% khối lượng hàng hóa thông qua các cảng biển trên cả nước.

Ngoài quy mô dân số lớn nhất, Đông Nam Bộ còn là vùng có sức hút lớn nhất cả nước về dân số, lao động.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng kinh tế lớn nhất cả nước, chiếm 9,2% diện tích; 22,37% dân số cả nước. Năm 2020 khu vực này đóng góp gần 50% vào tăng trưởng kinh tế cả nước.